Thứ Bảy, 20/4/2024 - 20:41:22 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế: Cần cả giải pháp trước mắt và lâu dài

CHỦ NHẬT, 14/08/2022 18:28:21 | KINH TẾ - XÃ HỘI
(BKTO) - Vừa qua, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế đã trở thành vấn đề “nóng” không chỉ đối với ngành Y mà cả toàn xã hội. Giới chuyên gia khuyến nghị, để giải quyết triệt để tình trạng này, chúng ta cần cả các giải pháp trước mắt và lâu dài.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet


Vướng nhiều quy định trong mua sắm, đấu thầu

Thông tin tại Tọa đàm “Các giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ vừa tổ chức, PGS.TS. Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - cho biết, sau khi dịch Covid-19 kiểm soát tốt, sang quý II/2022, số lượng bệnh nhân đến với bệnh viện tăng lên đột biến, hầu hết các chuyên khoa đều tăng đến 5 lần, làm cho áp lực thiếu trang thiết bị, vật tư, thuốc vốn dĩ đã có từ trước, nay thiếu trầm trọng hơn.

PGS.TS. Đào Xuân Cơ nêu rõ: Hầu hết thiết bị y tế tại bệnh viện là liên doanh, liên kết, máy đặt, máy mượn và máy liên doanh. Khi các máy, thiết bị này hết hợp đồng liên doanh, liên kết thì dừng hoạt động. Thêm nữa các cơ quan hậu kiểm, khi kiểm tra các hoạt động liên doanh, liên kết, xã hội hóa ở Bệnh viện Bạch Mai cũng phát hiện các vướng mắc về tư pháp. Do vậy, các thiết bị, vật tư y tế không đáp ứng được các quy định, quy chuẩn về pháp lý để tiếp tục thực hiện.

Trong khi đó, theo Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai, các quy định mua sắm đang “bó” và rất khó mua. Nếu bây giờ bệnh viện muốn mua một số thiết bị y tế thì phải có 3 báo giá để làm giá kế hoạch và giá này phải được cập nhật trong 12 tháng. Tuy nhiên, trong 12 tháng qua, thậm chí trong 2 năm chống dịch vừa rồi, chúng ta chủ yếu tập trung mua sắm vật tư y tế cấp bách để chống dịch.

“Với các thiết bị y tế để chẩn đoán, điều trị những bệnh thông thường thì trong 24 tháng qua, tôi khẳng định, các cơ sở y tế rất ít mua sắm. Do vậy, bây giờ chúng tôi cần 3 báo giá để mua sắm 1 thiết bị y tế mà phải cập nhật trong vòng 12 tháng là hoàn toàn không khả thi” - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ.

PGS.TS. Đào Xuân Cơ cũng cho biết một vấn đề đang vướng mắc tại cơ sở y tế, các bệnh viện liên quan đến giá. Cụ thể, giá trên Cổng thông tin của Bộ Y tế do các doanh nghiệp khai và chịu trách nhiệm, trong khi hiện nay chưa Bộ, ngành nào chịu trách nhiệm kiểm soát, giám sát các mức giá này. Đây là điều e ngại cho các bệnh viện, người đứng đầu các cơ sở khi đánh giá về giá thuốc, thiết bị y tế. Nguyên nhân là do một số văn bản quy phạm pháp luật chưa theo kịp và sát thực tế nên các cơ sở y tế rất khó khăn khi thực hiện.

Về phía cơ quan quản lý, Phó Giám đốc Trung tâm Mua sắm đấu thầu thuốc tập trung Quốc gia - TS. Nguyễn Thị Ngọc Bảo - cho hay, vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế không phải bây giờ mới có mà tình trạng này đã xảy ra từ lâu. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là thiếu ở mức độ nào, thiếu cái gì, thiếu ra sao?

“Tuần qua, lãnh đạo Bộ Y tế đã phê duyệt thành lập 4 đoàn đi kiểm tra thực tế tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế ở tất cả các cơ sở y tế trên toàn quốc để từ đó có những số liệu rõ ràng và trên cơ sở đó mới đưa ra được giải pháp cụ thể” - TS. Ngọc Bảo thông tin.

TS. Nguyễn Thị Ngọc Bảo lấy ví dụ, trong đấu thầu thuốc tập trung quốc gia, chúng ta đều phải yêu cầu lập kế hoạch. Khi lập kế hoạch phải đảm bảo sử dụng ít nhất 80% thuốc trong nhu cầu sử dụng. Tuy nhiên, có những thuốc cá biệt khi được đàm phán giá hay đấu thầu tập trung thì số lượng sử dụng chỉ khoảng 20-25% so với nhu cầu đặt ra. Như vậy, có thể khẳng định không phải thiếu thuốc ở tất cả các đơn vị và ở tất cả các danh mục thuốc.

