Thứ Sáu, 3/5/2024 - 03:34:36 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Thay đổi chuẩn mực kế toán, kiểm toán, các trường cần thích ứng để đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng

THỨ SÁU, 08/07/2022 20:41:56 | KIỂM TOÁN TRONG NƯỚC
(BKTO) - Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng, chất lượng nguồn nhân lực vì thế cùng đòi hỏi phải tăng lên để đáp ứng những yêu cầu mới. Đối với đào tạo ngành kế toán, kiểm toán, dựa trên các chuẩn mực kế toán, kiểm toán mới được ban hành, các trường cần phải thường xuyên cập nhật, bổ sung vào chương trình đào tạo; cũng như tiếp cận với các chương trình đạt chuẩn quốc tế để đưa vào giảng dạy, nâng cao năng lực cho người học.

 

Nhiều chuẩn mực kế toán, kiểm toán mới ra đời, đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán. Ảnh sưu tầm.


Hàng loạt chuẩn mực kế toán, kiểm toán mới ra đời

Vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành 05 chuẩn mực kế toán công (đợt 1) theo Quyết định số 1676/QĐ-BTC có hiệu lực thi hành ngày 01/09/2021. Các chuẩn mực được soạn thảo trên cơ sở Chuẩn mực kiểm toán công quốc tế, phù hợp với bối cảnh của đơn vị công tại Việt Nam hiện nay và trong tương lai.

Nội dung của chuẩn mực công không chỉ là vấn đề kế toán, mà bao hàm nhiều vấn đề về cơ chế tài chính. Do đó, đây còn là căn cứ để Bộ Tài chính nghiên cứu, ban hành chế độ kế toán áp dụng cho các đơn vị kế toán trong lĩnh vực công, phù hợp với quy định hiện hành về cơ chế tài chính công, các quy định về ngân sách, tài sản công... ; cũng như là cơ sở để nghiên cứu cải cách cơ chế, chính sách có liên quan theo các thông lệ tốt của quốc tế.

Cùng với đó, các chuẩn mực kiểm toán cũng không ngừng được xây dựng, sửa đổi, bổ sung (trong đó có các chuẩn mực KTNN). Theo các chuyên gia kế toán, kiểm toán, sự ra đời của các chuẩn mực kế toán, kiểm toán mới đặt ra yêu cầu cho công tác đào tạo kế toán, kiểm toán phải cập nhật không ngừng để theo được xu thế phát triển của thị trường, từ đó đào tạo ra nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán chất lượng, nhạy bén và dễ thích ứng với công việc.
 
Theo Đề án công bố hệ thống chuẩn mực kế toán công tại Việt Nam ban hành tại Quyết định số 1299/QĐ-BTC ngày 31/7/2019 của Bộ Tài chính, giai đoạn 2020-2024 Việt Nam sẽ ban hành và công bố 20 chuẩn mực kế toán công Việt Nam đầu tiên (VPSAS) nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tài chính, kế toán, góp phần thúc đẩy hội nhập của nền kinh tế.

Tuy nhiên, đây là yêu cầu không dễ dàng, trong bối cảnh đào tạo kế toán, kiểm toán hiện vẫn được cho là còn nặng về đào tạo lý thuyết; nhiều trường vẫn chậm hoặc còn tâm lý ngại đổi mới. 

Theo PGS,TS. Đinh Thế Hùng - Phó Viện trưởng Viện Kế toán - Kiểm toán (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), do thiếu đội ngũ giảng viên kế toán tốt, sinh viên quá đông và năng lực học tập hạn chế, trong khi chương trình đào tạo về kế toán, kiểm toán quốc gia chưa thực sự đạt chuẩn; ít thực hành nên chất lượng đầu ra không đáp ứng được yêu cầu. 

