Thứ Sáu, 19/4/2024 - 13:14:33 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Cần phân bổ nhân lực phù hợp với đặc thù của cuộc kiểm toán dự án đầu tư

THỨ NĂM, 18/10/2018 10:25:00 | KIỂM TOÁN TRONG NƯỚC
(BKTO) - Từ khoảng 7 - 8 năm trước, lĩnh vực kiểm toán dự án đầu tư đã là một niềm tự hào của KTNN trước các đoàn khách quốc tế. Nhiều đoàn khách đến từ các cơ quan kiểm toán tối cao của khu vực ASEAN đã bày tỏ sự ngưỡng mộ và mong muốn KTNN Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm về lĩnh vực này, đặc biệt là vấn đề phân bổ nguồn nhân lực. Làm sao để việc sắp xếp nhân lực vừa cân bằng, vừa đáp ứng được yêu cầu riêng biệt của từng cuộc kiểm toán?


KTV nhà nước làm việc tại hiện trường - Ảnh: Thanh Tùng
 
Phân bổ nhân lực thế nào là hợp lý? 

Đối với một cuộc kiểm toán dự án đầu tư, bên cạnh việc kiểm toán công tác tài chính, kế toán, quản lý chi phí, bồi thường hỗ trợ... thì còn rất nhiều nội dung chính liên quan đến vấn đề kỹ thuật, mang đặc thù của lĩnh vực đầu tư xây dựng, như: công tác khảo sát, lập, thẩm tra, thẩm định và phê duyệt thiết kế, dự toán; lựa chọn nhà thầu; quản lý, thẩm định chất lượng, khối lượng thi công xây dựng;... Thực tế, để đáp ứng những yêu cầu cơ bản trên, KTNN đã không chỉ sử dụng lực lượng kiểm toán viên (KTV) có chuyên môn tài chính kế toán mà còn phân bổ một cách hợp lý đội ngũ kỹ sư - kỹ thuật trong mỗi đoàn kiểm toán.

Theo đánh giá của đại diện KTNN chuyên ngành IV, hiện nay, các KTV, kể cả chuyên môn kỹ sư - kỹ thuật và chuyên môn tài chính kế toán am hiểu kỹ thuật, đều có khả năng thực hiện phần lớn các nội dung công việc nêu trên. Tuy nhiên, khi phân tích kỹ từng nội dung chi tiết, chúng ta sẽ thấy có khoảng 60% nội dung sẽ phù hợp hơn với KTV thuộc chuyên môn kỹ sư - kỹ thuật và 40% nội dung phù hợp hơn với KTV thuộc chuyên môn tài chính kế toán.

Khi mới thành lập, lực lượng nòng cốt của KTNN chuyên ngành IV chủ yếu là các KTV có chuyên môn tài chính kế toán (chiếm khoảng 90%), được giao thực hiện nhiệm vụ kiểm toán các dự án đầu tư và kiểm toán báo cáo tài chính các DN. Vào giai đoạn 2010-2017, tỷ lệ giữa kỹ sư - kỹ thuật so với tài chính kế toán trong đơn vị là 70/30. Đến thời điểm hiện tại, gần 100% KTV ở đây đã được đào tạo về kỹ sư - kỹ thuật. Khi KTNN chuyên ngành IV thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính các DN, các KTV có chuyên môn tài chính kế toán sẽ là lực lượng nòng cốt, còn khi kiểm toán các dự án đầu tư, các KTV này sẽ được giao thực hiện kiểm toán những nội dung liên quan đến tài chính kế toán và các gói thầu có giá trị nhỏ, chi phí khác. Lúc đó, các KTV có chuyên môn kỹ sư - kỹ thuật thường được giao kiểm toán các gói thầu xây lắp có giá trị lớn và quan trọng. 

Hiện tại, KTV chuyên ngành IV và V có cơ cấu tổ chức, tỷ lệ giữa kỹ sư - kỹ thuật với tài chính kế toán tương tự nhau, do đó, việc sử dụng tỷ lệ KTV giữa hai chuyên môn cũng có nhiều nét tương đồng. Đối với các KTNN chuyên ngành khác và các KTNN khu vực, cơ cấu thường là có một phòng kiểm toán đầu tư dự án. Khi các đơn vị thực hiện kiểm toán dự án đầu tư, phòng kiểm toán này sẽ là lực lượng nòng cốt. Về cơ bản, các công việc lập kế hoạch, lập báo cáo thường được giao cho các KTV có chuyên môn kỹ sư - kỹ thuật thực hiện.

