Thứ Tư, 17/4/2024 - 03:32:21 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Hoạt động hợp tác quốc tế trong quá trình phát triển của Kiểm toán Nhà nước

THỨ BA, 09/07/2019 15:15:00 | KIỂM TOÁN TRONG NƯỚC
(BKTO) - Cùng với quá trình phát triển của KTNN 25 năm qua, các hoạt động hợp tác quốc tế (HTQT) đã có những bước phát triển vượt bậc về mọi mặt. HTQT vừa mang tính hội nhập theo định hướng chung của Đảng và Nhà nước vừa mang tính tất yếu của tổ chức kiểm toán theo Tuyên bố Lima. Đây cũng là định hướng phát triển mà tập thể Ban cán sự, lãnh đạo KTNN trong các thời kỳ đề ra để tận dụng cơ hội phát triển của KTNN.

Hai năm sau khi thành lập, tháng 7/1996 KTNN chính thức trở thành thành viên Tổ chức quốc tế Các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI). Đây là tổ chức kiểm toán công lớn nhất toàn cầu, thành lập năm 1953 quy tụ hầu hết Cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) của các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc (hiện nay gồm 194 thành viên). Có thể coi đây là bước khởi đầu của KTNN trong quá trình hội nhập và phát triển, đồng thời là động lực để KTNN dần hoàn thiện cả về thể chế, tổ chức và chuyên môn nghiệp vụ trong bối cảnh đất nước đang tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, mở cửa nền kinh tế và hội nhập quốc tế được khởi xướng tại Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) và tiếp tục khẳng định ở Đại hội lần thứ VII (1991) và lần thứ VIII (1996). Tháng 6/1997 KTNN Việt Nam được kết nạp là thành viên chính thức của Tổ chức Các cơ quan kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) – một tổ chức khu vực của INTOSAI, hiện nay gồm 46 SAI thành viên ở châu Á và châu Đại Dương.

Lễ ký Báo cáo kiểm toán chung giữa KTNN Việt Nam và KTNN Liên bang Nga năm 2017
 
Những năm tiếp theo đó, hoạt động hợp tác quốc tế của KTNN tiếp tục được đẩy mạnh và đóng góp tích cực cho sự trưởng thành và phát triển của KTNN hiện nay. Hoạt động hợp tác quốc tế đã nâng tầm ảnh hưởng, vai trò, vị trí và uy tín của KTNN trong cộng đồng kiểm toán khu vực và quốc tế không ngừng được khẳng định và nâng cao, góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược của KTNN đến năm 2020 “xây dựng KTNN có trình độ chuyên nghiệp cao, từng bước hiện đại, trở thành cơ quan kiểm tra tài chính công có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phù hợp với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế”. Đặc biệt hơn, tháng 9/2018, KTNN Việt Nam trở thành Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021.

Hợp tác song phương

Nhìn lại, có thể thấy ở thời kỳ đầu, dự án hợp tác song phương có ý nghĩa sâu rộng và lâu dài nhất là dự án do Tổ chức Hợp tác kỹ thuật Đức (GIZ) tài trợ với sự tham dự chuyên môn của các chuyên gia thuộc Tòa thẩm kế Đức. Dự án GTZ-KTNN (1998-2008) đặt nền móng ban đầu cả lý luận và thực tiễn về cơ sở pháp lý (xây dựng văn bản quy phạm pháp luật) cho hoạt động của KTNN theo tinh thần của Tuyên bố Lima, tăng cường năng lực nội bộ của KTNN (xây dựng văn bản quản lý, hướng dẫn kiểm toán NSNN), tổ chức khảo sát thực tế, hội thảo và đào tạo quốc tế, dịch tài liệu chuyên môn và tăng cường năng lực vật chất cho KTNN.

Đến nay, KTNN đã có quan hệ hợp tác với hơn 50 SAI và ký kết 28 thỏa thuận quốc tế với các SAI và tổ chức song phương. Trong khuôn khổ các thỏa thuận này, hàng nghìn lượt công chức KTNN được chuyên gia quốc tế đào tạo, bồi dưỡng về lý luận, phương pháp, kỹ năng kiểm toán, như: Hội thảo với Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA) về “Phương pháp xác định tiêu chí đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực đối với các đơn vị quản lý tài chính công” (năm 2013); Hội thảo chung với KTNN Indonesia về “Kiểm toán hoạt động đối với các dự án, chương trình được tài trợ vốn ODA” (năm 2015); Hội thảo chung với KTNN Trung Quốc về “Kiểm toán trách nhiệm kinh tế và vai trò của Cơ quan KTNN trong phòng, chống tham nhũng” (năm 2015); Khóa đào tạo về Kiểm toán môi trường do chuyên gia Đan Mạch giảng dạy tại KTNN (năm 2016); Khóa đào tạo do chuyên gia Pakistan giảng dạy tại KTNN về Kiểm toán hoạt động và Kiểm toán điều tra (tháng 8/2017) và về Kiểm toán dựa trên rủi ro (tháng 12/2018)... Đồng thời, KTNN đã cử nhiều lượt công chức ra nước ngoài để học tập, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn với các KTNN có bề dày lịch sử và kinh nghiệm kiểm toán.

