Thứ Bảy, 18/5/2024 - 11:02:15 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Hà Nội có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới

THỨ BẢY, 22/10/2022 00:46:37 | KINH TẾ - XÃ HỘI
(BKTO) - Hà Nội có thêm 3 huyện là Phú Xuyên, Chương Mỹ và Mê Linh được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số huyện, thị xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới thành 15/18 đơn vị.

 

Huyện Chương Mỹ xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao, kiểu mẫu. Ảnh: chuongmy.hanoi.gov.vn


Chiều 21/10, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025" (Chương trình 04) đã tổ chức Hội nghị giao ban về kết quả thực hiện quý III/2022; nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm.

Tại Hội nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ cho biết, 9 tháng năm 2022, Ban Chỉ đạo Chương trình 04 của Thành ủy và UBND Thành phố tiếp tục chỉ đạo quyết liệt các sở, ban, ngành thành phố, các huyện, thị xã xây dựng và triển khai kế hoạch, giải pháp linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Ngày 12/9/2022, HĐND Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 21/NQ-HĐND phân bổ chi tiết kinh phí hỗ trợ cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Thành phố cũng đã ban hành Bộ tiêu chí xã, huyện nông thôn mới TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2025. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Hướng dẫn phương pháp đánh giá, chấm điểm các tiêu chí xã, huyện, nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Đến nay, Thành phố có thêm 3 huyện là Phú Xuyên, Chương Mỹ và Mê Linh được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số huyện, thị xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới thành 15/18 đơn vị.

Thành phố cũng có 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Như vậy, vẫn còn 3 huyện: Ứng Hòa, Mỹ Đức, Ba Vì chưa hoàn thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Về cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, Thành phố đã gieo cấy được 74,8 nghìn ha lúa vụ mùa, bằng 97,1% cùng kỳ năm 2021. Diện tích cây lâu năm tăng so với cùng kỳ, chủ yếu tăng diện tích cây ăn quả và cây lâu năm có giá trị kinh tế cao (đạt 23,5 nghìn ha, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2021).

Đối với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Thành phố đã có 1.649 sản phẩm OCOP, gồm 4 sản phẩm 5 sao, 13 sản phẩm tiềm năng 5 sao; có 1.701 trang trại, trong đó có 3 trang trại tham gia hoạt động du lịch nông nghiệp...

Kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị các địa phương cần tích cực triển khai Chương trình 04 theo đúng kế hoạch đã đề ra. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, quan tâm công tác chuẩn bị đầu tư. Năm 2023, Thành phố khuyến khích các địa phương sớm hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Ngành nông nghiệp rà soát toàn bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, gắn xây dựng nông thôn mới với chủ trương xây dựng huyện thành quận theo hướng xây dựng nông thôn mới của Thủ đô phải khác với những địa phương khác, phù hợp với quy hoạch phát triển.

Biểu dương và ghi nhận những kết quả xây dựng nông thôn mới của các địa phương trong quý III/2022, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 04 Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh: Nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2022 là phải hoàn thành mục tiêu có thêm 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Vì vậy, các đơn vị tăng cường tuyên truyền, tập huấn về xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung tuyên truyền về bộ tiêu chí xã, huyện nông thôn mới của TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2025, hướng dẫn đánh giá chấm điểm xã, huyện nông thôn mới.

Đồng thời, các địa phương, đơn vị tập trung giải ngân vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới đúng tiến độ; rà soát toàn bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 song hành với việc xây dựng dự toán năm 2023 theo quy định.

Các sở, ngành, địa phương tập trung sản xuất vụ đông, chuẩn bị nguồn cung rau, củ, quả phục vụ Tết. Bên cạnh đó, cần sớm xây dựng kế hoạch cụ thể để chuẩn bị tốt nhất cho nhân dân Thủ đô đón Tết Nguyên đán Quý Mão hạnh phúc, bình yên./.

THÙY LÊ

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201