Nhấn mạnh thực trạng tuyển sinh, đào tạo cũng là rào cản để các cơ sở đào tạo tiến tới đạt chuẩn trong đào tạo kế toán, kiểm toán, PGS,TS. Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương cho biết, hiện vẫn còn có độ lệch khá lớn về chất lượng đào tạo giữa các trường và nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cho phát triển kinh tế. Do đó, "để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho thị trường, đáp ứng những yêu cầu mới, cần xem xét lại định hướng đào tạo nhân lực kế toán, kiểm toán hiện nay” - PGS,TS. Bùi Anh Tuấn cho biết.

Sức ép cho công tác đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Theo PGS,TS. Đinh Thế Hùng, hiện nay với chiến lược phát triển ngành kế toán, kiểm toán mà Bộ Tài chính đặt ra sẽ tạo thách thức lẫn động lực đổi mới hoạt động kế toán, kiểm toán; đòi hỏi người làm kế toán, kiểm toán phải được trang bị các kiến thức mới như về Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), các vấn đề mới về kỹ thuật trong kế toán, kiểm toán…

Các trường cần căn cứ vào những thay đổi thực tiễn của thị trường, xu thế tuyển dụng, sử dụng nhân lực của DN; cũng như bắt nhịp với những thay đổi về công tác quản lý (sự ra đời của các chuẩn mực kế toán, kiểm toán mới)… là những yêu cầu được đặt ra khi tổ chức đào tạo nhân lực kế toán, kiểm toán để có nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nằm trong những nỗ lực cải thiện chất lượng đầu ra của sinh viên ngành kế toán, kiểm toán, thời gian gần đây, một số trường đã hợp tác đào tạo theo chuẩn mực quốc tế và cấp chứng chỉ của các tổ chức như: Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW), Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA)…

Theo PGS,TS. Nguyễn Hữu Ánh (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), căn cứ vào những thay đổi trong chế độ, chính sách về kế toán, kiểm toán, các cơ sở đào tạo kế toán, kiểm toán cần xây dựng, thay đổi chương trình đào tạo cho phù hợp, trong đó chú trọng xây dựng chuẩn đầu ra phù hợp với yêu cầu của thị trường.

Dẫn chứng về công tác đào tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân, ông Ánh cho biết, từ năm 2015, Trường đã có thỏa thuận với ICAEW trong việc triển khai chương trình đào tạo tích hợp các môn học theo chuẩn quốc tế nhằm nâng cao năng lực giảng viên, cũng như chất lượng sinh viên. Ngoài ra, việc đưa các môn học chuyên ngành bằng tiếng Anh vào giảng dạy đã giúp khắc phục rào cản ngôn ngữ, phát triển khả năng tiếng Anh cho sinh viên, giúp sinh viên hòa nhập tốt hơn với môi trường làm việc quốc tế.

Tuy nhiên, phần lớn các chương trình đào tạo chất lượng cao này mới được triển khai tại một số cơ sở đào tạo uy tín. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm xây dựng chuẩn chương trình đào tạo về kế toán, kiểm toán quốc gia để làm căn cứ cho các cơ sở đào tạo điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo hiện có để các cử nhân ra trường đã có một nền tảng về kiến thức, kỹ năng đáp ứng được nhu cầu của đơn vị sử dụng.

Về phần mình, các cơ sở đào tạo cần đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo kế toán, kiểm toán để phù hợp với các thay đổi, cũng như nhu cầu của thị trường. Trong đó cần hướng người học tới tư duy tổng hợp, phân tích bản chất thay vì chỉ tập trung dạy ghi chép sổ sách; nâng cao kỹ năng xử lý công việc, khả năng sử dụng ngoại ngữ chuyên môn để có thể hội nhập với nguồn nhân lực quốc tế.

Bên cạnh đó, đội ngũ kế toán, kiểm toán viên chuyên nghiệp phải tăng cường cập nhật, bồi dưỡng kiến thức về chuẩn mực kế toán quốc tế, chuẩn mực IFRS… và tăng cường thi lấy chứng chỉ nghề nghiệp của các tổ chức nghề nghiệp uy tín với mục tiêu nâng cao trình độ chuyên môn để có thể tham gia vào thị trường lao động quốc tế.
N.LỘC

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201