Hợp tác song phương với các SAI có truyền thống, có kinh nghiệm và uy tín trên thế giới đã giúp KTNN tranh thủ được những thành tựu kiểm toán đã có hàng trăm năm để phát huy lợi thế của nước đi sau. Các SAI như: Australia, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Anh, Hà Lan, Đan Mạch... đã tích cực hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm, thông tin, tài liệu chuyên môn với KTNN, từ việc tiếp cận về địa vị pháp lý, triết lý kiểm toán, đảm bảo sự độc lập của KTNN đến các phương pháp, kỹ năng thực hiện kiểm toán trên các lĩnh vực.   

Hợp tác đa phương

Trở thành thành viên INTOSAI đã mở ra cơ hội và tạo điều kiện để KTNN nghiên cứu kho tài liệu chuyên môn phong phú, hiện đại và cập nhật liên tục của INTOSAI (www.intosai.org), từ đó áp dụng phù hợp vào hoạt động kiểm toán tại Việt Nam. Thể hiện rõ nét nhất là các sản phẩm như: Hệ thống Chuẩn mực KTNN gồm 40 chuẩn mực dựa trên ISSAI, Hướng dẫn kiểm toán hoạt động, Hướng dẫn kiểm toán môi trường, lập kế hoạch chiến lược và đánh giá nhu cầu tăng cường năng lực của IDI, đảm bảo chất lượng trong kiểm toán hoạt động... Hiện nay, KTNN đang tích cực vận động ứng cử cương vị thành viên Ban Điều hành (BĐH) INTOSAI nhiệm kỳ 2019-2022.

Thành quả nổi bật nhất trong hoạt động hợp tác đa phương là KTNN đã tổ chức thành công Đại hội ASOSAI lần thứ 14 (tháng 9/2018) với chủ đề “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” và hiện nay đang đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021. Đây là kết quả của sự nỗ lực to lớn và lâu dài của toàn Ngành cũng như nhiều thế hệ lãnh đạo KTNN để thực hiện mục tiêu này trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020. Bắt đầu từ năm 2009, KTNN trở thành thành viên BĐH ASOSAI nhiệm kỳ 2009-2012, tổ chức Kỳ họp 42 của BĐH (tháng 8/2010), trở thành thành viên BĐH giai đoạn 2015-2024. Đại hội ASOSAI 14 và cương vị Chủ tịch ASOSAI là dấu ấn đối ngoại mang tính bước ngoặt của KTNN, góp phần quan trọng vào việc nâng cao vị thế của KTNN không chỉ trong nước mà cả trong khu vực và trên trường quốc tế, đồng thời mở ra nhiều cơ hội mới trong quá trình hội nhập quốc tế của KTNN. Trên cương vị Chủ tịch ASOSAI, KTNN Việt Nam đã tham dự Đại hội Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao khu vực Caribe (CAROSAI) lần thứ 11 (tháng 6/2019) tại nước Cộng hòa Guyana. Tại Đại hội, KTNN Việt Nam đã trình bày tham luận với chủ đề phát triển nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán khu vực công tại Việt Nam, được các SAI đánh giá cao.   

Với tư cách là một trong 4 SAI sáng lập của Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao Đông Nam Á (ASEANSAI) (tháng 11/2011), gần 1 thập kỷ qua, KTNN luôn đảm đương và hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch Ủy ban Kế hoạch chiến lược (KHCL) ASEANSAI. Trên cương vị này, KTNN đã chủ trì cùng các SAI thành viên Ủy ban KHCL xây dựng thành công KHCL của ASEANSAI giai đoạn 2014-2017, 2018-2021 và Hệ thống giám sát và đánh giá việc thực hiện KHCL. Bên cạnh đó, KTNN tích cực đóng góp xây dựng kế hoạch và thực hiện nhiều hoạt động tăng cường năng lực như: hội thảo, đào tạo, chia sẻ kiến thức về kiểm toán tài chính dựa trên đánh giá rủi ro, kiểm toán nguồn thu, kiểm toán mua sắm công...  

Trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác 3 bên giữa 3 SAI Campuchia - Lào - Việt Nam, KTNN luôn là thành viên tích cực, đóng góp quan trọng. Hội nghị người đứng đầu 3 SAI lần thứ nhất được tổ chức tại Hà Nội năm 2009. Từ đó đến nay, Hội nghị được tổ chức luân phiên 2 năm/lần nhằm chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn, tăng cường hiểu biết, hợp tác và tình đoàn kết giữa 3 SAI và 3 nước. 

Có thể nói, kết quả lớn nhất của hợp tác đa phương là tăng cường uy tín của KTNN trong khu vực và trên thế giới. Thông qua các tổ chức như INTOSAI, ASOSAI, ASEANSAI và Diễn đàn hợp tác 3 bên Campuchia - Lào - Việt Nam, KTNN cũng đồng thời có điều kiện tiếp cận, nghiên cứu và trao đổi chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán tại nhiều diễn đàn, nhiều sự kiện quốc tế hơn, từ đó thấu đáo hơn về hoạt động kiểm toán công trên toàn cầu với mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và trình độ phát triển phong phú. Trên cơ sở đó có định hướng và kế hoạch phát triển phù hợp với nhu cầu, điều kiện kinh tế - xã hội thực tế ở Việt Nam. 

