Thứ Sáu, 19/4/2024 - 03:16:15 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Nhiều "rào cản" hạn chế doanh nghiệp Việt tiếp cận thị trường Halal

THỨ TƯ, 29/06/2022 21:50:57 | KINH TẾ - XÃ HỘI
(BKTO) - Việt Nam có nhiều tiềm năng và năng lực tham gia vào thị trường Halal (các sản phẩm phục vụ thị trường Hồi giáo), song khả năng tiếp cận của các doanh nghiệp (DN) Việt còn khá hạn chế. Do đó, cần nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao khả năng tiếp cận thị trường Halal của DN Việt.

Đây là chủ đề được trao đổi, thảo luận tại Hội nghị “Tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển ngành Halal Việt Nam” do Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức vào chiều 28/6.
 

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: D.THIỆN


Việt Nam có vị trí khiêm tốn trên bản đồ Halal toàn cầu

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu cho biết, thị trường Halal toàn cầu rất rộng lớn, giàu tiềm năng và phát triển nhanh, với nhiều lĩnh vực như thực phẩm, dược - mỹ phẩm, du lịch, dệt may, dịch vụ... Bởi vậy, nhiều nước như Indonesia, Malaysia, Ả-rập Xê-út, Pakistan, Hàn Quốc, Brazil… đều có các chiến lược, chương trình phát triển ngành Halal, xây dựng hệ sinh thái Halal một cách toàn diện.

Trong khi đó, đối với Việt Nam, ngành Halal vẫn là một lĩnh vực khá mới và hiện Việt Nam có vị trí rất khiêm tốn trên bản đồ Halal toàn cầu, dù có nhiều thế mạnh về nông nghiệp, thực phẩm, dệt may… Bên cạnh đó, mới chỉ có gần 60% tỉnh, thành phố của Việt Nam có sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Halal toàn cầu và hơn 1.000 DN có chứng nhận Halal. Đây là con số khá khiêm tốn so với tiềm năng và năng lực của Việt Nam.

Thông tin thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết, dư địa để thâm nhập thị trường Halal đối với Việt Nam là rất rộng mở. Bởi vì, hiện nay tỷ lệ người theo đạo Hồi chiếm khoảng hơn 24% dân số thế giới và dự báo sẽ tăng lên 30% vào năm 2050.

Bên cạnh đó, chi tiêu cho thực phẩm Halal sẽ tăng 3,1% từ 1.400 tỷ USD năm 2020 lên mức 1.900 tỷ USD vào năm 2024 và 15.000 tỷ USD vào năm 2050. Đặc biệt, nhu cầu về các sản phẩm Halal tăng mạnh không chỉ do sự gia tăng về số lượng người Hồi giáo mà còn do xu hướng tiêu dùng mới hướng đến các sản phẩm xanh, sạch.
 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: D.THIỆN


Cũng theo ông Doanh, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu nông - thủy sản uy tín trên thế giới và là mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết hàng đầu khu vực, với việc tham gia 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)... Nhiều loại nông sản của Việt Nam đã đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, phù hợp với yêu cầu chứng nhận Halal và được người Hồi giáo ưa chuộng.

Tính đến năm 2021, các thị trường Halal nhập khẩu các sản phẩm nông - thủy sản của Việt Nam chủ yếu là Malaysia, Ả-rập Xê-út, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE), Quatar, Thổ Nhĩ Kỳ, Bờ Biển Ngà… Tuy nhiên, hiện nay, thực phẩm Halal xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu dưới dạng thô và sơ chế, với một số mặt hàng chính như sản phẩm từ ngũ cốc - gạo, thủy sản, hạt điều, cà phê, rau quả, hạt tiêu và chè.

“Ngành nông nghiệp Việt Nam đang có xu hướng phát triển các sản phẩm xuất khẩu có chất lượng cao, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, trong đó có tính đến tăng cường xuất khẩu các sản phẩm nông, thủy sản sang thị trường Halal toàn cầu” - Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết thêm.

Tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển ngành Halal Việt Nam

Chia sẻ sâu hơn về hoạt động xuất khẩu sản phẩm Halal của Việt Nam thời gian qua, bà Trần Thị Minh Thu - Vụ trưởng Vụ Tín ngưỡng và Các tôn giáo khác, Ban Tôn giáo Chính phủ cho biết, công tác này còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế.

