(BKTO) - Qua kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án Đường nối TP. Hạ Long với cầu Bạch Đằng, KTNN đã đưa ra nhiều đánh giá, kiến nghị liên quan đến công tác quản lý tài chính, kế toán của Ban Quản lý Dự án (QLDA). Kết quả kiểm tra tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán cho thấy, lãnh đạo các đơn vị đã thực hiện kịp thời và có sự kiểm tra, đôn đốc trong việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.
Chấp hành theo quy định, chế độ tài chính, kế toán
Qua kiểm toán, KTNN đánh giá, vốn thực hiện giải ngân đến ngày 30/6/2016 do Ban QLDA Đường nối TP. Hạ Long với cầu Bạch Đằng thực hiện đạt 2.415,4 tỷ đồng. Khối lượng nghiệm thu thanh toán A-B thực hiện đạt 1.614,9 tỷ đồng (bao gồm 5,4 tỷ đồng khối lượng thực hiện của bước chuẩn bị đầu tư). Đáng chú ý, KTNN xác định, cũng đến thời điểm đó, Dự án không phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.
Theo KTNN, việc thực hiện Dự án đã tuân thủ theo Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 30/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn vốn đầu tư công. Hằng năm, đơn vị đã thực hiện bố trí nguồn vốn từ nguồn ngân sách địa phương đảm bảo theo tiến độ thực hiện Dự án. Ban QLDA đã thực hiện tạm ứng tối đa không quá 50% hợp đồng cho các nhà thầu thi công và thực hiện thanh toán khối lượng hoàn thành đảm bảo quy định, không để DN tự bỏ vốn ra thực hiện Dự án. Tuy nhiên, KTNN phát hiện, tại gói thầu XL01 chưa đảm bảo theo quy định về thu hồi tạm ứng tại Điều 8 mục 3(b) của Hợp đồng Xây dựng gói thầu XL01 (tạm ứng 7 tỷ đồng đợt 2 ngày 11/02/2015 khi chưa thu hồi hết tạm ứng của năm trước). Nhưng đến thời điểm kiểm toán, đơn vị đã thu hồi tạm ứng số tiền này.
Bên cạnh đó, đơn vị đã chấp hành các quy định về chi tiêu thường xuyên theo Thông tư số 05/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính “Quy định về quản lý sử dụng các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn NSNN và vốn trái phiếu chính phủ”. Ngoài ra, đơn vị cũng đã ban hành quy chế chi tiêu nội bộ theo quy định.
Trong quản lý, mua sắm, sử dụng, thanh lý tài sản, kinh phí mua sắm tài sản của đơn vị được thực hiện từ nguồn kinh phí QLDA. Tổng kinh phí mua sắm tài sản phát sinh trong năm 2014, 2015, 2016 là 2,49 tỷ đồng. Việc mua sắm tài sản được đơn vị thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước, mở sổ theo dõi sử dụng tài sản trích hao mòn theo quy định. Quy trình thủ tục mua sắm, chứng từ thanh toán đảm bảo theo quy định.
Đơn vị đã lập Báo cáo tài chính và sổ kế toán đầy đủ, kịp thời theo hướng dẫn tại Thông tư số 195/2012/TT-BTC; quyết toán vốn đầu tư xây dựng kết thúc năm niên độ ngân sách thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 210/2010/TT-BTC và thực hiện đối chiếu số liệu cấp phát thanh toán vốn đầu tư với Kho bạc Nhà nước theo quy định.
