Thứ Sáu, 19/4/2024 - 02:58:53 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN trong và sau đại dịch Covid-19

THỨ HAI, 01/06/2020 08:35:00 | KINH TẾ - XÃ HỘI
(BKTO) - Tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 (Dự thảo Nghị quyết), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng, tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành đối với Dự thảo Nghị quyết này.


Theo dự báo của Cục Hàng không Việt Nam, thị trường hàng không trong nước sẽ cơ bản khôi phục hoàn toàn vào giữa năm 2021. Ảnh: TTXVN

Tiết kiệm chi, ưu tiên khôi phục sản xuất kinh doanh

Theo Dự thảo Nghị quyết, Chính phủ quyết nghị tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cụ thể như: giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 đối với DN, tổ chức đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp; miễn phí bảo lãnh phát sinh trong năm 2020 đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh cho các DN hàng không còn dư nợ đến ngày 31/12/2019; giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay của các chuyến bay nội địa, đồng thời áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá từ tháng 3 đến hết tháng 9/2020. 

Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị quyết cũng đề cập, Chính phủ sẽ giảm 2% lãi suất cho vay đối với DN vừa và nhỏ (DNVVN) từ Quỹ Phát triển DNNVV. Nhằm kích cầu tiêu dùng trong nước, lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được giảm 50% đến hết năm 2020; cho phép hoãn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, hơn nữa sẽ nghiên cứu sửa đổi quy định về thuế tiêu thụ đặc biệt để hỗ trợ phát triển sản xuất trong nước… Chính phủ cũng cho phép các khoản đóng góp, ủng hộ trong các hoạt động chống dịch Covid-19 được hạch toán vào chi phí hợp lý được khấu trừ khi tính thuế thu nhập DN.

Theo đề nghị của Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT đã tiếp thu, chỉnh sửa nội dung trong Dự thảo thành: Chính phủ dự kiến cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các Bộ, cơ quan T.Ư và địa phương (trừ Bộ Quốc phòng, Công an, Y tế và các hoạt động ngoại giao quốc gia của Bộ Ngoại giao) và tiết kiệm 10% chi phí thường xuyên khác còn lại của năm 2020, nhất là các khoản chi mua sắm chưa thực sự cần thiết. 

Để giúp các DN duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, các chuyên gia, nhà quản lý DN, lao động kỹ thuật là người nước ngoài làm việc trong các dự án đầu tư, kinh doanh được cho phép nhập cảnh vào Việt Nam nhưng phải bảo đảm phù hợp với các quy định về phòng, chống dịch. Đồng thời, lực lượng này đang làm việc tại các DN cũng được gia hạn giấy phép lao động hoặc được cấp mới giấy phép lao động để thay thế cho những người không được nhập cảnh hoặc không nhập cảnh trở lại Việt Nam.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực thực thi chính sách

Theo Dự thảo Nghị quyết, đối với hoạt động đầu tư của DN, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xem xét, giải quyết thủ tục đầu tư cho các dự án theo đề xuất của DN, tuyệt đối không để chậm trễ, tồn đọng hồ sơ; hướng dẫn xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn cho từng loại hình sản xuất kinh doanh đảm bảo mục tiêu phòng, chống dịch Covid-19, tạo điều kiện cho DN sản xuất kinh doanh an toàn phù hợp với các biện pháp phòng, chống dịch theo giai đoạn. Song song với các hoạt động xúc tiến đầu tư, chủ động nghiên cứu và triển khai cơ chế, chính sách khuyến khích, thúc đẩy khởi nghiệp, hỗ trợ DN đầu tư khôi phục, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, Chính phủ sẽ chuẩn bị tốt nhất các điều kiện cần thiết để thu hút nguồn lực đầu tư mới. Để đạt được những mục tiêu trên, trong Dự thảo Nghị quyết, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương, yêu cầu nâng cao tinh thần, thái độ, năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ thực thi chính sách, phát huy tinh thần đồng hành cùng DN, chấm dứt tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu.

Đóng góp ý kiến hoàn thiện Dự thảo để thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính tiếp tục đề nghị bổ sung một số nội dung hỗ trợ DN, cụ thể là nghiên cứu trình Chính phủ báo cáo Quốc hội ban hành Nghị quyết về giảm 30% thuế thu nhập DN phải nộp năm 2020 đối với DN nhỏ và siêu nhỏ; xem xét thực hiện gia hạn thời hạn nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, chấp nhận C/O sử dụng chữ ký, con dấu điện tử hoặc bản chụp/scan C/O nộp cơ quan hải quan. Bộ này cũng sẽ nghiên cứu trình cấp thẩm quyền xem xét giảm tiền chậm nộp đối với DN sản xuất trực tiếp nhập khẩu hàng hóa để tạo tài sản cố định bị cơ quan hải quan ấn định thuế giá trị gia tăng; cũng như nghiên cứu trình Chính phủ xem xét giảm điều kiện về sản lượng cho các loại xe ô tô thuộc Chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện.

Tiếp tục hướng sự hành động của các cấp, các ngành vào việc phát triển chính phủ điện tử, xử lý thủ tục hành chính và dịch vụ công trên môi trường mạng để rút ngắn thời gian và tăng cường minh bạch trong xử lý công vụ, Văn phòng Chính phủ đã đề xuất: “Tập trung lựa chọn, tái cấu trúc quy trình, cung cấp trên môi trường điện tử các thủ tục hành chính có nhu cầu lớn, liên quan nhiều đến hoạt động của người dân, DN kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia; ban hành và triển khai Kế hoạch số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính giai đoạn 2020-2025; thực hiện cấp bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính; hoàn thành kết nối thanh toán trực tuyến các nghĩa vụ tài chính liên quan đến thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia trước ngày 30/6/2020…”.

QUỲNH ANH

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201