Cụ thể, nhiều DN xuất khẩu vào thị trường các quốc gia Hồi giáo còn chưa chú trọng đến việc nghiên cứu văn hóa Hồi giáo, trong đó có văn hóa tiêu dùng, kinh doanh và các quy định đối với sản phẩm Halal nên gặp các vấn đề chưa phù hợp với văn hóa Hồi giáo, từ nuôi trồng đến chế biến, bảo quản và mẫu mã, thương hiệu sản phẩm. Mặt khác, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa DN xuất khẩu với các đơn vị chứng nhận Halal để nâng cao chất lượng sản phẩm Halal đảm bảo yêu cầu của đối tác nhập khẩu.

Khó khăn nữa được bà Phạm Hoài Linh - Phó Trưởng phòng, Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương, Bộ Công Thương đề cập đó là, hiện nay chưa có bộ tiêu chuẩn Halal thống nhất áp dụng với tất cả các nước trên toàn cầu; có nhiều tổ chức được phép cấp chứng nhận Halal, nhưng quy trình thủ tục cấp chứng nhận của các tổ chức không thống nhất.

“Hiện nay đang tồn tại rất nhiều tổ chức cấp chứng nhận Halal với các yêu cầu chứng nhận khác nhau giữa các nước, nhiều tiêu chuẩn khác nhau cho từng sản phẩm đã làm tăng sự phức tạp và thách thức trong ngành sản xuất, kinh doanh thực phẩm Halal. Đây là một trở ngại lớn đối với hoạt động xuất khẩu sản phẩm Halal của các DN Việt” - bà Linh nhấn mạnh.

Từ góc nhìn địa phương, ông Nguyễn Văn Thi - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa chia sẻ, khó khăn lớn nhất trong xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Halal khu vực và toàn cầu của tỉnh Thanh Hóa cũng như các địa phương của Việt Nam là đạt được chứng nhận Halal - “chìa khóa” để giúp DN tham gia sâu trong chuỗi cung ứng sản phẩm Halal toàn cầu.

Theo ông Thi, các tiêu chuẩn và quy định về thẩm tra, cấp chứng nhận Halal đang ngày càng nghiêm ngặt, trong khi chứng nhận Halal lại không có giá trị vĩnh viễn, không được công nhận như nhau ở tất cả các quốc gia, với tất cả các mặt hàng.

Bên cạnh đó, chi phí DN phải bỏ ra để chứng nhận sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Halal tương đối lớn so với xuất khẩu các sản phẩm thông thường. Ngoài ra, việc đầu tư dây chuyền sản xuất, trang thiết bị riêng biệt trong các khâu từ đóng gói, bảo quản, vận chuyển… theo tiêu chuẩn Halal tốn nhiều chi phí của DN.

Từ thực tế trên, nhiều đại biểu quốc tế đã chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng các kế hoạch, chương trình tổng thể, chiến lược phát triển ngành Halal; khuyến nghị Việt Nam cần tận dụng tối đa các mối quan hệ hợp tác và các nguồn lực quốc tế để hỗ trợ phát triển sản phẩm, dịch vụ tham gia sâu hơn vào thị trường Halal toàn cầu.

Cụ thể, Việt Nam cần thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương về phát triển ngành Halal giữa Việt Nam với các đối tác, nhất là các nước Hồi giáo và các nước ASEAN; ký kết các thỏa thuận về công nhận lẫn nhau trong lĩnh vực Halal.

Song song với đó là cần tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài để xây dựng các cơ sở sản xuất sản phẩm Halal đạt tiêu chuẩn quốc tế; hỗ trợ kết nối các DN Việt Nam với các tổ chức chứng nhận Halal uy tín và các đối tác trên thế giới...

Ngoài ra, đại diện một số DN đề xuất các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương cần hỗ trợ DN trong việc hướng dẫn quy trình, thủ tục để được cấp chứng nhận Halal; xúc tiến thương mại vào các thị trường Halal; cung cấp thông tin về các hàng rào thương mại, tiêu chuẩn nhập khẩu của thị trường Hồi giáo…/.
DIỆU THIỆN
 

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201