Thứ Sáu, 19/4/2024 - 15:34:58 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 cần bổ sung các quy định mới về vai trò, trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng

THỨ HAI, 04/03/2019 08:55:00 | KIỂM TOÁN TRONG NƯỚC
(BKTO) - Với vị trí là cơ quan thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, KTNN đã và đang là công cụ quan trọng trong quá trình kiểm tra, kiểm soát, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí và phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật. Xác định rõ vị trí, vai trò của KTNN, Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) mới được Quốc hội thông qua (tháng 11/2018) đã giao nhiều nhiệm vụ quan trọng cho KTNN trong công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng.


Ông Nguyễn Mạnh Cường

Để đảm bảo tính thống nhất trong các văn bản pháp luật, một số nội dung được quy định mới hoặc được sửa đổi, bổ sung trong Luật PCTN cần được bổ sung trong Luật KTNN. Cụ thể, Ban Soạn thảo Luật KTNN cân nhắc việc sửa đổi, bổ sung các nội dung sau:

Thứ nhất, các quy định về tổ chức, hoạt động của KTNN để thực hiện trách nhiệm phòng ngừa tham nhũng trong hệ thống KTNN.

Luật PCTN quy định về trách nhiệm giải trình của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao, bao gồm giải trình khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân bị tác động bởi quyết định, hành vi đó; giải trình khi báo chí đăng tải thông tin về vi phạm pháp luật, giải trình khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giám sát hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khác. Luật KTNN mới chỉ quy định về trách nhiệm “giải trình về kết quả kiểm toán với Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội” (tại Khoản 9, Điều 10). Do đó, cần xem xét việc sửa đổi, bổ sung quy định này để bảo đảm tính đồng bộ.

Luật PCTN quy định KTNN có trách nhiệm phối hợp với Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong việc xây dựng Báo cáo về công tác PCTN trong phạm vi cả nước; các trách nhiệm khác trong việc thực hiện pháp luật về PCTN (tổ chức họp báo, tổ chức thực hiện về việc kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức trong KTNN; thực hiện việc cải cách hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ, thanh toán không dùng tiền mặt…). Vì vậy, Luật KTNN cũng cần bổ sung nội dung quy định về nhiệm vụ của KTNN trong việc thực hiện trách nhiệm về PCTN theo quy định của Luật PCTN. 

Thứ hai, sửa đổi các quy định về thẩm quyền của Tổng Kiểm toán Nhà nước để bảo đảm thống nhất với Luật PCTN.

Luật PCTN đã sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến thẩm quyền của Tổng Kiểm toán Nhà nước trong việc chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ quyền hạn trong KTNN; ban hành quy tắc ứng xử của KTNN… Luật KTNN mới chỉ quy định trách nhiệm của Tổng Kiểm toán Nhà nước trong việc: “Quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp cụ thể để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động kiểm toán nhà nước, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền của công chức, viên chức thuộc KTNN”. Vì vậy, cần xem xét sửa đổi quy định nêu trên của Luật KTNN để bảo đảm phù hợp với Luật PCTN về thẩm quyền, trách nhiệm của Tổng Kiểm toán Nhà nước. Có thể cân nhắc sửa đổi theo hướng bổ sung vào Khoản 5, Điều 13 nội dung quy định Tổng Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm: “quy định quy tắc ứng xử và việc chuyển đổi vị trí công tác đối với người có chức vụ, quyền hạn trong KTNN; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc KTNN”.

Thứ ba, sửa đổi các quy định về trình tự, thủ tục kiểm toán để thực hiện trách nhiệm của KTNN trong phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng.
Điều 61 Luật PCTN quy định trách nhiệm của KTNN trong việc kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; trình tự, thủ tục kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được thực hiện theo quy định của Luật KTNN; quy định trách nhiệm của Tổng Kiểm toán Nhà nước phối hợp với Tổng Thanh tra Chính phủ trong việc xử lý trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Điều 62 và Điều 64 quy định trách nhiệm xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện qua hoạt động kiểm toán và xử lý vi phạm trong hoạt động kiểm toán.

Liên quan tới nội dung này, Luật KTNN hiện hành có 2 quy định: Một là, Khoản 12, Điều 10 Luật KTNN quy định KTNN phải chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân và cơ quan khác của Nhà nước có thẩm quyền xem xét, xử lý những vụ việc có dấu hiệu của tội phạm, vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân đã được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán. Hai là,  Điều 65 quy định nhiệm vụ của cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân phải tiếp nhận và giải quyết theo thẩm quyền các vụ việc có dấu hiệu của tội phạm do KTNN phát hiện và kiến nghị. Như vậy, các quy định nêu trên chưa thể hiện rõ về quy trình, thủ tục xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong quá trình kiểm toán; quy trình báo cáo xử lý vụ việc tham nhũng liên quan đến trách nhiệm cá nhân khi Đoàn kiểm toán không phát hiện ra sai phạm nhưng cơ quan khác có thẩm quyền lại phát hiện ra vụ việc tham nhũng; việc phối hợp trong việc xử lý trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.

Những nội dung này cần được cân nhắc, xem xét trong Luật KTNN, cụ thể là: sửa đổi, bổ sung trong quy định về quy trình kiểm toán (Mục 4 Chương IV); quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng đoàn, Phó trưởng đoàn, Tổ trưởng, thành viên Đoàn kiểm toán (Mục 3 Chương IV); quy định về trách nhiệm phối hợp xử lý trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán tại Điều 13 về trách nhiệm của Tổng Kiểm toán Nhà nước và tại Điều 64 về trách nhiệm của Chính phủ với KTNN. 
NGUYỄN MẠNH CƯỜNG
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội
Theo Báo Kiểm toán số 09 ra ngày 28-02-2019

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201