Thứ Bảy, 20/4/2024 - 14:38:54 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Tăng cường đầu tư, xóa phòng học tạm cho trường vùng cao

THỨ TƯ, 20/02/2019 09:00:00 | VĂN HÓA
(BKTO) - Từ nguồn vốn ngân sách T.Ư, ngân sách tỉnh và vốn xã hội hóa, hàng trăm công trình trường, lớp học trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã được đầu tư xây dựng kiên cố. Song, để xóa bỏ các phòng học tạm cho trường vùng cao, địa phương cần tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư theo hướng đa dạng, hiệu quả hơn nữa.


Một trong những cơ sở trường lớp kiên cố, thay thế cho trường tạm bợ trên địa bàn vùng cao tỉnh Lào Cai
 
Nhiều trường vùng cao “thay áo mới”

Tìm về Trường Tiểu học Pa Cheo, phân hiệu Pờ Sì Ngài (xã Bản Xèo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) một ngày cuối năm, chúng tôi vô cùng bất ngờ trước sự thay đổi ấn tượng nơi đây. Vốn là một trong số những ngôi trường thuộc diện khó khăn bậc nhất tại địa bàn vùng cao phía Bắc, nhưng nay, Trường đã “thay áo mới” với vẻ kiên cố, khang trang hòa vào cảnh sắc thiên nhiên lãng mạn, nên thơ. 

Cách đây 5 năm, phóng viên Báo Kiểm toán từng đến thăm và ghi nhận hoàn cảnh khó khăn của Trường cũng như sự nỗ lực vượt khó vươn lên của thầy và trò nơi đây. Sau những thông tin phản ánh về khó khăn của Trường, cũng như vướng mắc trong việc thực hiện quy trình, thủ tục đầu tư xây dựng Trường từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ, các cơ quan chức năng của địa phương đã dành sự quan tâm đặc biệt đến thầy và trò nhà trường. Kết quả, sau nhiều năm chờ đợi, một ngôi trường mới kiên cố đã được xây dựng trên nền trường tạm; con đường đất, đá lổm nhổm được thay thế bằng đường bê tông... Giờ đây, điểm trường này đã là nơi học tập của trẻ mầm non, học sinh tiểu học, song dấu ấn về những ngày bám trường, vận động học sinh kiên trì đến lớp vẫn đẹp mãi trong ký ức của những người từng gắn bó với Trường.  

Đây chỉ là một trong số hàng trăm ngôi trường được xây mới trên địa bàn vùng cao Lào Cai trong những năm qua. Chỉ tính trong năm 2018, Lào Cai có 874 công trình nhà vệ sinh, nhà tắm được đầu tư cho 100% trường trên địa bàn tỉnh, với tổng kinh phí đầu tư trên 106 tỷ đồng. Đến nay, Lào Cai đã có 9/9 trường phổ thông dân tộc nội trú có cấp học trung học phổ thông; 127 trường phổ thông dân tộc bán trú... Kết quả này cho thấy quyết tâm lớn của tỉnh Lào Cai trong việc cải thiện điều kiện cơ sở vật chất, chăm lo cho học sinh các cấp trên địa bàn. Những nỗ lực này còn đưa Lào Cai từ một địa phương có cơ sở vật chất giáo dục nghèo nàn, thiếu thốn trở thành một trong số ít tỉnh có đủ phòng học để tổ chức dạy học và học 2 buổi/ngày đối với các cấp học. 

Mục tiêu xóa phòng học tạm tiếp tục được chú trọng

Những đổi thay tại nhiều trường vùng cao ở Lào Cai là kết quả của việc tăng cường đầu tư cho giáo dục. Theo thống kê, từ năm 1991 - thời điểm tái lập tỉnh - đến năm 2017, con số đầu tư cho ngành giáo dục tỉnh là 8.000 tỷ đồng (trong đó, NSNN là 6.500 tỷ đồng; xã hội hóa và nguồn vốn hợp pháp khác 1.500 tỷ đồng), nguồn vốn ODA trên 433 tỷ đồng, 9 chương trình, dự án được triển khai… Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nguyễn Duy Hải cho rằng, đây là nỗ lực rất lớn của địa phương dành cho giáo dục trong bối cảnh NSNN ngày càng khó khăn. 

Thực tế cho thấy, những nỗ lực đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp tại các địa bàn vùng cao như Lào Cai đã tác động tích cực đến hoạt động giáo dục tại đây. Tuy nhiên, với 2/3 cơ sở giáo dục, giáo viên ở vùng cao, trên 70% học sinh là người dân tộc thiểu số, quy mô đào tạo tăng…, hoạt động giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Lào Cai vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, đầu tư để kiên cố hóa trường lớp tiếp tục là yêu cầu bức thiết. 

Để khắc phục khó khăn, đáp ứng yêu cầu trên, mới đây, tỉnh Lào Cai đã ban hành Kế hoạch đầu tư xây dựng phòng học (xóa phòng học tạm) và nhà ăn, bếp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020. Theo đó, Lào Cai phấn đấu trước ngày 31/8/2020 sẽ hoàn thành Kế hoạch này để trở thành một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành việc xóa phòng học tạm trên địa bàn. Kế hoạch này được triển khai nhằm đảm bảo đáp ứng các điều kiện dạy và học, đặc biệt ở vùng cao, vùng dân tộc thiểu số theo hướng tập trung đầu tư xây dựng ở trường chính... 

Từ năm học 2018-2019, tỉnh Lào Cai có 8 trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn thực nghiệm chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Theo đó, việc đảm bảo cơ sở trường, lớp để triển khai chương trình là vấn đề được địa phương đặc biệt quan tâm. Để đạt được kết quả cao nhất, địa phương cần tiếp tục tăng cường các nguồn lực đầu tư, trong đó ưu tiên huy động tối đa các nguồn lực đầu tư cho cơ sở vật chất trường, lớp; thực hiện lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình... 

Việc hoàn thiện trường, lớp học và nhà công vụ trên địa bàn vùng cao Lào Cai không chỉ thể hiện sự quan tâm tới giáo dục vùng khó mà còn có tính chất quyết định đến việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới của ngành giáo dục, dự kiến áp dụng từ năm học 2020-2021 trên toàn quốc.
Bài và ảnh: NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 07 ra ngày 14-02-2019

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Cần có cơ chế tài chính để thu hút nguồn lực cho hoạt động bảo tồn, phát triển di sản văn hóa

Cần có cơ chế tài chính để thu hút nguồn lực cho hoạt động bảo tồn, phát triển di sản văn hóa

(BKTO) - Góp ý cho Dự thảo đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng cần nghiên cứu, bổ sung các quy định về cơ chế tài chính để thu hút nguồn lực cho hoạt động bảo tồn, phát triển di sản văn hóa.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201