Thứ Sáu, 26/4/2024 - 10:45:50 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

4 rủi ro kiểm toán cuối năm 2020 trong môi trường Covid-19

THỨ HAI, 09/11/2020 08:10:00 | KIỂM TOÁN TRONG NƯỚC
(BKTO) - Cuối năm thường là thời điểm nước rút khi các kiểm toán viên (KTV) bắt đầu chuyển hướng sang nhóm khách hàng là các DN với năm tài chính kết thúc. Đặc biệt, trong năm 2020, nhiều DN bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Vì vậy, KTV gặp những thách thức riêng khi kiểm toán những khách hàng này, thậm chí, một số lĩnh vực có thể tiềm ẩn rủi ro cao về sai sót trọng yếu.


KTV gặp nhiều thách thức khi kiểm toán các DN bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Ảnh minh họa

Theo nhận định của Hội Kế toán viên công chứng Hoa Kỳ (AICPA), trong môi trường Covid-19, KTV cần xem xét 4 vấn đề khi chuẩn bị kiểm toán các DN, bao gồm:

Rủi ro liên quan đến kiểm soát nội bộ

Sau khi nhiều quốc gia trên thế giới ban hành các lệnh về cấm nhập cảnh, giãn cách xã hội từ khoảng tháng 3 và tháng 4/2020, nhiều DN đã phải chuyển từ môi trường văn phòng sang làm việc từ xa. Điều này có thể dẫn đến những rủi ro liên quan đến việc chuyển đổi các quy trình báo cáo tài chính từ trực tiếp sang ảo và nguy cơ đổ vỡ trong kiểm soát nội bộ. Trong trường hợp này, các KTV thường được yêu cầu đánh giá về việc thiết kế và thực hiện các biện pháp kiểm soát của từng khách hàng thông qua các xét đoán chuyên môn của mình. Theo đó, KTV cần xem xét điều gì có thể dẫn đến sai sót từ góc độ báo cáo tài chính và liệu các biện pháp kiểm soát nhất định có thể giảm thiểu những rủi ro đó hay không.

Các biện pháp kiểm soát nội bộ DN có thể đã thay đổi đáng kể trong thời gian đại dịch để phù hợp với lực lượng làm việc từ xa và quy trình mới. Vì vậy, KTV có thể được yêu cầu thực hiện hai cuộc đánh giá khác nhau về việc thiết kế, thực hiện các biện pháp kiểm soát được áp dụng trước đại dịch và sau khi đại dịch bắt đầu. Điều này phụ thuộc vào bản chất của việc kiểm soát và cách thức đại dịch ảnh hưởng đến hoạt động của DN. 

Nếu trước đây, KTV có thể tin tưởng vào tính hữu hiệu từ hoạt động kiểm soát nội bộ thì khi hệ thống kiểm soát này ngừng hoạt động trong thời gian xảy ra đại dịch, cách tiếp cận như vậy không còn khả thi nữa. Trong trường hợp đó, KTV cần sửa đổi bản chất, thời gian và phạm vi của thử nghiệm cơ bản để thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp. Sau khi phát hiện những khiếm khuyết và yếu kém trọng yếu trong kiểm soát nội bộ đối với báo cáo tài chính, KTV cần có thông báo bằng văn bản cho ban quản trị.  

Nguy cơ gian lận

Covid-19 đã gây ra một cơn bão thực sự đối với rủi ro gian lận và các KTV nên cảnh giác cao độ trên ba phương diện. Cụ thể, nhiều DN chịu ảnh hưởng về mặt kinh tế do Covid-19 bùng phát nên các nhân viên có thể bị gây áp lực phải thực hiện các bút toán gian dối để duy trì sự tồn tại của công ty. Ngoài ra, bản thân nhân viên cũng có thể cảm thấy áp lực khi tình hình tài chính cá nhân của họ xấu đi hoặc chính họ và người thân bị sa thải dẫn đến việc cố tình gian lận nhằm bù vào thu nhập bị mất.

Một khía cạnh khác là các sai sót trong kiểm soát nội bộ đối với báo cáo tài chính có thể tạo cơ hội cho sự gian lận hoặc biển thủ tài sản. Ví dụ, nếu bộ phận kế toán của DN đột nhiên không thể truy cập vào hệ thống của họ và phải thực hiện biện pháp kiểm soát thủ công, rủi ro sẽ xuất hiện ở đây và KTV nên tiếp cận nội dung này.

Bên cạnh đó, các nhân viên có thể hợp lý hóa hành vi gian lận với quan điểm là chỉ thay đổi các con số để giúp công ty tồn tại hoặc họ sẽ trả lại khoản này ngay khi mọi thứ trở lại bình thường. Vì vậy, khi lập kế hoạch, đoàn kiểm toán cần xem xét mọi rủi ro gian lận tiềm ẩn có thể ảnh hưởng trọng yếu đến báo cáo tài chính. KTV cần hiểu rõ về các hành động mà ban giám đốc đã thực hiện để giảm thiểu những rủi ro đó và đánh giá liệu các thủ tục kiểm toán mà họ đã lập kế hoạch có cần được điều chỉnh hay không.

Không tuân thủ luật pháp 

Trong đại dịch, nhiều DN nhỏ nhận thấy cần phải thực hiện các thủ tục để được tham gia vào chương trình hỗ trợ kích thích kinh tế của Chính phủ. Tất nhiên, các chương trình hỗ trợ đặc biệt này thường có những quy định khắt khe nhằm đảm bảo việc sử dụng hợp lý nguồn tài trợ. Vì vậy, các DN sẽ có nguy cơ cao trong việc vô tình hoặc cố ý không tuân thủ các quy định pháp luật. 

Do vậy, bên cạnh việc lưu ý các rủi ro gian lận nêu trên, KTV cần nhận thức được rủi ro tiềm tàng đối với các quy định pháp luật có thể ảnh hưởng trọng yếu đến báo cáo tài chính. Trong bối cảnh đó, KTV nên xem xét cách phản ứng, giảm thiểu rủi ro của ban lãnh đạo DN và đánh giá tính thích hợp của các thủ tục tài chính kế toán. 

Kiểm toán ước tính kế toán

Vấn đề nữa có thể gây ra rủi ro cao cho các DN cuối năm 2020 là kiểm toán các ước tính kế toán. Các rủi ro liên quan đến việc ghi nhận doanh thu có thể đặc biệt nghiêm trọng, nhất là doanh thu từ hợp đồng với khách hàng trong năm đầu tiên thực hiện. Ngoài các ước tính liên quan đến việc ghi nhận doanh thu, KTV có thể nhận thấy rằng các lĩnh vực kiểm toán khác như dự phòng cho các tài khoản nghi ngờ có thể tiềm ẩn rủi ro sai sót trọng yếu cao.

Cuối cùng, KTV có thể đánh giá các ước tính của ban giám đốc trong những năm trước bằng cách xem xét các kết quả lịch sử hoặc các biện pháp khác. Các cuộc kiểm toán vào thời điểm kết thúc năm 2020 có thể phải sử dụng chuyên gia định giá.

THÙY LÊ

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201