Thứ Sáu, 29/3/2024 - 22:50:26 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Xây dựng hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn đối với cuộc kiểm toán hoạt động độc lập

THỨ SÁU, 19/06/2020 09:53:55 | KIỂM TOÁN TRONG NƯỚC
(BKTO) – Ngày 18/6, tại Hà Nội, Hội đồng khoa học KTNN đã tổ chức nghiệm thu Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: “Hướng dẫn kiểm toán hoạt động của KTNN”. GS,TS. Đoàn Xuân Tiên - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước - làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.

 

Toàn cảnh buổi nghiệm thu - Ảnh: NGỌC BÍCH


Đề tài do ThS. Hoàng Thị Vinh Thúy - Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành V và TS. Nguyễn Mạnh Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - đồng Chủ nhiệm.

Đề tài đã nghiên cứu những vấn đề chung về kiểm toán hoạt động (KTHĐ), đánh giá thực trạng KTHĐ (lựa chọn chủ đề, thiết lập mục tiêu và tiêu chí kiểm toán, các phương pháp thu thập bằng chứng kiểm toán...) cũng như chỉ rõ khó khăn và nguyên nhân của hạn chế.

Ban Chủ nhiệm Đề tài cho biết, năm 2016, lần đầu tiên, KTNN đã ban hành Hệ thống Chuẩn mực KTNN gồm 39 chuẩn mực, trong đó có 2 Chuẩn mực KTNN về KTHĐ (Chuẩn mực KTNN số 300 - Các nguyên tắc cơ bản của KTHĐ và Chuẩn mực KTNN số 3000 - Hướng dẫn KTHĐ) trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc các chuẩn mực kiểm toán quốc tế (ISSAIs) phù hợp với pháp luật, điều kiện thực tiễn, môi trường hoạt động của KTNN Việt Nam.

Đặc biệt, trong năm 2016-2017, KTNN đã tổ chức các cuộc KTHĐ độc lập với nhiều chủ đề được Quốc hội và công chúng quan tâm. Kết quả, các cuộc kiểm toán này đã nêu được những bất cập, hạn chế của hệ thống quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ trong một số lĩnh vực chuyên môn sâu; đưa ra các đánh giá tương đối toàn diện về những ưu điểm và hạn chế, phân tích được nguyên nhân cụ thể, đánh giá tác động của những hạn chế, làm căn cứ để đưa ra các kết luận rõ ràng và kiến nghị khả thi đối với một số vấn đề nổi cộm được dư luận xã hội quan tâm.

Tuy nhiên, việc triển khai KTHĐ còn chưa nhiều và rộng. Các kiểm toán viên gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng các chuẩn mực về KTHĐ vào thực tiễn, cụ thể như: việc lựa chọn chủ đề kiểm toán phù hợp; xác định trọng yếu và đánh giá rủi ro đối với một chủ đề kiểm toán cụ thể; cách thiết lập và xây dựng mục tiêu kiểm toán vừa đảm bảo tính khả thi vừa tập trung vào các rủi ro liên quan đến các nguyên tắc về tính kinh tế, tính hiệu quả và tính hiệu lực; xây dựng và lựa chọn các tiêu chí kiểm toán thích hợp tương ứng với từng nội dung kiểm toán; việc áp dụng linh hoạt các phương pháp thu thập bằng chứng kiểm toán phù hợp với từng điều kiện cụ thể; cách lập báo cáo kiểm toán và đưa ra các kiến nghị KTHĐ đảm bảo tính khả thi… Điều này dẫn tới một số hướng dẫn tại các chuẩn mực KTNN về KTHĐ được hiểu và áp dụng chưa thống nhất, kết quả một số cuộc KTHĐ chưa thực sự đáp ứng kỳ vọng của lãnh đạo KTNN và công luận.

Cùng với đó, Đề tài đã giới thiệu hướng dẫn thực hiện KTHĐ của tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao: châu Á, châu Âu và châu Phi cũng như hướng dẫn thực hiện KTHĐ của các cơ quan kiểm toán tối cao một số nước có nhiều kinh nghiệm về KTHĐ như: Ấn Độ, Thụy Điển và Canada.

Trên cơ sở đó, Đề tài đã đề xuất một số nhóm giải pháp xây dựng hướng dẫn thực hiện KTHĐ từ khâu xác định chủ đề, lập kế hoạch, thực hiện kiểm toán và lập báo cáo kiểm toán…

Tại buổi nghiệm thu, các thành viên Hội đồng khoa học đều đánh giá: Việc nghiên cứu và xây dựng Hướng dẫn thực hiện KTHĐ của KTNN là phù hợp, cần thiết về lý luận và thực tiễn bởi lẽ, KTHĐ đã được coi là loại hình kiểm toán độc lập trong hoạt động của KTNN. KTNN Việt Nam đang từng bước xây dựng những giải pháp phát triển KTHĐ để phát huy vai trò quan trọng của KTNN trong đánh giá tính kinh tế, tính hiệu lực và tính hiệu quả của việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Một trong những nội dung cơ bản của Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 là: “Tiến tới đẩy mạnh KTHĐ để kiểm tra, đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý ngân sách, tiền và tài sản nhà nước, nhất là trong lĩnh vực quản lý, sử dụng ngân sách, đầu tư xây dựng và chương trình mục tiêu quốc gia”. Tuy nhiên, do ra đời và phát triển sau loại hình kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ nên việc tiếp cận, vận dụng, tổ chức thực hiện KTHĐ còn nhiều khó khăn, kết quả thực hiện một số cuộc này chưa tạo sự khác biệt với kiểm toán tài chính và kiểm toán tuân thủ.

Phát biểu kết luận, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu Đoàn Xuân Tiên đánh giá cao nỗ lực của Ban Chủ nhiệm đề tài bởi Đề tài được nghiên cứu trong bối cảnh KTNN mới tiến hành KTHĐ, kinh nghiệm tổ chức thực hiện và các hướng dẫn còn thiếu.

Hội đồng khoa học đề nghị Ban Chủ nhiệm tiếp thu các ý kiến để làm rõ phạm vi, đối tượng theo hướng vận dụng các chuẩn mực về KTHĐ vào thực hiện cuộc KTHĐ độc lập. Bên cạnh đó, cần làm rõ cơ sở lý luận của việc xây dựng hướng dẫn KTHĐ; bổ sung đánh giá thực trạng hướng dẫn KTHĐ của KTNN để thấy rõ cần thiết phải xây dựng hướng dẫn cụ thể hơn, chi tiết hơn; tham khảo kinh nghiệm  của các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới, từ đó đề xuất xây dựng nội dung hướng dẫn, đồng thời đề xuất xây dựng KTHĐ theo các lĩnh vực như: ngân sách, DN, đầu tư, tài chính - ngân hàng…

Đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại Khá.

THÙY ANH
 

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201