Thứ Bảy, 20/4/2024 - 19:14:40 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Hoàn thiện các tiêu chí đánh giá hiệu quả phòng, chống tham nhũng của Kiểm toán nhà nước

THỨ SÁU, 07/01/2022 14:45:00 | KIỂM TOÁN TRONG NƯỚC
(BKTO) - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung đã nhấn mạnh yêu cầu này tại buổi nghiệm thu Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Giải pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm, hiệu quả của KTNN trong phòng, chống tham nhũng đáp ứng yêu cầu của tình hình mới” sáng 07/01, tại Hà Nội.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung đánh giá: Đề tài có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cao. Ảnh: HỒNG NHUNG


Đề tài do CN. Nguyễn Đức Tín - Kiểm toán trưởng KTNN khu vực V và ThS. Nguyễn Viết Hùng - Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực V - đồng chủ nhiệm.

Theo Ban Đề tài, với địa vị pháp lý là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, KTNN có vai trò quan trọng trong phòng, chống tham nhũng (PCTN).

Thông qua kiểm toán, KTNN đã góp phần PCTN, nâng cao hiệu quả sử dụng tài chính công, tài sản công. Mặc dù chất lượng kiểm toán không ngừng được cải thiện, nhất là những năm gần đây song KTNN chưa phát huy được đầy đủ vai trò, trách nhiệm của mình trong cuộc đấu tranh PCTN ở nước ta hiện nay.

Để nâng cao vai trò, trách nhiệm của KTNN trong PCTN, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN đã bổ sung nhiệm vụ của KTNN “Thực hiện nhiệm vụ PCTN theo quy định của Luật PCTN”.

Đặc biệt, Luật PCTN năm 2018 đã quy định: KTNN có trách nhiệm kiểm toán nhằm phòng ngừa, phát hiện tham nhũng; kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo quy định của pháp luật; xác minh, làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện trong quá trình kiểm toán.

Đồng thời, lần đầu tiên, Luật PCTN năm 2018 bổ sung quy định về trách nhiệm pháp lý do không phát hiện có vụ việc tham nhũng xảy ra tại cơ quan, tổ chức, đơn vị đã tiến hành kiểm toán. Điều đó đòi hỏi KTNN phải xác định PCTN là sứ mệnh, đồng thời là một nhiệm vụ quan trọng của mình. Do vậy, việc nghiên cứu Đề tài này có tính cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn.
 

Ban Đề tài trình bày kết quả nghiên cứu. Ảnh: HỒNG NHUNG


Đề tài được kết cấu thành 3 chương: Chương I: Cơ sở lý luận về vai trò, trách nhiệm, hiệu quả của cơ quan KTNN trong PCTN; Chương II: Thực trạng về vai trò, trách nhiệm, hiệu quả của KTNN Việt Nam trong PCTN; Chương III: Quan điểm và giải pháp nâng cao vai trò, trách nhiệm, hiệu quả của KTNN trong PCTN.

Các thành viên Hội đồng nghiệm thu đánh giá Đề tài có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cao, nhất là trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta đang đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí. Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN, Luật PCTN năm 2018 với nhiều quy định mới về nâng cao vai trò, trách nhiệm của KTNN trong PCTN.

Đề tài đã làm rõ và hệ thống hóa những vấn đề lý luận về vai trò, trách nhiệm, hiệu quả của KTNN trong PCTN; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và vai trò, trách nhiệm, hiệu quả của KTNN trong PCTN; đồng thời làm rõ các nhân tố cơ bản ảnh hưởng đến vai trò, trách nhiệm, hiệu quả của KTNN trong PCTN.

Đề tài cũng đã nghiên cứu kinh nghiệm PCTN của các các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới và rút ra bài học kinh nghiệm cho KTNN Việt Nam.

Các thành viên Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao nội dung phân tích làm rõ vai trò, trách nhiệm, hiệu quả của KTNN trong PCTN. Trong đó, Đề tài đã đưa ra 3 tiêu chí đánh giá hiệu quả của KTNN trong PCTN (lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý về PCTN của KTNN; thực hiện các biện pháp phòng ngừa trong nội bộ và hoạt động của KTNN; kết quả phòng ngừa, phát hiện và kiến nghị xử lý hành vi tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán). Đây là nội dung hoàn toàn mới, làm phong phú thêm lý luận về vai trò, trách nhiệm và hiệu quả PCTN của KTNN.

Với mong muốn Đề tài hoàn thiện hơn, các thành viên Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban Đề tài đánh giá cụ thể hơn về thực trạng, trách nhiệm của KTNN trong PCTN, những việc phải làm, mặt làm được, chưa làm được; bổ sung quan hệ giữa KTNN với các cơ quan chức có chức năng PCTN theo Luật PCTN để có đánh giá đầy đủ.

Bên cạnh đó, Đề tài cần bổ sung kết quả, số liệu vụ việc về PCTN được KTNN phát hiện chuyển cơ quan điều tra; nghiên cứu bổ sung thẩm quyền của kiểm toán viên trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản ngay từ giai đoạn kiểm toán.

Thay mặt Hội đồng nghiệm thu, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung đánh giá Đề tài có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cao; được nghiên cứu bởi một tập thể công chức tâm huyết với nghề nghiệp, có nhiều kinh nghiệm trong công tác kiểm toán, có khả năng phân tích, đánh giá, tổng hợp tốt.

Để hoàn thiện Đề tài, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban Đề tài nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các thành viên Hội đồng để chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện. Trong đó, lưu ý đi sâu nhận diện các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, làm rõ mối quan hệ giữa KTNN với các cơ quan có chức năng PCTN.

Đặc biệt, Ban Đề tài cần hoàn thiện xây dựng các tiêu chí đánh giá hiệu quả PCTN của KTNN bởi đây là nội dung mới, rất thiết thực, chưa từng được nghiên cứu trước đó.

Đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại Xuất sắc./.
HỒNG NHUNG

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201