Thứ Tư, 01/5/2024 - 10:55:30 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Kiểm toán chuyên đề theo mô hình tập trung - ưu điểm và hạn chế

THỨ HAI, 12/11/2018 08:25:00 | KIỂM TOÁN TRONG NƯỚC
(BKTO) - Thời gian qua, KTNN chuyên ngành II đã chủ trì thực hiện thành công một số cuộc kiểm toán chuyên đề. Đây là những cuộc kiểm toán có quy mô lớn, do nhiều đơn vị trong KTNN cùng tham gia, được tổ chức theo các phương án khác nhau. Mỗi phương án đều có những mặt mạnh và mặt hạn chế nhất định. Dưới đây là một số điểm ưu, khuyết trong phương án tổ chức kiểm toán theo hình thức tập trung.

Nhiều ưu điểm trong mô hình kiểm toán tập trung 

Phương án tổ chức theo hình thức tập trung từng được KTNN áp dụng cho Cuộc kiểm toán Chuyên đề phát hành, quản lý và sử dụng vốn trái phiếu chính phủ năm 2013, 2014.

Việc tổ chức đoàn theo mô hình tập trung (chỉ thành lập 1 đoàn, không tổ chức lồng ghép) đã giúp cho công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện được tập trung, thống nhất, xuyên suốt quá trình kiểm toán, từ mẫu biểu hồ sơ, xây dựng kế hoạch của đoàn, tổ kiểm toán đến thực hiện và lập báo cáo kiểm toán. Các kết luận, kiến nghị kiểm toán của các tổ được thống nhất, phù hợp, khả thi, tạo thuận lợi cho quá trình tổng hợp kết quả kiểm toán chung của toàn Ngành. Nhờ việc tổ chức đoàn theo mô hình này, các kiểm toán trưởng đơn vị chủ trì cũng như trưởng đoàn kiểm toán đã kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo các tổ kiểm toán rà soát lại công việc, từ đó, các tổ sẽ tham khảo, bổ sung, tránh bỏ sót nội dung kiểm toán. 

Với mô hình tập trung, việc trao đổi thông tin giữa các tổ kiểm toán trở nên kịp thời và không bị hạn chế, nhất là khi trao đổi về những vướng mắc, bất cập trong vấn đề áp dụng hồ sơ, mẫu biểu của đề cương hướng dẫn kiểm toán cũng như các văn bản, chế độ, chính sách của Nhà nước liên quan đến công tác chỉ đạo, quản lý thực hiện chuyên đề. Các kiểm toán viên KTNN chuyên ngành, khu vực có thêm cơ hội trao đổi, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau và phối hợp thực hiện tốt hơn trong công việc.

Thông qua từng đợt báo cáo tiến độ kết quả kiểm toán, mô hình cũng đã cung cấp đến lãnh đạo  những thông tin tổng quan về kết quả kiểm toán chung đối với chuyên đề để có hướng chỉ đạo nhanh chóng, hợp lý.

Việc thực hiện theo mô hình tập trung đòi hỏi đơn vị chủ trì phải thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình, từ khâu xây dựng đề cương hướng dẫn đến khảo sát, lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và tổng hợp kết quả kiểm toán. Đồng thời, đơn vị cũng  đề cao trách nhiệm trong công tác phối hợp với các KTNN chuyên ngành và khu vực có kiểm toán viên tham gia đoàn kiểm toán, hoặc khi kiểm toán trên địa bàn được giao quản lý. 

