Thứ Ba, 30/4/2024 - 03:57:21 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Ý nghĩa đặc biệt của việc ra đời Luật KTNN

THỨ NĂM, 10/07/2014 09:05:00 | KIỂM TOÁN TRONG NƯỚC
(BKTO) - Ông Đỗ Bình Dương - Nguyên Tổng Kiểm toán Nhà nước giai đoạn 2000 - 2006

Ông Đỗ Bình Dương
Như chúng ta đã biết, KTNN ra đời do đòi hỏi khách quan của xã hội và của nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Giai đoạn đầu KTNN là cơ quan trực thuộc Chính phủ. Có ý kiến cho rằng, như vậy KTNN là cơ quan “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, do đó, vấn đề xác định địa vị pháp lý của KTNN và làm thế nào để cơ quan KTNN có thể hoạt động khách quan, trung thực đối với việc kiểm tra, kiểm soát ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước là hết sức quan trọng. 
 
Trước bối cảnh đó, cơ quan KTNN đã được giao xây dựng Pháp lệnh KTNN để thông qua trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa X. Ngày 29/8/2003, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đưa ra xem xét việc xây dựng Pháp lệnh KTNN. Khi đó, nhiều thành viên UBTVQH thấy rằng, nếu chỉ xây dựng Pháp lệnh KTNN - một văn bản dưới Luật thì không thể xác định được địa vị pháp lý của cơ quan KTNN. Để nâng cao địa vị pháp lý, hiệu lực, hiệu quả của KTNN thì ban hành Luật KTNN là phù hợp nhất ở thời điểm đó. Chính vì vậy, UBTVQH đã quyết định hoãn xây dựng Pháp lệnh KTNN và giao cho KTNN xây dựng dự thảo Luật KTNN để thông qua tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI. Đây là một tin vui đối với mỗi cán bộ, công nhân viên (CBCNV) của KTNN, là điều chúng tôi mơ ước từ lâu. Một cơ quan mới hoạt động hơn chục năm mà được ban hành Luật là trường hợp rất hiếm. 

Như vậy có thể thấy rằng, KTNN ra đời là do yêu cầu khách quan và do đòi hỏi của nền kinh tế. Luật KTNN xác định rõ địa vị pháp lý của cơ quan KTNN, làm cho hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan KTNN cao hơn; tiếng nói của KTNN có giá trị hơn, trọng lượng hơn (bởi KTNN do Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất thành lập). Vì vậy, kết luận của KTNN khi đã thông qua Quốc hội là ý kiến quan trọng nhất, cao nhất, buộc các đơn vị phải chấp hành. Khi được UBTVQH giao xây dựng Luật KTNN, toàn ngành đã hết sức cố gắng cùng với sự nỗ lực của Ban xây dựng Luật do Quốc hội thành lập, đặc biệt là các cơ quan hữu quan có liên quan, đã tham gia rất nhiệt tình. Với sự chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của UBTVQH, KTNN đã hoàn thành việc xây dựng Luật KTNN đúng kế hoạch đề ra.

Khi bắt đầu xây dựng Luật KTNN, Ban xây dựng Luật đã đặt ra vấn đề làm sao Luật phải áp dụng được ngay vào thực tiễn. Điều này đã đòi hỏi các cơ quan xây dựng Luật phải xem xét thấu đáo trên mọi khía cạnh, một mặt tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới đồng thời phải dựa trên thực tế đã kiểm toán trong gần 10 năm tại Việt Nam.

Mỗi CBCNV của KTNN đều xác định được yêu cầu cũng như trách nhiệm cao của mình trước đòi hỏi cao của Đảng, Nhà nước, xã hội và nhân dân, đã cố gắng mang hết khả năng, tâm sức của mình trong quá trình xây dựng Luật. 

Ngày 14/6/2005, Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật KTNN với gần 100% đại biểu Quốc hội tán thành. Luật KTNN đã được ban hành, vấn đề đặt ra là làm thế nào để xây dựng các văn bản dưới Luật và hướng dẫn thi hành khi Luật có hiệu lực vào ngày 01/01/2006 (chỉ sau hơn 6 tháng) lại là vấn đề đặt ra đối với KTNN. Với quyết tâm và sự phấn khởi, sau 6 tháng KTNN đã hoàn thành cơ bản các văn bản để hướng dẫn thi hành Luật. Cụ thể, đã trình UBTVQH ban hành 6 Nghị quyết về nhân sự, về tổ chức, về quyền hạn của cơ quan KTNN; trình Chính phủ ban hành 2 Nghị định và Thủ tướng Chính phủ ban hành 1 Quyết định. Riêng KTNN đã xây dựng và ban hành nhiều Quyết định về quy trình, chuẩn mực kiểm toán... Đến nay, Luật KTNN đã được thi hành triệt để và hữu ích.

Một điều may mắn và cũng cho thấy đó còn là nhu cầu khách quan, sau hơn 10 năm thành lập, Luật KTNN được ban hành và sau gần 20 năm, cơ quan KTNN đã khẳng định được vai trò, vị trí của mình và đã được ghi trong Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Điều đó cho thấy KTNN có vai trò đặc biệt quan trọng trong điều kiện hiện nay. Một đơn vị mới thành lập gần 20 năm đã được ghi trong Hiến pháp cũng là một trường hợp hiếm. Đây là vinh dự đặc biệt của cơ quan KTNN. 

Tôi mong rằng, kỷ niệm 20 năm ngày thành lập KTNN, mỗi CBCNV KTNN hãy nhận lấy vinh dự đặc biệt này, đề cao ý thức trách nhiệm của mình để luôn hoàn thành tốt những nhiệm vụ cao cả của Đảng và Nhà nước giao.

THÙY ANH (ghi)

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201