Thứ Ba, 19/3/2024 - 18:25:11 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Cần có biện pháp hữu hiệu nhằm tránh thất thoát thuế do hành vi chuyển giá gây nên

THỨ TƯ, 25/07/2018 17:05:00 | CÔNG LUẬN VÀ KIỂM TOÁN
(BKTO) - Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nhấn mạnh: Chuyển giá thông qua các hình thức giao dịch thương mại khác là hình thức phổ biến nhất hiện nay về chuyển giá. Cần có biện pháp hữu hiệu để tăng thu cho ngân sách, tránh thất thoát thuế do hành vi chuyển giá gây nên.


Toàn cảnh Hội thảo - Ảnh: KT

Ở Việt Nam, cách đây khoảng chục năm, “chuyển giá” vẫn là một khái niệm mới lạ, thì hiện nay, nó đã xảy ra không chỉ ở các doanh nghiệp FDI mà còn ở cả các doanh nghiệp trong nước. 

Đây là thông tin được Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc nhấn mạnh tại Hội thảo quốc tế “Chuyển giá – Những vấn đề trong công tác quản lý hiện nay” do Kiểm toán Nhà nước (KTNN) và Hiệp hội Kế toán Công chứng Vương quốc Anh (ACCA) phối hợp tổ chức ngày 19/7.

Chuyển giá dưới hình thức nào?

Tổng KTNN Hồ Đức Phớc chỉ rõ, các hình thức chuyển giá phổ biến hiện nay mà các doanh nghiệp thường sử dụng gồm: Chuyển giá vào giá trị tài sản đầu tư, tức là thống nhất đưa giá tài sản góp vốn cao hơn giá thị trường nhằm giảm bớt nghĩa vụ nộp thuế trong tương lai; Chuyển giá ẩn trong thu nhập; Chuyển giá đa chiều; Chuyển giá thông qua các hình thức giao dịch thương mại khác.

Trong đó, ông nhấn mạnh: “Chuyển giá thông qua các hình thức giao dịch thương mại khác là hình thức phổ biến nhất hiện nay về chuyển giá. Cần có biện pháp hữu hiệu để tăng thu cho ngân sách, tránh thất thoát thuế do hành vi chuyển giá gây nên”.

Theo ông Hồ Đức Phớc, chuyển giá không những là một hình thức gây thất thu ngân sách lớn mà còn làm méo mó môi trường kinh doanh, tạo ra sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế và chứa đựng nhiều rủi ro khác.

Trong tham luận gửi tới Hội thảo, ông Nguyễn Anh Tuấn, Kiểm toán trưởng, KTNN Chuyên ngành VI phân tích rõ thực trạng chuyển giá ở Việt Nam thời gian qua. Trong đó, đối với các công ty FDI, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, khu vực FDI hiện chưa tạo được sức lan tỏa, mức độ động viên vào ngân sách nhà nước còn thấp, kèm theo đó là các doanh nghiệp FDI luôn báo lỗ và có dấu hiệu lạm dụng chính sách giá chuyển giao nội bộ để chuyển giá quốc tế. Với việc báo cáo lỗ như vậy, đa phần các doanh nghiệp này không phải đóng thuế; bên cạnh đó, lợi dụng những kẽ hở trong những quy định dành cho doanh nghiệp FDI để đề nghị hoàn thuế… Điều này đồng nghĩa với việc ngân sách sẽ mất một khoản thu không nhỏ.

Ngoài ra, qua khảo sát tại một số địa phương, các doanh nghiệp FDI kinh doanh thua lỗ thường tập trung vào các ngành nghề: Gia công may mặc; da giày; sản xuất, kinh doanh chè xuất khẩu; công nghiệp chế biến…

Đặc biệt, có đến 90% doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực may mặc ở TP. Hồ Chí Minh có kết quả kinh doanh thua lỗ trong khi hầu hết các doanh nghiệp trong nước cùng ngành nghề đều có lãi. Mặc dù thua lỗ triền miên song các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam vẫn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Điều này cho thấy, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế được mở rộng, tỷ lệ thua lỗ cao tại các doanh nghiệp FDI trong thời gian qua chính là biểu hiện của hoạt động chuyển giá đang diễn ra ngày càng phổ biến, đa dạng, trở thành thách thức lớn đối với cơ quan thuế Việt Nam.

