Thứ Sáu, 10/5/2024 - 12:13:04 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Cần hỗ trợ sinh kế tốt hơn cho người khuyết tật

THỨ SÁU, 30/09/2022 09:34:46 | KINH TẾ - XÃ HỘI
(BKTO) - Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, đảm bảo an sinh cho người khuyết tật (NKT). Tuy nhiên, NKT vẫn cần thêm các chính sách hỗ trợ để đảm bảo sinh kế bền vững hơn.

 

Nhà nước cần thiết kế các chính sách việc làm, đào tạo nghề, an sinh mang tính bền vững hơn cho NKT. Ảnh: Internet


Những con số đáng suy ngẫm

Nói về quyền tiếp cận việc làm của NKT, ông Nguyễn Xuân Khánh - Phó Trưởng Ban Thanh niên, Hội NKT Hà Nội - cho biết, toàn Thành phố có trên 109.000 NKT, trong đó, trên 9.600 NKT đã có việc làm. Con số này còn khiêm tốn so với lực lượng NKT còn khả năng lao động để tạo ra giá trị cho bản thân và gia đình. Đáng chú ý, đại dịch Covid-19 khiến cho cơ hội việc làm đối với không ít người bình thường đã khó, với NKT lại càng gặp nhiều trở ngại.

Rào cản đối với NKT là thiếu thông tin về chính sách ưu đãi mà họ được hưởng. Ngoài ra, rào cản còn từ nhận thức của NKT và gia đình họ. Hơn nữa, điều kiện tiếp cận nơi làm việc và tiếp cận các công trình đô thị hay phương tiện giao thông công cộng với NKT, đặc biệt là NKT xe lăn và khiếm thị còn nhiều khó khăn, bất cập...

Đánh giá về việc triển khai các chính sách việc làm cho NKT, báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cũng chỉ rõ, hiện cả nước có hơn 6,4 triệu NKT, trong đó có hàng triệu NKT, trẻ em khuyết tật được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các cơ sở trợ giúp xã hội. Gần 1.000 NKT được hỗ trợ đào tạo nghề; 1.138 dự án của lao động là NKT được vay vốn, tạo việc làm cho gần 10.000 NKT (năm 2021).

“Con số này khá khiêm tốn so với số NKT hiện nay. Bên cạnh đó, kinh tế, hạ tầng, cơ sở xã hội còn chưa đáp ứng với nhu cầu của NKT. Đáng chú ý, vẫn còn nhiều NKT sống trong cảnh nghèo, cận nghèo, sức khỏe hạn chế, thiếu việc làm và cuộc sống phụ thuộc vào trợ giúp của gia đình và xã hội” - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Ngọc Hồi cho biết.

Cốt yếu vẫn là đào tạo nghề

Đây là chia sẻ của ông Lê Việt Cường - Chủ tịch Hội NKT quận Hà Đông, TP. Hà Nội khi đề cập đến vấn đề đảm bảo an sinh cho NKT. Theo ông Cường, việc đào tạo nguồn nhân lực không chỉ là dạy nghề mà đây còn là một liệu pháp giúp NKT phục hồi thương tổn, đặc biệt là những chấn thương tinh thần. Nhiều NKT cảm thấy tự tin, lạc quan hơn và có thể chủ động trong từng hành vi, cử chỉ, không còn nhút nhát mặc cảm nữa, có em còn bộc lộ năng khiếu của mình.

Tuy nhiên, ông Cường cho rằng, để đào tạo nghề thực sự hiệu quả, cần tạo điều kiện cho chính NKT được khởi nghiệp, hỗ trợ phát triển; tạo môi trường pháp lý thuận lợi, quảng bá sản phẩm của NKT, có chính sách ưu đãi về thuế, bảo hiểm xã hội, hỗ trợ cơ sở hạ tầng, giúp NKT tiếp cận vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội diện tín chấp dễ dàng hơn, quan tâm bảo hộ sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp sử dụng lao động là NKT.

Đồng quan điểm cần coi trọng việc đào tạo nghề cho NKT nhưng theo ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội, đào tạo nghề cần song hành với giới thiệu việc làm để giúp NKT tìm được việc làm phù hợp. Bởi thực tế hiện nay có rất nhiều sàn tuyển dụng nhưng sàn việc làm dành riêng cho NKT còn rất hạn chế.

Dẫn chứng thực tế, ông Thành cho biết, mới đây, Hội NKT Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức Sàn Giao dịch việc làm cho thanh niên khuyết tật với sự tham gia của 41 đơn vị, doanh nghiệp.

Với hơn 1.000 chỉ tiêu, các doanh nghiệp đã tuyển dụng đa dạng như: Công nhân may, thợ thủ công mỹ nghệ, công nghệ thông tin, công nhân điện tử… Mức lương cũng khá hấp dẫn, dao động từ 5 - 15 triệu đồng/tháng. Sau sự kiện, rất nhiều NKT đã tìm được việc làm phù hợp. “Điều này cho thấy, việc tạo kênh kết nối giới thiệu việc làm cho NKT có ý nghĩa rất lớn” - ông Thành nhấn mạnh. 

Trưởng Đại diện Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam Hoàng Phương Thảo cũng cho biết: “Hầu hết những NKT mà chúng tôi tiếp cận đều có các hỗ trợ rất tốt từ chính quyền địa phương cũng như chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay, các chính sách đó mới chỉ dừng ở mức bề mặt, chưa đi vào gốc. Do đó, Nhà nước cần tổng hợp lại để có một cơ chế, chính sách cho NKT được tốt hơn”.

Cũng theo đại diện Tổ chức ActionAid, một số chính sách cần phải cập nhật trong thời đại mới, ví dụ như chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội, thuế… Đây là những chính sách rất sát sườn đối với các doanh nghiệp hỗ trợ cho NKT. “Có một điều mà chúng tôi trăn trở chưa làm được, đó là đề xuất chính sách riêng cho NKT là nữ vì họ khó khăn hơn rất nhiều lần so với NKT nam.” - bà Thảo chia sẻ./.
 
Bà Đinh Thị Thụy - Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia NKT Việt Nam - cho biết: Ủy ban Quốc gia NKT Việt Nam sẽ phối hợp cùng các đơn vị liên quan tăng cường rà soát các chính sách để có thể hỗ trợ lao động là NKT, cụ thể như chính sách ưu đãi về đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội, đa dạng hóa sinh kế bền vững cho NKT.

THÀNH ĐỨC 

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201