Thứ Sáu, 29/3/2024 - 03:42:10 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Mất an ninh nguồn nước: Nguy cơ hiện hữu trong cả hiện tại và tương lai

THỨ SÁU, 04/09/2020 08:15:00 | KINH TẾ - XÃ HỘI
(BKTO) - Tại Hội nghị giải trình về “An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ đập” vừa tổ chức, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặc biệt nhấn mạnh: “Nhiều người lầm tưởng Việt Nam thừa nước ngọt nhưng thực tế theo tiêu chí của quốc tế thì Việt Nam là quốc gia thiếu nước. Thậm chí, nguy cơ mất an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập là hiện hữu trong cả hiện tại và tương lai”.


Dự báo trong khoảng 20 - 30 năm tới, nhiều địa phương sẽ thiếu nước nghiêm trọng. Ảnh: TTXVN

63% nguồn nước nằm ngoài lãnh thổ, hiệu quả sử dụng nước chỉ bằng 1/10 trung bình thế giới

Báo cáo sơ bộ kết quả khảo sát tại 14 tỉnh, thành phố về an ninh nguồn nước và an toàn hồ, đập phục vụ sản xuất, sinh hoạt, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Vinh Hà cho biết, vấn đề thiếu nước do lượng nước phân bố không đều theo không gian và thời gian; nhu cầu sử dụng khác nhau cho phát triển kinh tế - xã hội và quản trị nguồn nước chưa cao. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng đe dọa rất lớn nguồn nước ngọt của các sông, suối và ảnh hưởng đến chất lượng nước dưới đất. Sự gia tăng dân số và phát triển kinh tế - xã hội đã làm trầm trọng thêm tình trạng xả thải vào các sông, suối, gây ô nhiễm nguồn nước. 

Cùng với đó, Việt Nam cũng gặp nhiều thách thức khác liên quan đến khả năng tiếp cận nguồn nước sạch, an toàn cho sản xuất, sinh hoạt của người dân; mâu thuẫn trong sử dụng nước trên cùng lưu vực sông cũng như các mục đích sử dụng; vấn đề bảo vệ nguồn sinh thủy; hiệu quả sử dụng nước thấp, thất thoát nước lớn. Đáng chú ý, nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc lớn vào các sông quốc tế khi nước ta có tới 3.500 sông, suối với chiều dài từ 10km trở lên; 13 lưu vực sông có diện tích lớn hơn 10.000 km2 nhưng có 7 lưu vực sông liên quốc gia, phần lưu vực ở nước ngoài chiếm tới 71% lại ở khu vực đầu nguồn. 

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, tổng lượng nước mặt vào Việt Nam khoảng 840 tỷ m3/năm nhưng khoảng 520 tỷ m3 (chiếm 63%) đến từ ngoài lãnh thổ. Dự báo, việc các quốc gia ở thượng nguồn các sông quốc tế có kế hoạch gia tăng sử dụng nước, xây dựng các hồ thủy điện, công trình lấy nước, công trình chuyển nước liên lưu vực sông sẽ tác động đến biến đổi dòng chảy về Việt Nam, gây hậu quả nghiêm trọng đến vùng hạ du, đặc biệt vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), lượng nước bình quân đầu người của nước ta chỉ đạt 3.840 m3/người/năm, thấp hơn chỉ tiêu 4.000 m3/người/năm của Hội Tài nguyên nước quốc tế. Mặt khác, Việt Nam có khoảng gần 7.000 hồ chứa nước thủy lợi với dung tích khoảng 14,5 tỷ m3, tuy nhiên, các hồ này mới chỉ đáp ứng 37% nhu cầu tưới tiêu, 63% vẫn phải trông chờ vào nước tự nhiên và hệ thống bơm từ các sông, ngòi.   

Tính toán của WB cho thấy, với bối cảnh dân số ngày càng tăng, trong đó 2/3 dân số của Việt Nam sinh sống tại ba lưu vực sông lớn là sông Hồng - sông Thái Bình, sông Cửu Long và sông Đồng Nai, dự kiến, 25 năm tới, nhu cầu khai thác, sử dụng nước của người dân ở các khu đô thị sẽ tăng gấp đôi, tổng nhu cầu về nước trong mùa khô sẽ tăng 32% vào năm 2030, căng thẳng nước sẽ xảy ra nghiêm trọng tại các lưu vực kinh tế trọng điểm: Bắc Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Đồng Nai. Dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết, trong khoảng 20 - 30 năm tới, nhiều tỉnh sẽ thiếu nước nghiêm trọng, đặc biệt là nước cho sản xuất nông nghiệp.

Đổi mới tư duy trong hoạch định chính sách đảm bảo an ninh nguồn nước 

Trước những thách thức về an ninh nguồn nước, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, giải pháp chủ yếu là nâng cao nhận thức và hành động cho từng cá nhân, tổ chức; có chính sách phù hợp để thu hút cộng đồng tham gia sử dụng hợp lý, tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước; từng bước xem nước là một dạng hàng hóa và sử dụng theo hướng đa mục tiêu, quản lý theo lưu vực và nhóm lưu vực; đổi mới, sắp xếp lại các tổ chức quản lý, khai thác công trình một cách hệ thống hướng tới tự chủ, tự chịu trách nhiệm…

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, phải đổi mới tư duy trong hoạch định, tổ chức, lãnh đạo và kiểm soát đối với an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, chống biến đổi khí hậu, coi đây là mục tiêu, nhiệm vụ tổng hợp, cấp bách, lâu dài, liên tục, thống nhất và xuyên suốt từ T.Ư đến địa phương. Cùng với đó, phải coi nước là hàng hóa đặc biệt, thực hiện nguyên tắc thị trường, từng bước tính đúng, tính đủ giá dịch vụ nước sản xuất và sinh hoạt, thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, đối tác công - tư.

Đặc biệt, để nguồn nước không bị phụ thuộc vào nước ngoài, theo ông Hiển, Việt Nam cần thực hiện phương châm: sinh thủy tại chỗ; giữ nước tại chỗ; bảo vệ tại chỗ; điều hành, vận hành, phân phối tại chỗ; đồng thời, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến… nhằm tổ chức thiết kế, thi công, quản lý và vận hành hệ thống công trình thủy lợi, quản lý nguồn nước, chất lượng nước. Bên cạnh đó, nước ta cần tăng cường hợp tác với khu vực và quốc tế trong ký kết và thực hiện các hiệp định bảo vệ môi trường, bảo vệ lưu vực sông, phối hợp điều hòa nguồn nước hợp lý, nhất là lưu vực sông Mê Công và sông Hồng.

An ninh nguồn nước là loại an ninh đặc biệt, tác động đến sự phát triển bền vững của đất nước. Từ đánh giá này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà kiến nghị đưa việc đảm bảo an ninh nguồn nước là một lĩnh vực an ninh phi truyền thống vào Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và kế hoạch toàn khóa cũng như văn kiện đại hội các địa phương. Đồng thời, Quốc hội cần ban hành một nghị quyết riêng về đảm bảo an ninh nguồn nước.
HỒNG NHUNG

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201