Thứ Bảy, 20/4/2024 - 14:58:19 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Thị trường chứng khoán quý II: Niềm tin từ những quyết sách

THỨ BA, 21/04/2020 08:40:00 | KINH TẾ - XÃ HỘI
(BKTO) - Diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã khiến VN-Index giảm điểm sâu. Tuy nhiên, các biện pháp quyết liệt của Chính phủ trong kiểm soát dịch bệnh cũng như hỗ trợ DN, người dân đã mang lại niềm tin cho nhà đầu tư. Đây là cơ sở để kỳ vọng thị trường sẽ diễn biến cân bằng hơn trong quý II/2020.

VN-Index giảm sâu do ảnh hưởng của Covid-19

Thị trường chứng khoán thế giới từng chứng kiến 3 đợt sụt giảm sâu vào các thời điểm: ngày 19/10/1987 (Ngày thứ Hai đen tối) do những quan ngại của nhà đầu tư về việc kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm lại; năm 2001 do sự bùng nổ đầu cơ các cổ phiếu công nghệ và năm 2008 do cuộc khủng hoảng tài chính. Điểm chung của các đợt sụt giảm trong quá khứ và hiện tại là giảm điểm mạnh và nhanh. Tuy nhiên, nguyên nhân của đợt sụt giảm hiện tại lại khác hẳn những lần trước. Dịch bệnh diễn biến bất ngờ và lan nhanh đã ảnh hưởng đồng loạt tới các nền kinh tế. Nhiều thị trường và gần như không một tổ chức nào dự báo được kịch bản đang diễn ra hiện nay trên thị trường chứng khoán thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. 

Cú sốc dịch bệnh đã làm đứt đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và làm giảm sức cầu của nền kinh tế. Hoạt động kinh tế của nhiều ngành đã dừng lại quá nhanh và đột ngột; các DN gặp nhiều khó khăn khi vẫn phải gánh chịu các chi phí về tài chính, nhân công… Nếu tình trạng này kéo dài, DN có thể đến sát bờ vực phá sản. Các chính sách kinh tế đã từng được áp dụng để đối phó với những đợt suy thoái kinh tế, khủng hoảng tài chính, thiên tai hay chiến tranh. Thế nhưng, các chính sách kinh tế hiện đại dường như chưa lần nào phải ứng phó với dịch bệnh ở mức độ đại dịch như Covid-19. Điều này tạo ra sự bất ổn lớn, khó đoán định, gây ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường chứng khoán. 

Tại Việt Nam, từ đầu năm đến cuối tháng 3/2020, VN-Index giảm gần 30% - mức giảm tương đương với mức giảm của các thị trường khác trên thế giới. Xét về nhóm ngành, không nhóm ngành nào thoát khỏi đợt suy giảm này của thị trường. Trong đó, kể cả những nhóm ngành mà các DN ít bị ảnh hưởng bởi dịch, có khả năng duy trì kết quả kinh doanh như dược phẩm hay viễn thông, giá cổ phiếu cũng giảm trên 10%. Các nhóm ngành sụt giảm mạnh nhất là dịch vụ tiêu dùng, dầu khí và tài chính. 

Thị trường sẽ ổn định hơn bởi các chính sách hỗ trợ nền kinh tế

Những phiên đầu tháng 4/2020, đà suy giảm ngắn và trung hạn của thị trường đang có dấu hiệu suy yếu khi chỉ số tiệm cận vùng hỗ trợ dài hạn ở vào mức 600 - 650 điểm. Đây là vùng hỗ trợ mạnh và có tính chất quan trọng đối với việc xác định hướng đi tiếp theo cho thị trường trong trung và dài hạn. VN-Index đã tăng gần 100 điểm, tương đương 15%, điều này thể hiện niềm tin và sự phản ứng tích cực của nhà đầu tư đối với thị trường. Niềm tin ấy là hoàn toàn có cơ sở:

