(BKTO) - Những năm gần đây, kiểm toán chuyên đề (KTCĐ) đang là hướng đi đúng đắn được KTNN chú trọng phát triển. Với lợi thế phạm vi kiểm toán rộng, đánh giá kết quả thực hiện cả một giai đoạn, kết quả của cuộc KTCĐ đã chỉ rõ các bất cập của cơ chế, chính sách hiện hành. Theo đó, KTNN cần đổi mới cách tiếp cận KTCĐ để có nhiều kiến nghị về những bất cập của cơ chế, chính sách.
Từ cuộc kiểm toán đạt chất lượng “Xuất sắc”…
Thực tiễn triển khai các cuộc kiểm toán trong thời gian qua đã đặt ra những yêu cầu ngày càng cao đối với KTNN. Theo đó, bên cạnh việc phát hiện các sai sót số liệu tài chính, KTNN cần có nhiều phát hiện, nhận xét, đánh giá làm nổi bật được sự bất cập của cơ chế, chính sách, để thông qua đó đưa ra những kiến nghị mang tầm quản lý vĩ mô. Để đáp ứng được yêu cầu này, KTNN đã đẩy mạnh KTCĐ. Cuộc KTCĐ thường có phạm vi kiểm toán rộng trên địa bàn cả nước, đánh giá kết quả thực hiện cả giai đoạn (thông thường 4 - 5 năm). Đây là khoảng thời gian đủ để chứng minh sức sống, khả năng đi vào cuộc sống của một chính sách, một đạo luật hay các văn bản quy phạm pháp luật; những hạn chế, bất cập cũng được bộc lộ nên cần phải có đánh giá, kiến nghị. Theo đó, giai đoạn 2019-2021, KTNN đã thực hiện 77 cuộc KTCĐ, chiếm 14,56% số cuộc kiểm toán toàn Ngành.
Năm 2021, trên cơ sở kết quả thảo luận của đại biểu Quốc hội, KTNN đã giao KTNN chuyên ngành V xây dựng và thực hiện cuộc KTCĐ: “Việc quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng thủy điện nhỏ giai đoạn 2016-2020”. Đây là cuộc kiểm toán mới, lần đầu tiếp cận nhưng trong thời gian ngắn vừa làm, vừa tham khảo, vừa xây dựng Đề cương kiểm toán, nhân sự tham gia kiểm toán ít. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, trách nhiệm cao, kết quả kiểm toán đã đáp ứng được kỳ vọng của KTNN về các vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra. Cuộc kiểm toán được đánh giá đạt chất lượng “Xuất sắc” với các phát hiện nổi bật.
Kết quả kiểm toán đã chỉ ra một số bất cập trong công tác quản lý, điều hành việc quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện nhỏ tại Bộ Công Thương; công tác phối hợp quản lý, điều hành giữa các Bộ, ngành và các địa phương có dự án thủy điện nhỏ. Ngoài ra, cuộc kiểm toán đã phát hiện một số hạn chế, bất cập của chế độ, chính sách và kiến nghị sửa đổi bổ sung một số quy định của 3 bộ Luật: Luật Điện lực, Luật Đất đai và Luật Lâm nghiệp (trong đó, kiến nghị sửa đổi Điều 4 Luật Điện lực đã được Bộ Công Thương tham mưu Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi tại Kỳ họp bất thường, diễn ra từ ngày 04 - 11/01/2022); 1 Nghị quyết của Chính phủ; 2 Thông tư của Bộ Công Thương và 1 Thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả trong việc quy hoạch, đầu tư xây dựng dự án thủy điện nhỏ.
…đến những bài học kinh nghiệm
Kết quả trên đã cho thấy một số bài học kinh nghiệm cần phải được nghiên cứu và nhân rộng, đó là:
KTNN chuyên ngành/khu vực cần chủ động tìm hiểu, nghiên cứu, đề xuất các chủ đề, chuyên đề, lĩnh vực, hình thức kiểm toán phù hợp với yêu cầu giám sát của Quốc hội, thực tiễn quản lý, điều hành của Chính phủ và địa phương cũng như chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng được yêu cầu của dư luận xã hội, chủ động phương án triển khai, bố trí nhân sự phù hợp.
Tăng cường chất lượng công tác khảo sát, thu thập thông tin phục vụ việc lập kế hoạch kiểm toán của cuộc kiểm toán; tăng cường chất lượng công tác thẩm định, phản biện nội bộ. Ưu tiên bố trí nhân sự phù hợp cho đoàn KTCĐ, đặc biệt là những kiểm toán viên có trình độ đào tạo phù hợp với chủ đề, nội dung kiểm toán, có kinh nghiệm thực tiễn.
Theo đó, để thực hiện có hiệu quả hơn nữa các cuộc KTCĐ trong thời gian tới, KTNN cần làm tốt các vấn đề sau:
Thứ nhất, KTNN nói chung, KTNN chuyên ngành/khu vực nói riêng cần bố trí trong dài hạn bộ phận tìm hiểu, nghiên cứu, đề xuất các chủ đề, chuyên đề, lĩnh vực, hình thức kiểm toán trong kế hoạch kiểm toán năm, kế hoạch kiểm toán trung hạn.
Thứ hai, KTNN cần nghiên cứu, đề xuất cơ chế pháp lý hiệu quả cho việc khảo sát thu thập thông tin phục công tác lập kế hoạch kiểm toán năm, kế hoạch kiểm toán của cuộc kiểm toán tránh tình trạng không hợp tác của các đơn vị có liên quan trong trường hợp chưa ban hành quyết định kiểm toán.
Thứ ba, cần tiếp tục phát huy cơ chế cộng tác viên của KTNN để tranh thủ ý kiến chuyên gia từ các Bộ, ngành, hội nghề nghiệp hoặc các viện nghiên cứu nhằm cung cấp thông tin, phản biện xã hội đối với từng chuyên đề, lĩnh vực kiểm toán nhằm nâng cao chất lượng công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán.
Thứ tư, KTNN chuyên ngành/khu vực cần lựa chọn các kiểm toán viên trong quá trình thực hiện kiểm toán có năng lực kinh nghiệm, có hiểu biết đánh giá tầm vĩ mô, tổng hợp, đánh giá chính sách tốt đề xuất lãnh đạo KTNN tiếp tục có định hướng đào tạo chuyên sâu và tạo các điều kiện tối đa để thực hiện nhiều hơn các cuộc KTCĐ, đảm bảo hiệu quả.
Việc đẩy mạnh các cuộc KTCĐ được xem là một loại hình hoạt động kiểm toán chuyên sâu một lĩnh vực có sử dụng nguồn lực tài chính công, tài sản công, từng bước cụ thể hóa “Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030”, góp phần xây dựng KTNN xứng đáng là cơ quan kiểm toán tài chính công, tài sản công có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng được yêu cầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.n
NGUYỄN TẤT THẮNG
KTNN chuyên ngành V