Thứ Sáu, 29/3/2024 - 13:05:40 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Nhận diện thao túng báo cáo tài chính - những lưu ý đối với kiểm toán viên

THỨ BA, 09/03/2021 09:20:00 | KIỂM TOÁN TRONG NƯỚC
(BKTO) - Bất cân xứng thông tin trên báo cáo tài chính (BCTC) của DN cung cấp cho các nhà đầu tư, cơ quan quản lý… đã và đang trở thành mối lo ngại đáng kể đối với các bên liên quan. Đây là hệ quả của việc thao túng các số liệu, thông tin trên BCTC nhằm tạo ra hồ sơ đẹp trước khi gửi tới các bên thứ ba. Để có thể nhận diện được vấn đề này, kiểm toán viên (KTV) cần phải làm gì?


Hành động thao túng BCTC làm thay đổi trọng yếu các chỉ tiêu trên BCTC gây ảnh hưởng tới quyết định của người sử dụng thông tin. Ảnh minh họa

Một số thủ thuật thao túng báo cáo tài chính 

Theo Viện Kế toán Công chứng Hoa Kỳ (AICPA), thao túng kế toán có thể liên quan đến các hành vi như: Thao túng, giả mạo hoặc thay đổi hồ sơ kế toán hoặc tài liệu hỗ trợ mà từ đó lập BCTC; trình bày sai hoặc cố ý bỏ qua các sự kiện, giao dịch hoặc thông tin quan trọng khác của BCTC; cố ý áp dụng sai các nguyên tắc kế toán liên quan đến số lượng, cách phân loại, trình bày hoặc thuyết minh. 

Hành động thao túng BCTC được thực hiện qua các thao tác của kế toán với sự chỉ đạo, hỗ trợ từ nhà quản lý, lãnh đạo cấp cao của DN nhằm tạo ra thông tin có lợi ở những thời điểm khác nhau như: điều chỉnh doanh thu, thu nhập, gia tăng hoặc cắt giảm chi phí… Những thủ thuật và thao tác trên có thể được gọi với nhiều tên khác nhau là kế toán sáng tạo, kế toán tiêu cực, thao túng kế toán… nhưng bản chất đều làm thay đổi trọng yếu các chỉ tiêu trên BCTC gây ảnh hưởng tới quyết định của người sử dụng thông tin.

Thế giới đã có nhiều sự vụ thao túng BCTC nổi tiếng như: Lợi nhuận Toshiba được phóng đại hơn 1 tỷ USD (2014) thông qua việc cắt giảm chi phí cho các dự án dài hạn, các CEO của Toshiba còn gây áp lực lớn lên cấp dưới để đạt được mục tiêu doanh số, hoãn lỗ hoặc đẩy doanh số bán hàng cao hơn so với thực tế. Hay như trường hợp Olympus gian lận kế toán 1,7 tỷ USD (2011) với việc tạo ra một kế hoạch với hàng loạt các công ty vệ tinh để chuyển lỗ ra khỏi bảng cân đối kế toán. Các công ty đặt tại Quần đảo Cayman đã được mua lại thông qua phí mua bán sáp nhập với mức giá rất cao. Một phi vụ đặc biệt nữa là doanh thu, tỷ suất lợi nhuận và số dư tiền mặt của Satyam bị khai khống lên 1,5 tỷ USD (2009) và KTV đã thông đồng với ban lãnh đạo để che giấu các sai phạm trọng yếu này…

Việt Nam cũng có các vụ thao túng lớn như: Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành tạo doanh thu ảo mà thực tế không giao hàng và không có hàng trong kho. Kết quả là giá cổ phiếu giảm 63% khi hành vi thao túng BCTC bị phát hiện, hàng tồn kho 6 tháng đầu năm 2016 bốc hơi 980 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn với mức giảm 218 tỷ đồng. Dược Viễn Đông là một trường hợp khác đã bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) hủy niêm yết khi tạo doanh thu ảo, giả mạo hồ sơ chào bán cổ phiếu ra công chúng, thao túng giá cổ phiếu khi phát hành cổ phiếu ra công chúng giai đoạn tháng 12/2009 đến 8/2011…

Với việc lợi dụng tâm lý nhà đầu tư quan tâm tới lợi nhuận và mức sinh lợi kỳ vọng từ giá cổ phiếu của các công ty khi niêm yết, các DN luôn tìm cách thổi phồng doanh thu, giảm chi phí và thổi phồng lợi nhuận tương ứng.

5 lưu ý khi phân tích thông tin trên báo cáo tài chính

Để có thể nhận diện các thủ thuật thao túng BCTC, các KTV cần lưu ý 5 yêu cầu sau: 

Một là, phân tích sự biến động của các khoản doanh thu, thu nhập qua các năm; kiểm tra sự biến động của các khoản nợ phải thu khách hàng trên bảng cân đối kế toán và xem dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của DN. Đồng thời, quan tâm tới sự biến động của các chỉ tiêu có mối quan hệ mật thiết với doanh thu như: hàng tồn kho, giá vốn. 

Đặc biệt, tại các DN sản xuất, thương mại, cần kiểm kê hàng tồn kho khi số dư trọng yếu hoặc đánh giá rủi ro về khoản mục này là trọng yếu trong đơn vị được kiểm toán. Bên cạnh đó, KTV có thể sử dụng các thủ tục bổ sung như kiểm tra các chứng từ, sổ sách liên quan (hợp đồng kinh tế, biên bản giao nhận hàng hóa, dịch vụ, hóa đơn giá trị gia tăng…), kết hợp với việc phỏng vấn và xem xét hệ thống báo cáo của các bộ phận liên quan (báo cáo nhập xuất tồn của bộ phận kho, nhật ký bảo vệ, báo cáo doanh thu, dư nợ khách hàng của bộ phận bán hàng…).

Hai là, xem xét sự biến động của các khoản nợ phải thu khách hàng và doanh thu. Khi doanh thu và các khoản nợ phải thu khách hàng cùng tăng mạnh qua các năm, KTV cần kiểm tra tới mối quan hệ của các khách hàng với người đứng đầu trong công ty kiểm toán và nguồn tiền mà khách hàng trả nợ cho đơn vị được kiểm toán.

Ba là, quan tâm tới các nhân tố ảnh hưởng trực tiếp tới động cơ thao túng BCTC của các DN như: năng lực quản trị của ban lãnh đạo đơn vị được kiểm toán, trình độ nhân viên, cường độ làm việc, chất lượng kiểm soát nội bộ của đơn vị được kiểm toán, thời điểm bán cổ phiếu ra công chúng, thời điểm công bố thông tin ra công chúng…

Bốn là, giữ vững đạo đức nghề nghiệp, đặc biệt là yêu cầu độc lập về quan hệ kinh tế, tình cảm khi tiến hành kiểm toán các đơn vị, tránh việc bị lợi dụng để che giấu các hành vi thao túng BCTC của đơn vị được kiểm toán. 

Năm là, duy trì thái độ thận trọng, hoài nghi nghề nghiệp khi kiểm toán. Các chỉ tiêu trên BCTC là các con số biết nói, khi phân tích sự biến động của các chỉ tiêu, KTV nên tìm hiểu nguyên nhân dẫn tới sự biến động từ những thông tin tài chính và phi tài chính liên quan.

ThS. TRẦN PHƯƠNG THÙY
Học viện Ngân hàng

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201