Một số hạn chế và giải pháp khắc phục 

Bên cạnh những ưu điểm, việc tổ chức đoàn theo mô hình tập trung cũng bộc lộ một số hạn chế. Đó là: Quá trình tổ chức thực hiện có thể gặp phải rủi ro bởi quy mô đoàn kiểm toán quá lớn, công tác kiểm tra, giám sát của lãnh đạo đoàn vì vậy cũng khó được thường xuyên và sâu sát. Mặt khác, đoàn kiểm toán chủ yếu do kiểm toán viên của các KTNN chuyên ngành và khu vực tham gia, đơn vị chủ trì chỉ đảm nhận một phần, do đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chỉ đạo, điều hành của trưởng đoàn. Nếu không có sự phối hợp chặt chẽ của các KTNN chuyên ngành, khu vực trong vấn đề quản lý, giám sát và kiểm tra hoạt động của các kiểm toán viên thì rất khó để ngăn chặn những rủi ro vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Cũng vì quy mô đoàn kiểm toán lớn, khối lượng công việc nhiều nên công tác tổng hợp báo cáo của đoàn mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ phát hành báo cáo kiểm toán. Công tác tổng hợp lưu trữ hồ sơ kiểm toán của đoàn kiểm toán cũng gặp rất nhiều khó khăn.  

Bên cạnh đó, trình độ kiểm toán viên tham gia đoàn cũng không đồng đều, dẫn đến việc lập kế hoạch kiểm toán chi tiết cũng như báo cáo kiểm toán của tổ còn phải chỉnh sửa nhiều. Báo cáo kiểm toán của một số tổ còn dài dòng, mang tính liệt kê, thiếu khái quát, nhiều nội dung chưa thể hiện đầy đủ trong báo cáo nên phải bổ sung để đáp ứng yêu cầu đặt ra đối với cuộc kiểm toán. 

Mặt khác, một cuộc kiểm toán có phạm vi lớn thường đòi hỏi thời gian kiểm toán dài, bình quân mỗi tổ là 150 ngày/3 tỉnh, thành. Do vậy, công tác bố trí nhân sự thường không ổn định, thường xuyên phải ban hành quyết định điều chỉnh nhân sự cho đoàn kiểm toán.

Để phương án tổ chức theo hình thức tập trung đạt chất lượng, hiệu quả, KTNN cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, khi tổ chức kiểm toán theo mô hình kiểm toán tập trung thống nhất trên phạm vi toàn ngành, KTNN phải có hướng dẫn riêng về công tác tập hợp, lưu trữ hồ sơ theo hướng: đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán chỉ lưu hồ sơ kiểm toán chung của đoàn và của các tổ do kiểm toán viên trong  đơn vị thực hiện, còn hồ sơ do KTNN chuyên ngành, khu vực phối hợp thực hiện thì lưu tại KTNN chuyên ngành, khu vực đó.

Hai là, để hạn chế tối đa những rủi ro, sai sót đáng tiếc có thể xảy ra khi thực hiện theo mô hình kiểm toán tập trung, đề nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành văn bản quy định trách nhiệm của từng đơn vị đối với vấn đề kiểm tra, giám sát hoạt động của tổ kiểm toán và kiểm toán viên trong việc thực hiện quy chế tổ chức và hoạt động của đoàn kiểm toán cũng như các văn bản của KTNN. Cụ thể, đơn vị chủ trì đảm nhận vị trí trưởng đoàn kiểm toán, chịu trách nhiệm chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ đối với đoàn kiểm toán; chịu trách nhiệm về chất lượng cuộc kiểm toán. Đơn vị phối hợp chịu trách nhiệm quản lý, giám sát, kiểm tra tổ kiểm toán và kiểm toán viên  trong việc thực hiện quy chế tổ chức và hoạt động của đoàn kiểm toán cũng như các văn bản của  KTNN,  Luật KTNN. Kiểm toán viên được cử tham gia đoàn kiểm toán phải có năng lực chuyên môn, kỹ năng kiểm toán tổng hợp, kỹ năng tổng hợp, viết báo cáo, tránh tình trạng chỉ lấy thông tin theo báo cáo của đơn vị mà không đi sâu phân tích, đánh giá việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị theo những nội dung kiểm toán được giao.

HOÀNG XUÂN LƯƠNG
KTNN chuyên ngành II
Theo Báo Kiểm toán số 45 ra ngày 08-11-2018

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201