Thứ nhất, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo triển khai các biện pháp khống chế dịch bệnh cũng như các chính sách hỗ trợ DN và người dân trong giai đoạn khó khăn hiện nay thông qua việc ban hành: Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất; Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19…

Thứ hai, các quốc gia cũng đã quyết liệt thực hiện các chính sách kích cầu kết hợp tài khóa và tiền tệ với quy mô lớn và chưa có tiền lệ nhằm đối phó với Covid-19. Trong tháng 3/2020, 30 quốc gia đã hạ lãi suất. Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) mặc dù tham gia vào xu hướng này chậm hơn các nước nhưng đã quyết liệt đưa lãi suất về mức 0 - 0,25% sau 2 lần giảm lãi suất trong tháng 3; đồng thời, kích hoạt một loạt các công cụ hỗ trợ thanh khoản thị trường và ban hành gói nới lỏng định lượng mua không giới hạn trái phiếu chính phủ và chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp. FED cũng đưa ra công cụ mới nhằm cung cấp tín dụng cho các DN lớn được xếp hạng đầu tư bằng cách mua lại trái phiếu DN trên thị trường sơ cấp và thứ cấp. Cùng với đó, Quốc hội Hoa Kỳ cũng thông qua gói tài khóa 2.000 tỷ USD, tương đương 10% GDP và gấp đôi giá trị gói khủng hoảng năm 2008 để hỗ trợ nền kinh tế. Các chính sách tương tự cũng được ghi nhận tại EU, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác.

Thứ ba, ngày 31/3/2020, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có Thông báo về việc tổ chức giao dịch trên thị trường chứng khoán an toàn, ổn định, thông suốt trong mọi tình huống. Thông báo này tiếp tục duy trì quan điểm xuyên suốt của các cơ quan quản lý: Thị trường sẽ hoạt động theo tính thị trường, hạn chế sự can thiệp của các biện pháp hành chính. Thông tin minh bạch, duy trì hoạt động, thanh khoản thị trường là cơ sở tạo niềm tin cho nhà đầu tư. 

Thứ tư, nhiều cổ phiếu đã về giá hấp dẫn, hiện P/E của thị trường đang ở mức 10,5 lần (chỉ còn tương đương 47% so với mức trung bình trong tháng 4/2018) và rẻ nhất trong vòng hơn 7 năm trở lại đây. Bên cạnh đó, nhiều DN niêm yết là những DN lớn có tiềm lực tài chính tốt, khả năng thích ứng cao với biến động của thị trường còn phát triển mạnh hơn khi dịch bệnh qua đi vì chiếm lĩnh được thị phần từ các đối thủ yếu. 

Ngoài ra, cuối tháng 3/2020, các hoạt động kinh tế của Trung Quốc bắt đầu trở lại, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong tháng đạt 52 điểm đã bất ngờ đánh bại mọi dự báo. Việc Trung Quốc kiểm soát được dịch và khôi phục hoạt động sản xuất giúp Việt Nam gia tăng xuất khẩu nông sản, khơi thông các nguyên liệu đầu vào và mở ra hy vọng cho ngành du lịch. 

Tóm lại, các chính sách quyết liệt của Chính phủ, tín hiệu tích cực từ thị trường trong nước và quốc tế là những cơ sở để kỳ vọng VN-Index sẽ bước sang quý II với xu hướng tích cực hơn. Trong tháng 4, kịch bản diễn biến dịch bệnh sẽ rõ ràng hơn, bên cạnh đó, nhiều DN sẽ công bố các kế hoạch năm 2020, việc định giá lại các cổ phiếu lớn sẽ dẫn dắt dòng tiền và là yếu tố chính chi phối xu hướng VN-Index. Nhóm cổ phiếu dẫn xu hướng tích cực của thị trường vẫn sẽ là những DN lớn, có tiềm lực tài chính và có thị phần ở lĩnh vực kinh doanh của mình.

PHẠM TIẾN DŨNG

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201