Nhân sự cuộc kiểm toán cần phân công theo năng lực thực tế

Một KTV thuộc Phòng Kiểm toán dự án 4 của KTNN chuyên ngành IV cho rằng: Việc sử dụng nguồn lực KTV khi kiểm toán các dự án đầu tư như hiện nay được đánh giá là có cả ưu điểm lẫn nhược điểm. Về ưu điểm, cách làm này đã phát huy thế mạnh về trình độ chuyên môn được đào tạo của từng KTV, tạo ra tính chuyên môn hóa cao. Mỗi KTNN  chuyên ngành sẽ có những lực lượng nòng cốt với trình độ chuyên môn phù hợp để đảm nhận những nhiệm vụ, công việc chính mà chuyên ngành đó được giao phó. 

Nhưng mặt khác, việc sử dụng đó cũng gây nên một số nhược điểm, như: tạo ra sự phân biệt giữa nhóm tài chính và nhóm kỹ sư - kỹ thuật; KTV chuyên môn tài chính kế toán khó có điều kiện thực hiện kiểm toán các gói thầu có giá trị lớn (được đánh giá là quan trọng), từ đó sẽ hạn chế những cơ hội học hỏi, phát triển thêm kỹ năng cá nhân cũng như đa dạng hóa trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Hiện đang có hai quan điểm trái ngược nhau về vấn đề này. Một quan điểm cho rằng, trong cuộc kiểm toán dự án đầu tư, chuyên môn được sử dụng nhiều nhất và hợp lý nhất nên là kỹ sư - kỹ thuật. Nhưng ngược lại, một quan điểm khác lại quả quyết: cơ cấu về chuyên môn nghiêng nhiều về kỹ sư - kỹ thuật như vậy là không hợp lý, là chưa tối ưu.

Theo quy định tại Điều 21 Luật KTNN năm 2015, KTV nhà nước phải bảo đảm các tiêu chuẩn của công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành kiểm toán, kế toán, tài chính, ngân hàng, kinh tế, luật hoặc chuyên ngành khác có liên quan trực tiếp đến hoạt động kiểm toán. Bên cạnh đó, theo quyết định số 05/2016/QĐ-KTNN ngày 15/9/2016 của KTNN, quy định về việc cấp thẻ KTV nhà nước cũng không chia tách và phân biệt chuyên môn đào tạo, tất cả đều là ngạch KTV. 

Từ những lý do trên, đại diện của KTNN chuyên ngành IV nêu rõ: Chúng ta không thể nhận định, hoặc đánh giá một chuyên môn nghiệp vụ nào đó là chủ yếu, là thế mạnh. Bất cứ một cuộc kiểm toán nào cũng cần phải dựa theo chuẩn mực kiểm toán, dựa theo yêu cầu thực tế để xem xét năng lực chuyên môn, bao gồm trình độ, kinh nghiệm thực tế của KTV.

Đại diện KTNN chuyên ngành IV đã đưa ra đề nghị: Việc phân công nhân sự tham gia cuộc kiểm toán không nên cứng nhắc theo bằng cấp của KTV mà phải theo năng lực thực tế. Có thể mạnh dạn, chủ động giao cho các KTV chuyên môn tài chính kế toán thực hiện những công việc mà bình thường vẫn được giao cho KTV có trình độ chuyên môn kỹ sư - kỹ thuật. Cần khuyến khích các KTV có chuyên môn kỹ sư - kỹ thuật học hỏi thêm về chuyên ngành tài chính kế toán và ngược lại. Về công tác đào tạo, bồi dưỡng, các KTV phải được bồi dưỡng một cách cân bằng để tạo ra tính đồng đều và quy chuẩn trong các KTV nhà nước.

NGUYÊN SƠN (ghi)
Theo Báo Kiểm toán số 42 ra ngày 18-10-2018

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201