Ông lấy ví dụ: “Minh chứng cho điều này phải kể tới công ty Coca-Cola Việt Nam. Trong 20 năm đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, Coca-Cola liên tục báo lỗ, lỗ lũy kế tính đến 30/9/2011 của công ty lên tới 3.768 tỉ đồng, vượt cả số vốn đầu tư ban đầu là 2.950 tỉ đồng. Vì lỗ liên tục nên doanh nghiệp này không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, trong khi doanh thu liên tục tăng từ 20-30% mỗi năm. Đáng chú ý là dù lỗ lớn nhưng doanh nghiệp này đã có kế hoạch đầu tư thêm 300 triệu USD tại Việt Nam. Hay rõ nét nhất gần đây là câu chuyện liên quan đến siêu thị Metro Việt Nam đang được nghi ngờ chuyển giá thời gian qua. Metro được thành lập từ năm 2001. Cho đến nay, doanh nghiệp này đã phát triển 19 trung tâm bán sỉ trên cả nước nhưng báo lỗ liên tục dù doanh thu tăng liên tục hàng năm. Ngoài ra, còn nhiều doanh nghiệp FDI khác cũng nằm trong diện nghi vấn...”.

Đối với các công ty con (Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ), công ty liên kết, ông Nguyễn Anh Tuấn thông tin, chỉ tính trong giai đoạn 2011 - 2015, cả nước sắp xếp được 588 doanh nghiệp, trong đó, cổ phần hóa 508 đơn vị với tổng giá trị là 760.774 tỷ đồng, giá trị thực tế phần vốn nhà nước là 188.274 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 2 năm đầu tiên của giai đoạn 2011-2015 chỉ cổ phần hóa được 25 đơn vị. Năm 2016, năm đầu tiên thực hiện tiến trình cổ phần hóa giai đoạn 2016 - 2020 đã khá hơn, nhờ kinh tế vĩ mô ổn định, thị trường chứng khoán khởi sắc, thuận lợi cho việc bán vốn. Kết quả đã có 56 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với giá trị doanh nghiệp là 34.017 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 24.390 tỷ đồng. Với số lượng và giá trị các doanh nghiệp cổ phần hoá, Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ, đồng nghĩa với việc khả năng chuyển giá giữa các công ty con, công ty liên kết ngày càng cao.

Cần ban hành Luật Kiểm soát chuyển giá

Các đại biểu tham dự Hội thảo đánh giá, hoạt động chuyển giá phức tạp nhưng hành lang pháp lý về chống chuyển giá ở Việt Nam hiện nay vẫn thiếu đồng bộ, chưa bịt kín lỗ hổng, hiệu lực thấp. Việc thực hành pháp luật trong việc chuyển giá chưa hiệu quả, hiệu lực chưa cao.

Theo ông Hồ Đức Phớc, thời gian qua, KTNN đã tích cực thực hiện chức năng, nghĩa vụ của mình trong kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, đã thu hồi hàng trăm ngàn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước. Trong đó, có các khoản kiến nghị tăng thu từ hoạt động chuyển giá của đối tượng kiểm toán. Không chỉ các doanh nghiệp FDI mà đến nay có cả nhiều doanh nghiệp nội địa đã có dấu hiệu rõ ràng của việc chuyển giá làm thất thu ngân sách nhà nước, trong đó có vụ việc tiêu biểu là Sabeco. Dưới góc độ pháp lý, việc kiến nghị của KTNN truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với Sabeco có thể xem như đã gián tiếp chỉ ra một lỗ hổng trong việc quản lý thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, công tác kiểm toán chống chuyển giá chưa bao giờ được đưa ra bàn thảo và triển khai thực hiện một cách chính thức, hệ thống, đầy đủ đúng với bản chất của nó nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật, tăng cường vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước dẫn đến công tác quản lý nhà nước về chuyển giá còn nhiều bất cập và hạn chế.

Ông Hồ Đức Phớc cũng cho rằng, hoạt động chuyển giá đang có diễn biến phức tạp, tinh vi và không ngừng gia tăng không chỉ ở các doanh nghiệp FDI mà ngay cả ở các doanh nghiệp trong nước đã đặt ra những thách thức không nhỏ đối với công tác quản lý nhà nước về hoạt động chuyển giá, trong đó có hoạt động kiểm toán của KTNN. Vì vậy, công tác kiểm toán chống chuyển giá phải cần được nghiên cứu, xem xét một cách hệ thống, bài bản, nghiêm túc, từ đó có cách thức tổ chức kiểm toán hiệu quả hơn, chất lượng kiểm toán được cao hơn, qua đó góp phần kiểm soát chặt chẽ hoạt động chuyển giá của doanh nghiệp, chống thất thu ngân sách nhà nước. “Những vấn đề trong quá trình kiểm toán chống chuyển giá cần được làm rõ từ vấn đề pháp lý đến mục tiêu, nội dung, phạm vi, phương pháp và tổ chức thực hiện kiểm toán đảm bảo hiệu lực, hiệu quả” – Tổng KTNN đề nghị.