Công tác đối chiếu công nợ, xác nhận tình hình sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản của đơn vị được thực hiện theo năm. Công tác đối chiếu số dư tiền gửi chi phí QLDA được thực hiện theo tháng. Căn cứ vào hồ sơ thanh toán giai đoạn nghiệm thu, Ban QLDA thực hiện thanh toán và thu hồi tạm ứng, cuối năm có biên bản đối chiếu công nợ…
Điều chỉnh một số sai sót, bất cập theo kiến nghị kiểm toán
Tuy nhiên, qua phát hiện một số sai sót, bất cập của quá trình triển khai thực hiện Dự án, KTNN đã kiến nghị Ban QLDA điều chỉnh sổ kế toán, Báo cáo tài chính của Dự án với số tiền xử lý tài chính 16 tỷ đồng (gồm giảm cấp phát, thanh toán 10,3 tỷ đồng và giảm do chưa đủ thủ tục thanh toán, chờ phê duyệt đơn giá riêng là 5,7 tỷ đồng). Đồng thời, KTNN kiến nghị giảm giá trị hợp đồng 123,8 tỷ đồng (đã bao gồm 72,2 tỷ đồng chuyển sang gói thầu XL-09).
Bên cạnh đó, liên quan đến công tác QLDA đầu tư xây dựng công trình; công tác quản lý tài chính, kế toán, KTNN kiến nghị Ban QLDA phải chấn chỉnh công tác nghiệm thu, thanh toán khối lượng hoàn thành, thanh toán giai đoạn về khối lượng thanh toán, đơn giá thanh toán chưa phù hợp với hồ sơ nghiệm thu. Cùng với việc phải chấn chỉnh công tác quản lý chất lượng thi công xây dựng công trình; công tác quản lý chất lượng về nguồn gốc, vật liệu đắp cho công trình, ghi nhật ký thi công xây dựng công trình, công tác thí nghiệm vật liệu công trình, Ban QLDA phải lập tiến độ chi tiết cho các hạng mục công việc còn lại của Dự án; thương thảo và điều chỉnh lại giá hợp đồng của các gói thầu theo kết quả kiểm toán.
KTNN cũng kiến nghị Ban QLDA phải tăng cường công tác giám sát tại hiện trường của chủ đầu tư và tư vấn giám sát; rút kinh nghiệm trong công tác lập hồ sơ mời thầu, đăng tải thông tin đấu thầu. Cũng trong kết luận kiểm toán, KTNN yêu cầu Ban QLDA phải xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị tư vấn khảo sát thiết kế, thẩm tra, thẩm định đối chiếu với các quy định của hợp đồng để có giải pháp xử lý theo quy định. Đồng thời, rút kinh nghiệm trong công tác khảo sát, lập, thẩm tra phê duyệt thiết kế dự toán với vai trò là đại diện chủ đầu tư; kiểm điểm, rút kinh nghiệm tập thể, cá nhân liên quan đến các sai sót trong công tác quản lý chất lượng thi công; công tác nghiệm thu thanh quyết toán.
Kết quả kiểm tra tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2017 tại Báo cáo kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư Dự án Đường nối TP. Hạ Long với cầu Bạch Đằng cho thấy, một số kiến nghị quan trọng của KTNN đã được các đơn vị tiếp thu, thực hiện. Cụ thể, căn cứ vào số liệu chi tiết tại Báo cáo kiểm toán, các phụ lục hợp đồng và biên bản nghiệm thu giảm trừ khối lượng thanh toán các gói thầu, Ban QLDA đã thực hiện điều chỉnh sổ sách kế toán và các hồ sơ liên quan. Đồng thời, Ban QLDA đã quán triệt, phổ biến triển khai thực hiện nghiêm túc theo kiến nghị của KTNN. Đơn vị cũng đã thương thảo và điều chỉnh lại giá trị hợp đồng trong các lần thanh toán tiếp theo; tổ chức họp kiểm điểm rút kinh nghiệm tập thể, cá nhân liên quan đến các sai sót trong công tác quản lý chất lượng thi công, công tác nghiệm thu thanh quyết toán… Đối với kiến nghị xử lý tài chính khác tổng số tiền 130,9 tỷ đồng, các đơn vị đã thực hiện 104,3 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ thực hiện đạt 80%.
PHÚC KHANG
Theo Báo Kiểm toán số 26 ra ngày 27-6-2019