Thứ Sáu, 29/3/2024 - 21:00:18 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Tăng cường áp dụng công nghệ để đổi mới tổ chức kiểm toán lĩnh vực tài nguyên khoáng sản

THỨ TƯ, 26/08/2020 18:05:00 | KIỂM TOÁN TRONG NƯỚC
(BKTO) – Ngày 26/8, Hội đồng Khoa học của KTNN đã tổ chức nghiệm thu Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: “Đổi mới tổ chức kiểm toán công tác quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản trong điều kiện ứng dụng công nghệ tại KTNN”.

Quang cảnh buổi nghiệm thu Đề tài


Đề tài do ThS. Dương Quang Chính - Thanh tra KTNN và ThS. Vũ Kim Tuyến - KTNN chuyên ngành VI đồng chủ nhiệm. GS,TS. Đoàn Xuân Tiên - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước - làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.

Đại diện Ban Đề tài cho biết: Hoạt động khai thác, chế biến tài nguyên khoáng sản (TNKS) có đóng góp rất quan trọng trong công cuộc hiện đại hóa, công nghiệp hóa nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng TNKS còn thấp; các sai phạm như: cấp phép tràn lan, thất thoát lãng phí tài nguyên, ô nhiễm môi trường, thất thu NSNN… vẫn diễn ra rất phổ biến.

TNKS là nguồn tài sản quốc gia, có tác động trực tiếp tới sự phát triển kinh tế - xã hội và là một trong các đối tượng kiểm toán quan trọng của KTNN. Do vậy, những năm qua, KTNN đã không ngừng tăng cường, nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm toán trong lĩnh vực này. Ban đầu, KTNN thực hiện kiểm toán lồng ghép trong các cuộc kiểm toán báo cáo tài chính và từ năm 2013 tiến hành các cuộc kiểm toán chuyên đề độc lập. 

Bên cạnh các phương pháp kiểm toán cơ bản, KTNN cũng đã tận dụng công nghệ, chú trọng áp dụng các phương pháp đặc thù trong kiểm toán lĩnh vực TNKS. Cuộc kiểm toán ngân sách, tiền và tài sản năm 2016 của TP. Hải Phòng do KTNN khu vực VI thực hiện vào năm 2017 là một ví dụ. Tại cuộc kiểm toán này, KTNN đã thí điểm sử dụng phương pháp thuê chuyên gia, ứng dụng công nghệ viễn thám để xác định chính xác thể tích TNKS đã khai thác. Nhờ đó, các phát hiện cũng như kiến nghị kiểm toán có tầm ảnh hưởng lớn và thuyết phục.

Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã phát hiện những bất cập ở nhiều khâu trong quy trình quản lý, khai thác TNKS như: tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, không phép xảy ra công khai; việc cấp phép thăm dò, khai thác sai thẩm quyền, khai thác vượt công suất theo giấy phép; đơn vị khai thác khoáng sản không lập dự án cải tạo, phục hồi môi trường, không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính… Từ đó, KTNN đã đưa ra nhiều kiến nghị có giá trị giúp chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng TNKS làm cơ sở cho Quốc hội, HĐND và UBND tỉnh xem xét, lựa chọn, điều chỉnh, thực thi chính sách quản lý và các khoản thu NSNN.

Tuy nhiên, số lượng các cuộc kiểm toán chuyên đề riêng của KTNN vẫn còn khiêm tốn. Kết quả kiểm toán mới chủ yếu ở khía cạnh tuân thủ pháp luật, thực hiện các nghĩa vụ về tài chính. KTNN vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm ra  phương pháp phù hợp để xác định sản lượng khoáng sản đã khai thác mặc dù dễ dàng nhận ra tình trạng thất thoát TNKS…

Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán của KTNN nói chung, hiệu quả kiểm toán hoạt động quản lý, khai thác TNKS nói riêng, Nhóm tác giả đã thực hiện Đề tài: “Đổi mới tổ chức kiểm toán việc quản lý TNKS trong điều kiện áp dụng công nghệ”.

Ngoài phần mở đầu, kết luận, các phụ lục, Đề tài gồm 2 chương. Chương 1: Cơ sở lý luận và thực trạng việc tổ chức kiểm toán công tác quản lý, khai thác TNKS trong điều kiện ứng dụng công nghệ tại KTNN. Chương 2: Đổi mới tổ chức kiểm toán công tác quản lý, khai thác TNKS trong điều kiện ứng dụng dụng công nghệ tại KTNN.

Trong đó, tại Chương 2, Nhóm tác giả đã nêu định hướng và nguyên tắc ứng dụng công nghệ vào hoạt động kiểm toán của KTNN; phân tích, lựa chọn công nghệ phù hợp để ứng dụng vào tổ chức kiểm toán quản lý, khai thác TNKS; xây dựng hướng dẫn tổ chức kiểm toán công tác quản lý, khai thác TNKS… Nhóm tác giả đã kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản, đồng thời đề xuất các giải pháp cụ thể với KTNN để đổi mới tổ chức kiểm toán việc quản lý TNKS. 
 

Theo Ban Chủ nhiệm Đề tài, KTNN cần đổi mới phương pháp kiểm toán lĩnh vực TNKS để thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán phù hợp, xác định mức độ sai phạm, kiến nghị thực hiện nghĩa vụ tài chính, bảo vệ môi trường một cách thuyết phục đối với đơn vị khai thác TNKS.


Tại buổi nghiệm thu, các thành viên Hội đồng đều thống nhất và đánh giá cao nội dung mới, tính cấp thiết và quan trọng của Đề tài. Đề tài cơ bản đã làm rõ cơ sở lý luận, thực trạng tổ chức kiểm toán việc quản lý TNKS tại KTNN đồng thời đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện, đổi mới tổ chức kiểm toán việc quản lý TNKS tại KTNN trong thời gian tới.

Đề tài sau khi hoàn thiện có giá trị vận dụng vào công tác kiểm toán việc quản lý, khai thác TNKS để phát hiện toàn diện, đầy đủ và cho kết quả cao hơn. Kết quả nghiên cứu có thể kết hợp để sử dụng bồi dưỡng về kiểm toán các DN khai khoáng, các cơ quan quản lý và tham khảo khi xây dựng tài liệu đào tạo.

Phát biểu tại buổi nghiệm thu, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên đánh giá: Nội dung Đề tài phù hợp với yêu cầu trước mắt và lâu dài của KTNN. Đề tài đã đánh giá thực trạng kiểm toán lĩnh vực TNKS của KTNN, khái quát quá trình ứng dụng công nghệ viễn thám để thực hiện cuộc kiểm toán tại Hải Phòng và có đóng góp nhất định về lý luận đối với việc quản lý, khai thác TNKS cũng như công tác tổ chức kiểm toán việc quản lý, khai thác TNKS.

Tuy nhiên, để Đề tài hoàn thiện hơn, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước đề nghị Ban Đề tài tiếp thu các ý kiến của Hội đồng để làm rõ hơn những vấn đề lý luận, đánh giá thực trạng quá trình ứng dụng công nghệ trong khai thác khoáng sản một cách đầy đủ hơn, từ đó kiến nghị các giải pháp toàn diện về tổ chức kiểm toán, đào tạo bồi dưỡng và có giải pháp để nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ trong cuộc kiểm toán tại Hải Phòng ra toàn Ngành.

Đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại Xuất sắc./.

Tin và ảnh: THÙY ANH

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201