Thứ Hai, 29/4/2024 - 15:38:23 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Liên tiếp xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng: Bất cập về hạ tầng

THỨ BA, 25/08/2020 14:35:00 | KINH TẾ - XÃ HỘI
(BKTO) - Tai nạn giao thông (TNGT) trong 7 tháng năm 2020 đã giảm sâu cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương) so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, hàng loạt vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm nhiều người thương vong lại liên tiếp xảy ra. Theo phân tích của nhiều chuyên gia giao thông, ngoài những nguyên nhân cố hữu thì cũng không ít vụ TNGT có nguyên nhân do bất cập về hạ tầng.


Không ít vụ TNGT có nguyên nhân do bất cập về hạ tầng. Ảnh minh họa

Công trình giao thông đường bộ không đảm bảo an toàn

Nguyên nhân dẫn đến hàng loạt vụ TNGT nghiêm trọng hầu hết là do tài xế phóng nhanh, vượt ẩu, xảy ra trong thời gian thấp điểm, xe cộ lưu thông ít (giữa đêm khuya và rạng sáng), sử dụng rượu bia, ma túy... Ngoài ra, cũng không ít vụ có nguyên nhân do công trình giao thông đường bộ không đảm bảo an toàn như: đường thiếu dải phân cách; việc duy tu, sửa chữa đường, sơn kẻ vạch sai với quy định, không có đèn chiếu sáng. Đơn cử như vụ TNGT xảy ra tại Quảng Ninh ngày 10/7 khi chiếc ô tô lao xuống biển khiến 4 người tử vong. Sau khi kiểm tra, Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Quảng Ninh thừa nhận, ngoài nguyên nhân thuộc về người điều khiển phương tiện, thì cũng có một phần nguyên nhân do hạ tầng. Bởi đây là đoạn đường vừa thi công, vừa khai thác, nhưng đơn vị thi công tuyến đường không có biển cảnh báo nguy hiểm, không tổ chức cảnh giới, tuyến đường chưa được lắp đặt hệ thống chiếu sáng, không có dây phản quang để hướng dẫn người tham gia giao thông.

Dẫn chứng về vụ TNGT xảy ra đêm 21/7 khi xe khách đấu đầu xe tải khiến 8 người chết trên quốc lộ 1, đoạn qua huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia Trần Hữu Minh cho rằng, yếu tố hạ tầng giao thông có nhiều yếu kém cả về năng lực cho đến thiết kế tính năng ATGT. “Rất nhiều tuyến đường hiện nay không có đèn chiếu sáng nên phần tim đường bắt buộc phải có đinh phản quang để hỗ trợ người lái xe ban đêm đi cho đúng làn. Tuy nhiên, có những cung đường mặt cắt hẹp, không có sơn phản quang, đinh phản quang để lái xe phân biệt ranh giới giữa 2 bên, đặc biệt là buổi tối, nếu không để ý kỹ, rất dễ xảy ra tai nạn” - ông Minh nhận định.

Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho rằng, một số đơn vị quản lý đường chưa duy trì điều kiện an toàn của tuyến đường theo quy định. Chẳng hạn, việc bắt buộc thẩm tra ATGT đối với các tuyến đường trước khi đưa vào khai thác và phải thực hiện định kỳ trong quá trình sử dụng đã được quy định rất rõ, nhưng trên thực tế không phải đơn vị nào cũng thực hiện hoặc thực hiện đầy đủ.

Phải thực hiện nghiêm túc việc thẩm tra an toàn giao thông

Được biết, để thực hiện thẩm tra ATGT, từ năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 11/2010/NĐ-CP quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, trong đó quy định Bộ Giao thông vận tải (GTVT) là đơn vị quyết định và tổ chức thực hiện thẩm định ATGT đối với quốc lộ, đường cao tốc. Năm 2015, Bộ GTVT tiếp tục phê duyệt Đề án Tăng cường công tác thẩm định ATGT trên hệ thống quốc lộ và đường bộ cao tốc. Theo đó, đến hết năm 2016, tất cả các tuyến cao tốc đang khai thác phải được thực hiện thẩm định ATGT ít nhất một lần, tính từ khi bắt đầu thực hiện dự án. Tuy nhiên, đến nay, nhiều tuyến cao tốc chưa được thẩm tra, thẩm định an toàn, nhất là những dự án đưa vào khai thác trước năm 2015. 

Để tiếp tục kéo giảm TNGT, nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc ngành GTVT cần xem xét một cách nghiêm túc các tiêu chí đánh giá điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT, các quy chuẩn bắt buộc phòng hộ bằng hộ lan cứng, hộ lan mềm mà hiện nay chưa có; rà soát lại toàn bộ các vấn đề có nguy cơ tiềm ẩn TNGT trên các tuyến đường, đặc biệt những tuyến đường có lưu lượng phương tiện lớn. Đồng thời, phải có những tiêu chí rõ ràng hơn về hạ tầng để đánh giá mức độ an toàn trước khi đưa vào khai thác.

Trước những diễn biến phức tạp về TNGT trong thời gian qua, Bộ GTVT vừa có văn bản gửi các cơ quan liên quan trực thuộc Bộ và các sở GTVT về tăng cường các giải pháp bảo đảm ATGT trên các tuyến quốc lộ. Trong đó, yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo, phối hợp với sở GTVT và cơ quan chức năng các tỉnh có tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua, rà soát, bổ sung hệ thống biển cảnh báo nguy hiểm, hướng dẫn lái xe an toàn, xử lý triệt để các điểm đen TNGT trên tuyến, xem xét lắp đặt hộ lan 2, 3 tầng có trợ lực đảm bảo khả năng chịu đựng va chạm mạnh và ngăn ngừa lật xe ô tô xuống vực, hoặc đâm vào vách núi giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản trong trường hợp không may xảy ra tai nạn.

Đồng thời, các cục quản lý đường bộ phối hợp với các sở GTVT, lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra, rà soát các vị trí tiềm ẩn nguy cơ gây mất ATGT trên các tuyến quốc lộ trọng điểm; báo cáo, đề xuất Bộ GTVT đưa vào kế hoạch bảo trì hằng năm để triển khai thực hiện; tăng cường công tác duy tu, sửa chữa đường bộ; kiểm tra, rà soát hệ thống báo hiệu đường bộ để bổ sung cho phù hợp; xử lý kịp thời các điểm đen gây mất ATGT.
 
7 tháng năm 2020, toàn quốc xảy ra 7.996 vụ TNGT, làm chết 3.791 người, bị thương 5.850 người. So với cùng thời điểm năm 2019, số vụ TNGT giảm 1.824 vụ (giảm 18,57%), số người chết giảm 676 người (giảm 15,13%), số người bị thương giảm 1.611 người (giảm 21,59%). Chỉ tính riêng tháng 7/2020, toàn quốc xảy ra 1.206 vụ, làm chết 549 người và bị thương 911 người.
 

LÊ HÒA

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201