Hợp tác với các nhà tài trợ

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là tổ chức tài trợ đa phương đầu tiên cho KTNN. Dự án ADB/KTNN (TA2460/VIE) nâng cao năng lực của KTNN (1996-2000) xây dựng hệ thống kiến thức và thông tin lý luận về các lĩnh vực kiểm toán đầu tư dự án, ngân hàng tài chính và DNNN… thông qua tổ chức các hội thảo, đào tạo trong nước do chuyên gia quốc tế trình bày, các đoàn nghiên cứu khảo sát tại nước ngoài và hỗ trợ trang bị máy móc, phương tiện làm việc cho KTNN.

Những năm sau này, quan hệ hợp tác với các nhà tài trợ luôn được KTNN chú trọng phát triển. Thông qua các dự án hỗ trợ kỹ thuật, chương trình hợp tác chuyên môn với các tổ chức tài trợ song phương và đa phương, KTNN đã quản lý hiệu quả nguồn hỗ trợ tài chính quý giá, từ đó có điều kiện tiếp cận kho kiến thức thực tiễn phong phú, đa dạng từ nhiều quốc gia khác nhau nhằm không ngừng tăng cường năng lực tổ chức và hoạt động của mình. Một số nhà tài trợ tiêu biểu cho KTNN có thể kể đến như: Liên minh châu Âu; Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Kiểm toán toàn diện Canada (CAAF); Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA); Quỹ Tín thác đa biên (do Ngân hàng thế giới tài trợ chính); Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA); Cơ quan Phát triển quốc tế Hungary (HUNIDA)... Bên cạnh đó, KTNN cũng phối hợp với các nhà tài trợ thực hiện tốt các cuộc kiểm toán do nước ngoài tài trợ tại Việt Nam. Đến nay, KTNN đã thực hiện thành công 52 cuộc kiểm toán trong khuôn khổ các chương trình hợp tác này...  

25 năm qua, kinh phí hỗ trợ cho KTNN từ các nhà tài trợ ước đạt khoảng 15 triệu USD. Đây thực sự là nguồn lực quý báu để KTNN tăng cường thêm năng lực tổ chức và hoạt động của mình. Thông qua các dự án hợp tác kỹ thuật và chương trình hợp tác, hoạt động tăng cường năng lực mang tính thực tiễn cao, theo hướng “cầm tay chỉ việc” đã hỗ trợ rất thiết thực đối với kiểm toán viên của KTNN. Bên cạnh đó, chất lượng kiểm toán cao theo đề nghị của KTNN cũng đòi hỏi KTNN ngày càng hoàn thiện chính mình để đáp ứng yêu cầu quốc tế.

Có thể khẳng định rằng, hoạt động hợp tác quốc tế đã góp phần tích cực và to lớn vào quá trình phát triển của KTNN. Mặc dù ra đời muộn hơn so với một số tổ chức kiểm toán các nước khác nhưng kết quả và thành tựu 25 năm của KTNN Việt Nam có thể nói đó là những thành quả vượt bậc. KTNN ngày càng có vị thế và uy tín trên các diễn đàn khu vực và thế giới, góp phần tạo dựng uy tín, vị thế của Việt Nam trên thế giới, góp phần chung vào sự nghiệp đổi mới đất nước cũng như tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. 

Hợp tác song phương, đa phương và hợp tác với các nhà tài trợ đã và đang tạo điều kiện tốt để KTNN tiếp thu, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm kiểm toán nhằm tăng cường năng lực nội bộ, đồng thời góp phần thực hiện hội nhập quốc tế trên tư cách thành viên trách nhiệm và đóng góp thực chất. Trong thời gian tới, hoạt động đối ngoại của KTNN sẽ tiếp tục được tăng cường đáp ứng nhu cầu phát triển của KTNN cùng xu thế liên kết, hợp tác khu vực và toàn cầu theo tinh thần của INTOSAI: Trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau mang lại lợi ích cho tất cả.

Dự kiến Chiến lược phát triển hợp tác quốc tế 2020-2030 và tầm nhìn 2035, KTNN tiếp tục duy trì và mở rộng cơ chế hợp tác song phương với KTNN các nước; tăng cường tham gia sâu, tích cực các hoạt động hợp tác đa phương, đảm nhiệm các vị trí, nhiệm vụ quan trọng trong các tổ chức quốc tế và khu vực; tranh thủ tối đa các điều kiện quốc tế thuận lợi để giúp KTNN ngày càng phát triển, tiệm cận các tiêu chí, quy trình, chuẩn mực kiểm toán chung một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất; đồng thời ngày càng nâng cao vị thế, uy tín của KTNN trên thế giới và khu vực.

NGUYỄN TUẤN ANH
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước

Theo Báo Kiểm toán số 27+28

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201