Về các văn bản quy phạm pháp luật để phục vụ cho tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, TS. Nguyễn Thị Ngọc Bảo cũng thừa nhận, trong việc lựa chọn để mua sắm thuốc, chúng ta đã có những cập nhật nhưng chưa đuổi kịp thực tế xã hội. Vì vậy, có những nội dung cần phải sửa đổi kịp thời, đơn cử Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung gia hạn số đăng ký thuốc…

Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế - TS. Nguyễn Huy Quang - cho hay, có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, vật tư và trang thiết bị y tế, trong đó có nguyên nhân do một số thể chế hiện nay chưa rõ ràng, minh bạch, dẫn tới các đơn vị tham gia đấu thầu, kể cả Bộ Y tế, Sở Y tế và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có được hành lang pháp lý đầy đủ, nên e dè và e ngại trong việc thực hiện tổ chức đấu thầu. Nguyên nhân khác nữa do năng lực thực hiện công tác đấu thầu cả từ Trung ương đến cấp địa phương và cơ sở khám, chữa bệnh cũng có những hạn chế nhất định; các doanh nghiệp không tham gia đấu thầu vì không có lợi nhuận do giá thuốc tăng, hồ sơ mời thầu có giá thấp…
 

Quang cảnh Tọa đàm. Ảnh: Chính phủ


Rà soát, sửa đổi cơ chế, chính sách

Để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư và trang thiết bị y tế, Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai đề xuất cần có các đoàn khảo sát, hỗ trợ các đơn vị, các Sở Y tế, các bệnh viện trong vấn đề này. Cùng với đó, cần có cơ quan liên ngành chịu trách nhiệm về giá, không để các doanh nghiệp tự công bố giá để tránh việc họ bắt tay thổi giá, tạo giá không hợp lý.

PGS.TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII - đề nghị Bộ Y tế cho rà soát lại các văn bản xem cái gì sai, chưa thích hợp thì cần sửa ngay lập tức. Lãnh đạo Bộ Y tế phải trực tiếp xuống các bệnh viện để quan sát, rà soát ngay. Bên cạnh đó, cần phân cấp triệt để, càng triệt để càng tốt. Cả hệ thống cùng vào cuộc, cả Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao và quy trách nhiệm người đứng đầu.

TS. Nguyễn Huy Quang kiến nghị: Trước tiên, phải đánh giá tình trạng thiếu thuốc ở từng cấp, xem nguyên nhân của từng đơn vị vì mỗi đơn vị ở vùng miền khác nhau, mô hình khác nhau, cách quản lý cũng khác nhau. Đánh giá này càng sớm càng tốt.

Thứ hai, đề nghị Chính phủ sớm xem xét các vướng mắc đã được Bộ Y tế đề cập trong dự thảo trình Chính phủ. Đây là những vấn đề vượt quá thẩm quyền của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.

Thứ ba, một số văn bản sắp hết hạn như Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 và một số nội dung liên quan đến giá thuốc trong Luật Dược, một số quy định của Luật Đấu thầu, cần phải xem xét những vướng mắc cơ bản vì thuốc và trang thiết bị y tế là những mặt hàng kinh doanh có điều kiện và rất đặc trưng, liên quan trực tiếp đến sức khỏe của con người, rất cần phải có những giải pháp để triển khai thực hiện.

Thứ tư, về mặt thể chế, Bộ Y tế cần khẩn trương sửa đối và sớm ban hành các thông tư liên quan hướng dẫn đấu thầu, thông tư về đăng ký thuốc, giá thuốc, hướng dẫn mua sắm trang thiết bị y tế, trong đó có vật tư y tế. Đồng thời rà soát lại toàn bộ những vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn vướng mắc, ảnh hưởng đến quá trình đấu thầu.

Thứ năm, nâng cao năng lực và tính trách nhiệm của các cơ quan có liên quan đến công tác đấu thầu, trong đó có Trung tâm Mua sắm đấu thầu thuốc tập trung Quốc gia, các đơn vị liên quan của Bộ Y tế, các Sở Y tế, các đơn vị khám chữa bệnh, tùy theo từng mức độ. Từ đó, nâng cao năng lực của đội ngũ làm công tác đấu thấu.

Thứ sáu, phải ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó có các phần mềm quản lý về đấu thầu để theo dõi về công tác đấu thầu, việc thừa thiếu thuốc, trang thiết bị y tế…

Thứ bảy, năng cao năng lực quản trị nhà nước, trong đó có quản lý nhà nước, quản lý giữa UBND tỉnh và Sở Y tế, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư./.
HỒNG NHUNG



 

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201