Thứ Sáu, 29/3/2024 - 13:32:58 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Cần nhiều hơn nữa những nỗ lực giảm tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm đến trẻ em

THỨ BẢY, 18/09/2021 19:45:00 | KINH TẾ - XÃ HỘI
(BKTO) - Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), trẻ em là đối tượng rất dễ tổn thương trước các tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH); điều này đe dọa đến sức khỏe, cơ hội tiếp cận giáo dục và sự an toàn của các em. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi BĐKH và ô nhiễm, vì thế, các biện pháp nhằm giảm thiểu tác động của BĐKH tới trẻ cần được thực thi một cách hiệu quả.

Đây cũng là chủ đề được các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận tại hội thảo quốc tế bàn về giải pháp giảm thiểu tác động của BĐKH - ô nhiễm không khí tới trẻ em nói chung, trẻ em khuyết tật nói riêng do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phối hợp với UNICEF Việt Nam tổ chức chiều 17/9.

Trẻ em đối mặt với nhiều rủi ro từ biến đổi khí hậu

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành một cách khó kiểm soát, cuộc sống của người dân bị đảo lộn, thì vấn đề BĐKH - ô nhiễm không khí vẫn không suy giảm.

Phát biểu tại hội thảo, GS,TS. Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm cho biết: Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi BĐKH và ô nhiễm không khí, tác động xấu đến sinh kế của người dân, đối tượng trẻ em. So với người lớn, trẻ em ít có khả năng chống chịu trước các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hơn; nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn…

Làm rõ hơn thực trạng và những nguy cơ này, bà Lê Anh Lan - cán bộ Giáo dục UNICEF Việt Nam cho biết, vừa qua, UNICEF đã phát hành báo cáo với tiêu đề “Khủng hoảng khí hậu là cuộc khủng hoảng về quyền trẻ em”, trong đó đã đưa ra những con số đáng chú ý: khoảng 1 tỷ trẻ em - gần một nửa trong số 2,2 tỷ trẻ em trên toàn thế giới - sống tại 33 quốc gia được phân loại là có “nguy cơ cực kỳ cao”. Các con số có thể trở nên tồi tệ hơn khi tác động của BĐKH tăng nhanh.
 

Trẻ em luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro từ BĐKH. Ảnh: N.LỘC 


Là quốc gia chịu BĐKH phức tạp, trẻ em Việt Nam đang phải tiếp xúc nhiều với ô nhiễm không khí và tình trạng thiên tai. “Môi trường sống ngày càng có nhiều rủi ro hơn đối với trẻ em; nhưng nếu hành động ngay từ bây giờ, chúng ta có thể ngăn ngừa tình trạng trở nên tồi tệ hơn” - bà Lan cho biết. 

Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã cùng chia sẻ và bàn thảo về ảnh hưởng của BĐKH tới trẻ em ở các vùng miền khác nhau. Đơn cử như tình trạng nguồn nước sông Mê Công bị tác động bởi BĐKH làm thay đổi dòng chảy dẫn đến xâm nhập mặn, sạt lở đường giao thông, nhà cửa, khiến trẻ em ở các khu vực lân cận bị ảnh hưởng nghiêm trọng như không thể đến trường học thuận lợi, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn...

Ghi nhận những nỗ lực trong việc thực hiện giải pháp chống tác động của BĐKH đến trẻ em, song nhiều ý kiến cũng thẳng thắn cho rằng, nhiều chương trình hành động, các sáng kiến để trẻ em ứng phó với tác động của BĐKH và ô nhiễm không khí còn nhiều hạn chế.

Tăng cường tính thích ứng cho trẻ và nâng cao khả năng bảo vệ trẻ

Tại Hội thảo, ông Tạ Ngọc Trí - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, giáo dục với trẻ em đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, trẻ đang đang phải chịu nhiều thách thức từ BĐKH, làm ảnh hưởng đến cơ hội học tập. Do tình trạng khói bụi, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, nhiều trẻ em bị giảm sức khỏe, từ đó làm giảm khả năng học tập. Vì vậy, ông Trí cho rằng, giải pháp căn cơ vẫn là giảm thiểu tình trạng ô nhiễm, hạn chế tối đa tác động xấu của con người đến tự nhiên và giảm nguy cơ BĐKH.

Về phía ngành Giáo dục, các cơ sở giáo dục đã và đang tích cực phổ biến cho học sinh kiến thức về môi trường và bằng những hành động cụ thể hướng các em đến thực hiện bảo vệ môi trường. Ngoài ra, các trường cũng tăng cường trang bị cho các em kỹ năng để ứng phó với BĐKH, như lũ lụt, nắng nóng... để thích ứng với điều kiện sống hiện tại.

PGS,TS. Nguyễn Công Khanh (Đại học Sư phạm Hà Nội) cho rằng, do tác động xấu của ô nhiễm môi trường, trẻ em cần được quan tâm chăm sóc hơn, không chỉ trong giáo dục mà trong cả đời sống hàng ngày. Bởi, BĐKH, cụ thể là tình trạng ô nhiễm sẽ làm thay đổi thể trạng, sức khỏe và tâm lý của các em theo chiều hướng tiêu cực, khiến các em không thể đảm bảo điều kiện cần thiết để phát triển tốt nhất.
 

BĐKH khiến cho tình trạng sạt lở gia tăng, đặc biệt là tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long... khiến con đường đến trường của trẻ thêm gian nan.
Ảnh: N.LỘC


Đại diện UNICEF Việt Nam khuyến nghị, ở góc độ vĩ mô, Chính phủ, các cơ quan chức năng cần mạnh mẽ hành động bảo vệ khí hậu và môi trường nhằm đảm bảo lợi ích phát triển và đảm bảo tương lai bền vững cho trẻ. Ngoài ra, các biện pháp như phục hồi xanh sau dịch Covid-19, cải thiện khả năng tiếp cận nước sạch và giáo dục về khí hậu có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể trong việc bảo vệ tương lai của trẻ khỏi tác động của BĐKH.

Đặc biệt, tại các khu vực đô thị, khu công nghiệp cần khẩn trương thực hiện hành động cần thiết để giảm phát thải khí nhà kính, khói bụi để ngăn ngừa các tác động tồi tệ nhất của BĐKH.

Các ý kiến cũng cho rằng, cùng với việc thực hiện các giải pháp ngăn ngừa ô nhiễm, các dịch vụ quan trọng phải được tăng cường tính thích ứng, bao gồm vệ sinh môi trường, các dịch vụ y tế và giáo dục... để hướng đến việc bảo vệ, chăm sóc tốt hơn cho trẻ trong những điều kiện biến đổi khó lường như hiện nay. 

NGUYỄN LỘC

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201