Để tăng cường hoạt động KTNN đối với gian lận chuyển giá, PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán – Kiểm toán Việt Nam đề nghị: Cần xác định rõ đối tượng kiểm toán đối với hoạt động gian lận chuyển giá chính là các giao dịch giữa các doanh nghiệp có quan hệ liên kết nhằm thực hiện mục tiêu, chiến lược kinh doanh. Đồng thời, đối tượng kiểm toán gian lận chuyển giá còn là các chủ thể có nghĩa vụ kiểm soát đối với hoạt động chuyển giá ở Việt Nam như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước.

Ông cũng lưu ý, cần nhận thức kiểm toán chuyển giá có sự gắn kết chặt chẽ với kiểm toán báo cáo tài chính, nhưng hoàn toàn không giống với kiểm toán báo cáo tài chính. “Kiểm toán chuyển giá và gian lận chuyển giá cũng cần kiểm tra, đánh giá và xác nhận mức độ tin cậy của thông tin tài chính, nhưng quan trọng hơn là kiểm tra, đánh giá các giao dịch giữa các bên liên kết, giữa các thành viên trong một Tập đoàn, giữa các quốc gia, vùng miền, ngành nghề, có chính sách thuế, chính sách ưu đãi khác nhau” – ông phân tích.

Dưới góc nhìn KTNN, ông Nguyễn Văn Hiệu, Phó Kiểm toán trưởng, KTNN Khu vực IV cho rằng, để tăng cường công tác kiểm soát chống chuyển giá cần xem xét một số giải pháp mang tính chiến lược. Trong đó, trước hết là các cơ quan có liên quan như Tổng cục Thuế cần phải xây dựng cơ sở dữ liệu về giá cả của các loại hàng hoá giữa các công ty độc lập và các công ty liên kết, nhằm tạo cơ sở so sánh giá chuyển giao, từ đó xác định giao dịch chuyển nhượng đó có tuân theo quy tắc thị trường hay không.

Bên cạnh đó, cần xem xét, sửa đổi các quy định có liên quan về quản lý thuế theo hướng cho phép cơ quan thuế có chức năng điều tra, xác minh đối với hoạt động chuyển giá để có thể phối, kết hợp với các cơ quan thuế của các nước trên thế giới trong công tác điều tra chống thất thu do chuyển giá; Ban hành Pháp lệnh hoặc Luật chống chuyển giá.

Ông cũng gợi ý, cần có quy định cụ thể, chế tài xử phạt thích đáng nhằm ngăn chặn và có tính răn đe các doanh nghiệp vi phạm các gian lận về chuyển giá. Trong trường hợp có dấu hiệu, cần chuyển sang cơ quan điều tra để làm rõ các hành vi gian lận.

Nhấn mạnh hành lang pháp lý về chống chuyển giá ở Việt Nam chưa hoàn thiện, PGS.TS Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế - Hải quan, Học viện Tài chính đề nghị: Trước mắt cần bổ sung một điều luật về kiểm soát chuyển giá vào Luật Quản lý thuế, về lâu dài nên ban hành Luật Kiểm soát chuyển giá. Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng nhất cho công tác kiểm soát chuyển giá, không chỉ có ý nghĩa đối với quản lý thuế thu nhập doanh nghiệp mà còn liên quan đến quản lý thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế tài nguyên...

Ông cũng cho rằng, cần có quy định pháp lý cụ thể về các khoản chi từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động kiểm tra, thanh tra và điều tra kiểm soát chuyển giá; hoàn thiện quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng có liên quan với cơ quan thuế trong công tác kiểm soát chuyển giá, đặc biệt là sự phối hợp của các cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài.
 
Theo Kim Thanh
dangcongsan.vn

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Nâng cao năng lực, hiệu quả trong hoạt động kiểm toán

Nâng cao năng lực, hiệu quả trong hoạt động kiểm toán

(BKTO) - Quyết tâm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm 2021, tạo tiền đề thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đến năm 2030, KTNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp, tập trung nâng cao năng lực, đổi mới tổ chức hoạt động kiểm toán, với các giải pháp khắc phục tác động của dịch Covid-19. Đồng thời tiếp tục đổi mới phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu; đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin (CNTT)... Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với ông Trần Sỹ Thanh, Tổng KTNN về các nội dung này.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201