Thứ Bảy, 4/5/2024 - 03:07:35 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Động lực từ chính sách sẽ giúp công nghiệp hỗ trợ phát triển

THỨ BẢY, 08/10/2022 17:50:35 | KINH TẾ - XÃ HỘI
(BKTO) - Các doanh nghiệp (DN) công nghiệp hỗ trợ cho rằng, Chính phủ cần nghiên cứu và sớm ban hành Luật Công nghiệp hỗ trợ, cùng với đó là những giải pháp, ưu đãi, hỗ trợ thiết thực, kịp thời để các DN công nghiệp hỗ trợ có điểm tựa vươn lên.

 

Để phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, cần phải tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ. Ảnh minh họa: TTXVN


Công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn yếu

Theo nhận định của các chuyên gia, để phát triển ngành công nghiệp phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế trong những năm tới, ngành Công Thương cần tập trung phát triển hoàn chỉnh hệ thống sản xuất công nghiệp trong nước thông qua việc nâng cấp và phát triển chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của các ngành công nghiệp; chú trọng nội địa hóa chuỗi cung ứng để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu và tăng cường tính tự chủ của ngành.

Bởi phát triển công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu, tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP; nâng cao giá trị gia tăng trong nước và sức cạnh tranh của ngành công nghiệp.

Thực tế cho thấy, ngành công nghiệp Việt Nam mới phát triển về chiều rộng mà chưa phát triển về chiều sâu, tiến trình công nghiệp hóa trong công nghiệp thực hiện chậm, năng suất lao động còn thấp so với các nước trong khu vực.

Theo chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, thời gian qua, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chưa thực sự phát triển. Thực tế cho thấy, Việt Nam phải nhập khẩu hầu hết nguyên, vật liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp lớn, như dệt may, da giày, điện tử, sản xuất - lắp ráp ô tô… phải nhập khẩu tới hơn 90% nguyên liệu (riêng sản phẩm linh kiện nhập khẩu phục vụ cho ngành điện tử và ô tô khoảng 35-50 tỷ USD/năm) và phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường.

Vì vậy, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại các quốc gia cung ứng linh phụ kiện sản xuất chủ yếu cho Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản..., ngành công nghiệp trong nước đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo đảm các yếu tố đầu vào sản xuất. Cho đến khi các quốc gia này đã qua đỉnh dịch, nguồn cung ứng nguyên phụ liệu nhập khẩu cho các ngành sản xuất của Việt Nam mới được phục hồi.

Do năng lực tự chủ của ngành công nghiệp còn chưa cao nên hoạt động của nhiều DN trong nước cơ bản chỉ đóng vai trò gia công cho xuất khẩu trong chuỗi giá trị toàn cầu với tỷ suất lợi nhuận thấp, chỉ khoảng 5-10%.

Ông Lê Quý Khả - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN ngành công nghiệp hỗ trợ TP.Hà Nội dẫn chứng, kết quả nghiên cứu về tình hình sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của các DN Việt Nam cho thấy, đối với ngành chế tạo ô tô, tỷ lệ nội địa hóa đạt khoảng 5-20%; tỷ lệ nội địa hóa của ngành điện tử đạt khoảng 5-10%; của ngành da giày đạt khoảng 30%; ngành dệt may đạt khoảng 30%. Tỷ lệ nội địa hóa trong ngành công nghệ cao chỉ khoảng 1-2% và tỷ lệ nội địa hóa trong các ngành cơ khí chế tạo khác đạt khoảng 15-20%.

Số liệu đáng chú ý hơn cả là chỉ có khoảng 0,2% trong tổng số gần 1 triệu DN Việt Nam đang tham gia sản xuất chế tạo trong ngành công nghiệp hỗ trợ - đại diện Hiệp hội DN ngành công nghiệp hỗ trợ TP.Hà Nội cho biết. Đây là con số đáng báo động khi so sánh với cộng đồng DN công nghiệp hỗ trợ ngay tại một số nước trong khối ASEAN.

Đặt mục tiêu cao để phấn đấu phát triển công nghiệp hỗ trợ

Nhận thức rõ những bất cập trên, trong dự thảo Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn 2021-2030, Bộ Công Thương đặt mục tiêu, đến năm 2030, Việt Nam là nước công nghiệp hiện đại, thuộc nhóm quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp cao và nằm trong nhóm 15 quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới.
 

Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại, thuộc nhóm quốc gia có năng lực cạnh tranh công nghiệp cao. Ảnh minh họa: Vietnambiz.vn


Đồng thời, để tăng cường tính tự chủ, thâm nhập sâu vào các chuỗi cung ứng, Bộ Công Thương cũng xác định mục tiêu có ít nhất 20 sản phẩm có lợi thế cạnh tranh xây dựng được thương hiệu trên trường quốc tế và cải thiện được vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu; công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu nội địa; tỷ lệ nội địa hóa của các ngành công nghiệp đạt trên 45%.

Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân trên 8,5%/năm, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt bình quân trên 10%/năm; tốc độ tăng năng suất lao động công nghiệp đạt bình quân 7,5%/năm.

Ngoài ra, ngành Công Thương cũng sẽ đẩy mạnh tái cấu trúc khu vực kinh tế nhà nước thông qua việc hoàn thành quá trình cơ cấu lại sở hữu DN nhà nước; đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa; xử lý cơ bản dứt điểm các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả...

Để thực hiện được mục tiêu tái cơ cấu ngành Công Thương, Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Trương Thanh Hoài cho rằng, trước hết, cần hoàn thiện hệ thống pháp lý, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật tạo động lực phát triển công nghiệp bền vững, giải quyết những điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực cho phát triển công nghiệp.

Đồng quan điểm, lãnh đạo Hiệp hội DN ngành công nghiệp hỗ trợ TP.Hà Nội cũng cho rằng, để tạo lợi thế cạnh tranh cho ngành công nghiệp hỗ trợ, cần sớm xây dựng Luật Công nghiệp hỗ trợ và ban hành trong thời gian sớm nhất.

Bên cạnh đó, cần kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho DN. Đặc biệt, phải xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để phát triển các DN công nghiệp hỗ trợ với mục tiêu đến năm 2025, tầm nhìn 2030, số DN công nghiệp hỗ trợ phải đạt tỷ trọng 5-10% trên tổng số DN Việt Nam.

Còn bà Trương Chí Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đề xuất, cần có những giải pháp cụ thể để DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tiếp cận được các ưu đãi. Cụ thể là có các chính sách hỗ trợ giảm chi phí, tiếp cận tín dụng tốt hơn, có lãi vay ưu đãi để DN đầu tư cho sản xuất.

Đứng từ góc độ ngành hàng, ông Đào Phan Long - Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam cho rằng, các Bộ, ngành cần sớm đưa các giải pháp hỗ trợ DN trong nước và khuyến khích các công ty đa quốc gia, công ty FDI thực hiện nội địa hóa thông qua các chính sách khuyến khích về thuế, lao động, nghiên cứu phát triển...; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ, liên kết giữa DN công nghiệp chế tạo Việt Nam với các công ty nước ngoài./.

QUỲNH ANH

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201