Thứ Năm, 18/4/2024 - 09:07:17 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Kết quả kiểm toán các dự án PPP và những vấn đề đặt ra

THỨ NĂM, 12/03/2020 10:05:00 | KIỂM TOÁN TRONG NƯỚC
(BKTO) - Nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) đối với nền kinh tế đất nước, những năm gần đây, KTNN đã quan tâm thực hiện kiểm toán các dự án này, trong đó có các dự án BOT và BT. Kết quả kiểm toán cho thấy hoạt động đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng vốn đầu tư của các dự án này còn nhiều vấn đề nổi cộm.


Ảnh: Như Ý

Nhiều kẽ hở, sai sót gây thất thoát ngân sách nhà nước

Đối với các dự án BT (xây dựng - chuyển giao), hầu hết các dự án đều lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu làm giảm sự cạnh tranh và tiềm ẩn rủi ro chọn nhà đầu tư không đủ năng lực; lựa chọn nhà đầu tư thiếu năng lực tài chính.  Việc thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư không đảm bảo nguyên tắc ngang giá. Hoạt động thanh toán trước cho nhà đầu tư cũng bộc lộ điểm bất hợp lý, tạo ra việc chiếm dụng vốn từ NSNN.

Vốn đầu tư chủ yếu là vốn vay (khoảng 85%) và được tính lãi, với lãi suất tối đa huy động bằng 1,3 lần lãi suất trái phiếu chính phủ, dẫn đến thực chất gần như toàn bộ dự án là vốn của Nhà nước hoặc là vốn của Nhà nước đi vay với mức lãi suất cao hơn lãi suất mà Nhà nước huy động để đầu tư thực hiện dự án. Điều này cho thấy, việc thực hiện dự án BT không thực sự giảm gánh nặng cho NSNN. Tính lãi vay trên phần vốn không phải đi vay chưa theo quy định hợp đồng; xác định lãi vay chưa chính xác. Điều khoản hợp đồng thiếu chặt chẽ, không đảm bảo nguyên tắc ngang giá, có hợp đồng ký sai quy định gây thất thoát NSNN. 

Giao đất chỉ định cho nhà đầu tư trái quy định của Luật Đất đai. Việc tạm tính tiền sử dụng đất để xác định giá trị đối ứng khi giao đất cho dự án BT tại thời điểm thực hiện dự án dễ dẫn đến thất thoát NSNN. Một số văn bản còn bất cập, làm thất thoát tài sản, NSNN hoặc có thể ảnh hưởng tới khuyến khích đầu tư. Công tác quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chưa được thực hiện thường xuyên, đầy đủ khiến sai sót xảy ra ở tất cả các khâu, gây thất thoát…

Qua kiểm toán các dự án BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), KTNN phát hiện, 49/75 dự án được công bố trên phương tiện thông tin đại chúng, trong đó, 45/49 dự án không thuộc danh mục 66 dự án được phê duyệt; 56/75 dự án là nâng cấp, cải tạo, mở rộng các tuyến đường do NSNN đầu tư từ trước (2.535 km) và chỉ có 19/75 dự án đầu tư mới (526 km), thấp hơn nhiều so với mục tiêu (đầu tư mới 2.629 km) trong danh mục kêu gọi đầu tư được phê duyệt; 22 dự án thực hiện chỉ định thầu ngoài quy định, lựa chọn một số nhà đầu tư chưa đảm bảo năng lực theo quy định.

Hầu hết các dự án thực hiện chỉ định nhà thầu thi công; xác định sai, tăng tổng mức đầu tư; phê duyệt dự án có sử dụng vốn hỗ trợ từ nguồn trái phiếu chính phủ không đúng quy định; chưa quy định khung giá vé đối với dự án đầu tư của công trình đường, cầu đường bộ, hầm đường bộ... 

Nhiều dự án đưa vào phương án tài chính một số nội dung chưa có quy định để tính thời gian hoàn vốn, lập phương án tài chính còn thiếu sót, tỷ lệ lợi nhuận giữa các dự án và các nhà đầu tư còn chênh lệch lớn (11 - 13%). Nhà đầu tư chưa huy động đủ nguồn vốn chủ sở hữu theo phương án tài chính; vị trí đặt một số trạm thu phí chưa phù hợp, không đảm bảo khoảng cách tối thiểu; thực hiện thu phí hoàn vốn trước thời điểm dự án hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng… Qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của các dự án BOT so với phương án tài chính ban đầu. Ngoài ra, kết quả kiểm toán còn cho thấy một số bất cập, thiếu sót về cơ chế, chính sách. 

