Thứ Bảy, 20/4/2024 - 01:52:21 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Cần cân nhắc một số quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ

THỨ NĂM, 30/12/2021 19:11:58 | KINH TẾ - XÃ HỘI
(BKTO) - Bộ Tài chính đang xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (Dự thảo). Góp ý cho Dự thảo này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng một số quy định trong Dự thảo còn chưa phù hợp, cơ quan soạn thảo nên cân nhắc, xem xét lại.

VCCI cho rằng cần cân nhắc một số quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ - Ảnh minh họa: chinhphu.vn


Cụ thể, về mục đích huy động vốn, tại Điều 1.1 Dự thảo quy định cấm doanh nghiệp phát hành trái phiếu để góp vốn dưới hình thức góp vốn hoặc mua cổ phần tại doanh nghiệp khác. Theo lý giải của cơ quan soạn thảo, quy định này nhằm hạn chế tình trạng công ty mẹ, công ty con trong cùng tập đoàn huy động vốn để chuyển vốn cho nhau.

Tuy nhiên, theo VCCI, quy định này là không phù hợp với nguyên tắc quản trị của các tập đoàn, bởi thực tế, khi triển khai một dự án kinh doanh, tập đoàn thường sẽ không trực tiếp đảm nhận dự án mà thành lập công ty con để thực hiện dự án đó, đặc biệt là với các dự án đầu tư sang lĩnh vực có độ rủi ro cao.

Đây là phương thức thực hiện dự án quen thuộc và hiệu quả, giúp tránh được rủi ro và linh hoạt khi cần điều chỉnh cơ cấu đầu tư. Dù vậy, trong trường hợp đó, công ty con mới rất khó vay vốn và không đủ điều kiện phát hành trái phiếu, nên công ty mẹ có tín nhiệm cao hơn thường giữ vai trò huy động vốn, gồm cả biện pháp phát hành trái phiếu.

Do đó, quy định như tại Dự thảo sẽ vô hình khiến các doanh nghiệp e ngại đầu tư vào các lĩnh vực mới, ngăn cản quyền tự do huy động vốn của doanh nghiệp và không khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế đa ngành.

Do đó, VCCI đề xuất cơ quan soạn thảo bỏ quy định trên và bổ sung cơ chế kiểm soát doanh nghiệp góp vốn theo hướng quy định một số yêu cầu như công khai thông tin về cả công ty phát hành và công ty được góp vốn, mua cổ phần về các khía cạnh gồm mục đích sử dụng vốn, dòng tiền, tình hình thực hiện dự án…

Về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, tại Điều 1.2 Dự thảo yêu cầu việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp phải được thực hiện trước mỗi khi thực hiện giao dịch mua/bán trái phiếu.

Tuy nhiên, theo VCCI, quy định này cần phải xem xét ở chỗ việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp vào thời điểm bán là không cần thiết. Bởi vì, tại thời điểm bán, nhà đầu tư đã nắm giữ trái phiếu (đã tham gia thị trường) và do đó yêu cầu này sẽ không còn ý nghĩa nữa; hơn nữa, việc này lại vô tình hạn chế quyền bán của chính nhà đầu tư đó.

“Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, cân nhắc lại quy định trên” - VCCI góp ý./.
DIỆU THIỆN

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201