Thứ Sáu, 26/4/2024 - 04:48:23 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường phù hợp với điều kiện của Việt Nam và thông lệ quốc tế

THỨ HAI, 23/12/2019 08:35:00 | KINH TẾ - XÃ HỘI
(BKTO) - Bộ Tài Nguyên và Môi trường đang tổ chức lấy ý kiến chuyên gia về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) để hoàn thiện Dự thảo Luật, trình Quốc hội vào năm 2020. Với quan điểm “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”, Luật sửa đổi phải đảm bảo phù hợp với điều kiện của Việt Nam, đồng thời tiệm cận và hội nhập quốc tế.

Bổ sung các quy định về bảo vệ môi trường gắn với phát triển bền vững

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh cho biết, việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường được đặt ra trong bối cảnh sự chồng chéo giữa các luật, đặc biệt là diễn biến ngày càng phức tạp của môi trường ở Việt Nam. Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BVMT có 17 chương, 177 điều, tăng 7 điều so với Luật BVMT năm 2014; trong đó sửa đổi, bổ sung mới nhiều điều.

Đáng chú ý, Dự thảo Luật đã bổ sung các quy định về BVMT gắn với phát triển bền vững. Cụ thể: Quy hoạch BVMT được sửa đổi bảo đảm thống nhất, đồng bộ với pháp luật về quy hoạch và yêu cầu BVMT. Dự thảo Luật đưa ra 3 mức độ phân vùng môi trường: vùng bảo vệ nghiêm ngặt; vùng hạn chế tác động và vùng còn lại để làm căn cứ quyết định cho phép các dự án phát triển.

Đặc biệt, cơ quan soạn thảo sửa đổi, bổ sung quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu phải gắn với phát triển bền vững, tăng cường khả năng chống chịu của tự nhiên và xã hội, hướng tới nền kinh tế carbon thấp và tận dụng các cơ hội do biến đổi khí hậu mang lại; đồng thời bổ sung quy định về thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó có yêu cầu đánh giá tác động, tình trạng dễ bị tổn thương và rủi ro do biến đổi khí hậu đối với người dân, lĩnh vực và khu vực dựa trên cơ sở kịch bản biến đổi khí hậu và dự báo phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với vấn đề đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), Dự thảo Luật thu hẹp đối tượng phải thực hiện ĐMC so với Luật BVMT năm 2014. Theo đó, đối tượng phải thực hiện ĐMC chỉ là các quy hoạch theo quy định trong Luật Quy hoạch. Dự thảo Luật còn bổ sung quy định cụ thể về nội dung thẩm định, thời hạn thẩm định báo cáo ĐMC.

Dự thảo Luật cũng bổ sung nội dung đánh giá tác động môi trường (ĐTM) để bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư, đầu tư công; quy định đối tượng phải thực hiện ĐTM bảo đảm thống nhất với dự án đầu tư, đầu tư xây dựng theo tiêu chí phân loại của Luật Đầu tư công. Theo đó, các dự án đầu tư xây dựng có công trình xử lý chất thải và các dự án khác có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mới phải thực hiện báo cáo ĐTM. Các dự án khác không thuộc quy định nêu trên và dự án áp dụng kỹ thuật tốt nhất hiện có được miễn. Đồng thời, thủ tục thẩm tra nội dung báo cáo ĐTM đối với các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao cũng được bổ sung vào Dự thảo Luật. 

Cùng với đó, Dự thảo Luật bỏ kế hoạch BVMT đối với các dự án ít có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; quy định cơ chế khuyến khích các dự án áp dụng kỹ thuật tốt nhất hiện có (BAT) và áp dụng thực hành môi trường tốt nhất (BEP); thay thế 7 loại giấy phép, giấy xác nhận, chứng nhận, đăng ký chủ nguồn thải... về BVMT bằng Giấy phép môi trường; bổ sung thuế BVMT, mua sắm xanh, chính sách ưu đãi, hỗ trợ sản xuất, phân phối và sử dụng sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường; quy định về bảo đảm mức chi cho BVMT không dưới 1% tổng chi NSNN và tăng dần tỷ lệ này theo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Thận trọng, tránh chồng chéo khi cấp ĐTM và Giấy phép môi trường

Chia sẻ kinh nghiệm về ĐTM, nguyên Thứ trưởng Bộ Môi trường Hàn Quốc Kim In Hwan cho hay, tại nước này, ĐTM liên quan đến quá trình quy hoạch khi phát triển các dự án phát triển hạ tầng ở quy mô lớn. Quy trình cấp phép môi trường chỉ quan tâm đến các cơ sở gây ô nhiễm. Đây là công cụ chính sách để có thể bảo vệ được môi trường, là yếu tố đóng vai trò quan trọng và chủ đạo. Các cơ sở gây ô nhiễm phải nhận được giấy phép trước khi đi vào hoạt động. Khi cấp ĐTM và Giấy phép môi trường, cơ quan quản lý nhà nước phải thận trọng để tránh chồng chéo, có thể tạo gánh nặng kép cho DN.

Trong khi đó, theo đại diện Ngân hàng Thế giới, cần định nghĩa đúng về tác động môi trường, tác động xã hội, ở đó, lưu ý đến tác động trực tiếp, tác động gián tiếp làm cơ sở cho việc xây dựng các chính sách sau này. Hiện nay, ở Việt Nam, quá trình tham vấn ĐTM vẫn còn khoảng cách so với thông lệ quốc tế. Việc công bố thông tin về ĐTM cũng cần rà soát lại để công chúng được biết, đặc biệt đối với các dự án có rủi ro cao với môi trường.

Trao đổi về việc cấp Giấy phép môi trường, ông Jorg Ruger - Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức - cho biết, tại nước này, Giấy phép môi trường sẽ được xem xét cấp trước khi xây dựng, hồ sơ cấp phép có đánh giá cả vòng đời của nhà máy từ khi xây dựng đến khi phá dỡ và trong quá trình xây dựng, nhà máy sẽ tiếp tục đánh giá chuyên sâu, trước khi đi vào hoạt động phải có giấy phép hoạt động.

Chia sẻ về kiểm soát ô nhiễm, đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản khuyến nghị, cần quy định rõ việc trao đổi chất thải giữa các cơ sở sản xuất với nhau để tránh nguồn gây ô nhiễm thứ cấp. Tại Nhật Bản, sau khi phân loại rõ các nhóm chất thải, nếu nhận thấy các nhóm chất đó không gây ô nhiễm thứ cấp thì cơ quan chức năng có thể trao đổi xử lý và sẽ có quy trình theo dõi, giám sát chặt chẽ, tránh ô nhiễm sau này. Cùng với đó, Nhật Bản đã xây dựng, thiết lập chế độ người quản lý kiểm soát ô nhiễm tại các nhà máy. Người này phải trải qua các quá trình tập huấn, có kinh nghiệm quản lý và khả năng phát hiện vấn đề trước khi sự cố xảy ra, góp phần giảm thiểu gánh nặng hành chính của DN…

HỒNG NHUNG

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201