Nâng cao chất lượng kiểm toán dự án PPP

Kiểm toán các dự án PPP là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Bởi vậy, kế hoạch kiểm toán trong những năm tới cần tiếp tục ưu tiên lựa chọn các dự án này, trong đó tập trung kiểm toán phương án tài chính dự án, đánh giá hiệu quả việc huy động nguồn vốn từ các nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, những bất cập về cơ chế, chính sách và xác định trách nhiệm công tác quản lý nhà nước trong quá trình tổ chức thực hiện dự án. Các dự án đã hoàn thành và lập báo cáo quyết toán cần được ưu tiên tập trung kiểm toán nhằm đánh giá toàn diện quá trình quản lý và thực hiện dự án.  

Đồng thời, để nâng cao chất lượng kiểm toán, KTNN cần nghiên cứu xây dựng Đề cương hướng dẫn kiểm toán, hoàn thiện hệ thống hồ sơ mẫu biểu kiểm toán cho hình thức đầu tư theo phương thức PPP; đổi mới cách thức tổ chức kiểm toán, thành lập đoàn kiểm toán độc lập theo chuyên đề, phạm vi toàn Ngành, hạn chế kiểm toán dự án đơn lẻ để có cơ sở tổng hợp, phân tích, so sánh giữa các chỉ số trong từng phương án tài chính, kịp thời tham mưu cho Chính phủ và các cơ quan liên quan có văn bản thống nhất giữa các dự án, nhằm đảm bảo công bằng, hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư và Nhà nước. 

Kiểm toán dự án PPP đòi hỏi kiểm toán viên phải có khả năng phân tích, đánh giá các chỉ tiêu tài chính, hiệu quả phương án đầu tư, đổi mới và đa dạng hoá phương pháp thu thập bằng chứng kiểm toán, kịp thời tham khảo ý kiến của các cơ quan quản lý, xây dựng chính sách nhằm đảm bảo tính khách quan, thuyết phục, khả thi trong việc đưa ra các kiến nghị kiểm toán. 

Để có thể đáp ứng tốt nhiệm vụ kiểm toán trong giai đoạn hiện nay, KTNN cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về các dự án PPP nhằm giúp kiểm toán viên có thể tiếp cận được đầy đủ thông tin phục vụ kiểm toán, nâng cao hiệu quả, chất lượng và tiết kiệm thời gian kiểm toán. 

Việc ban hành Luật PPP cần khẳng định đầu tư theo hình thức PPP là một hình thức đầu tư công và phải được kiểm toán bởi KTNN trước khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quyết toán.
 
Giai đoạn 2017-2019, cùng với việc thực hiện kiểm toán một số chuyên đề liên quan đến các dự án PPP, KTNN đã kiểm toán chi tiết tổng cộng 52 dự án BT, 59 dự án BOT. 
Qua kiểm toán các dự án BT, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 4.515 tỷ đồng tại 30 dự án được kiểm toán từ năm 2017 trở về trước; năm 2018 xử lý 2.938 tỷ đồng, năm 2019 xử lý 1.255,8 tỷ đồng của 28 dự án, tương đương 9,2% giá trị được kiểm toán. Đối với các dự án BOT, KTNN đã kiến nghị: giảm gần 27 năm thu phí hoàn vốn của 5/12 dự án so với phương án tài chính ban đầu, xử lý tài chính 882 tỷ đồng (năm 2019); giảm 16,2 năm của 7/8 dự án và giảm giá trị đầu tư 1.059 tỷ đồng (năm 2018); giảm 120 năm của 40 dự án và giảm giá trị đầu tư 1.467,3 tỷ đồng (năm 2017); giảm 107,4 năm của 27 dự án (năm 2016 trở về trước).
 
(Lược ghi tham luận của Vụ Tổng hợp, KTNN tại Hội thảo “Dự án PPP và vai trò của KTNN”)

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201