Thứ Năm, 25/4/2024 - 07:03:17 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN để giải phóng nguồn lực tăng trưởng kinh tế

THỨ NĂM, 08/12/2016 09:45:00 | VẤN ĐỀ HÔM NAY
(BKTO) - Cùng nhìn lại những thành tựu và hạn chế trong công tác sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu DNNN thời gian qua, Chính phủ xác định mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020, Nhà nước chỉ nắm giữ 100% vốn, cổ phần chi phối tại DNNN trong những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; địa bàn quan trọng và quốc phòng an ninh; ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội mà DN thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư.


Nhìn lại chặng đường đổi mới, tái cơ cấu DNNN

Tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn 2016-2020, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN Lê Mạnh Hà cho biết, sau 15 năm sắp xếp lại, DNNN đã giảm mạnh về số lượng, đặc biệt là những DN quy mô nhỏ và kém hiệu quả, DN ở các lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ vốn. Năm 2001, vốn nhà nước tại các DNNN dàn trải trên 60 ngành, lĩnh vực thì đến nay chỉ còn tập trung vào 19 ngành, lĩnh vực. Đại bộ phận DNNN có quy mô vừa và lớn, giảm nhiều về số lượng nhưng tăng năng lực và quy mô. Mặc dù số lượng chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong khu vực DN (khoảng 0,67%) nhưng DNNN vẫn nộp ngân sách đáng kể, đóng góp lớn nhất vào GDP cả nước (DNNN 28,8%; ngoài nhà nước 11,8%; FDI 17,9%).

Cũng theo ông Lê Mạnh Hà, cơ chế, chính sách về đổi mới tổ chức, quản lý DN, về tái cơ cấu DNNN đã được ban hành khá đầy đủ, đồng bộ, tuy nhiên một số cơ chế, chính sách liên quan vẫn chưa được sửa đổi, bổ sung, ban hành kịp thời. Công tác cổ phần hóa DN đã góp phần hoàn thiện và phát triển thị trường vốn, đặc biệt là thị trường chứng khoán. Việc bán đấu giá cổ phần công khai trên Sở Giao dịch chứng khoán đã cung cấp cho thị trường chứng khoán một lượng hàng hóa chất lượng cao; góp phần mở rộng quy mô thị trường, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các DNNN đã tập trung rà soát, loại bỏ những ngành, nghề ít hoặc không liên quan đến ngành, nghề kinh doanh chính, tổ chức lại sản xuất, sắp xếp các đơn vị thành viên. Việc thoái vốn đạt được một số kết quả, tuy nhiên mới chỉ đạt 42% kế hoạch.

Bên cạnh việc ghi nhận những thành quả trong công tác sắp xếp, đổi mới DNNN từ trước đến nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chúng ta mới thoái vốn 5 lĩnh vực, đạt 42%, tức là còn 58% chưa thoái vốn và chúng ta mới cổ phần hóa số vốn được 8%, tức là còn 92% là hoàn toàn vốn nhà nước trong DNNN. Số lượng DNNN có thể giảm đi nhưng tỷ lệ cổ phần hóa rất thấp. Tức là cơ bản chúng ta chưa làm được bao nhiêu, vẫn rất nhỏ lẻ, rất ít, chưa thay đổi được cơ cấu của DN để quản trị tốt hơn.

Quá trình tái cơ cấu các DNNN vẫn chậm và chưa đi vào thực chất
Ảnh: TS

Khắc phục tiến độ tái cơ cấu chậm và đi vào thực chất

Đưa ra ý kiến đánh giá về tiến trình tái cơ cấu DNNN tại Diễn đàn kinh tế 2017 với chủ đề “Cơ hội cho các nhà đầu tư trong tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016-2020”, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI - cho rằng, quá trình cơ cấu lại DNNN vẫn chậm và chưa đi vào thực chất. Các đề án tái cơ cấu của các tập đoàn và các công ty vẫn mang tính đối phó, chưa có cải cách cơ bản.

Cũng tại Diễn đàn này, ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội -cũng chỉ rõ, thách thức lớn nhất đối với việc thực thi cơ chế, chính sách là làm thực chất. Bởi về số lượng chúng ta đã đạt được, tuy nhiên chúng ta lại không đạt đúng bản chất. Thay đổi cơ cấu sở hữu không đạt dẫn tới mô hình quản trị hiện tại của DN không đạt được như mong đợi. Như vậy, vốn và mô hình không đạt được thì lợi nhuận sẽ không đạt được.

Đồng quan điểm này, ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) - nói, so với tốc độ của phát triển của nền kinh tế thì tiến độ cổ phần hóa DNNN bị chậm, việc giảm số lượng chỉ về hình thức, ở đâu đó DNNN vẫn hoạt động theo lối mòn cũ, chưa thay đổi được mô hình quản trị, tính trách nhiệm với hiệu quả đồng vốn chưa cao.

Khẳng định Chính phủ đã nhận thấy những vấn đề đang cản trở tiến trình sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu DNNN, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra những nguyên nhân chủ quan và khách quan tác động, khi kết luận tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn 2016-2020. Nguyên nhân khách quan là vướng mắc về thể chế, về cách làm. Về nguyên nhân chủ quan: thứ nhất, lợi ích cục bộ chính là rào cản lớn đối với tiến trình cổ phần hóa, chưa tạo được động lực thực sự để đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn; thứ hai, chúng ta xây dựng đề án chậm, duyệt đề án cũng chậm, rồi sự phối hợp giữa các Bộ, ban, ngành trong cổ phần hóa, hoàn thiện thể chế, một số chính sách chưa chặt chẽ, chưa ăn ý, chưa kịp thời; thứ ba, mô hình, tổ chức, cơ chế thực hiện chức năng chủ sở hữu Nhà nước còn phân tán, thiếu chuyên nghiệp, phối hợp giữa các cơ quan chức năng còn nhiều vướng mắc, lúng túng.

Do đó, Thủ tướng đã đưa ra 3 yêu cầu lớn về tái cơ cấu DNNN. Thứ nhất, cần tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy cổ phần hóa và tạo môi trường cạnh tranh, cả thị trường đầu vào và đầu ra trong hoạt động của DNNN. Thứ hai, khu vực DNNN phải nhỏ đi, từng DNNN phải mạnh nhưng hiệu quả phải cao hơn, vốn nhà nước phải phát huy tác dụng tốt hơn. Thứ ba, phải tái cơ cấu DNNN, giải phóng nguồn lực để tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững hơn. Cái gì tư nhân làm tốt, thị trường làm tốt thì Nhà nước sẽ rút dần, còn những lĩnh vực cần có vai trò của Nhà nước thì phải tính toán quản lý cho minh bạch, hiệu quả hơn.

Box: Theo báo cáo của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN (Văn phòng Chính phủ), sau 5 năm thực hiện Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới DNNN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã sắp xếp được 591 DN, đạt 96% kế hoạch. Trong đó, cổ phần hóa 499 DN và bộ phận DN (đạt 96,3% kế hoạch), sáp nhập, hợp nhất 48 DN, giải thể 17 DN, phá sản 8 DN, bán, giao 10 DN, chuyển thành công ty TNHH nhiều thành viên 8 DN. Nhìn lại chặng đường 15 năm (2001-2015), tổng số DNNN đã sắp xếp là 5.950 DN, trong đó cổ phần hóa 4.460 DN. Nếu tính thêm số DNNN sắp xếp trong 10 tháng năm 2016 là 60 DN, trong đó cổ phần hóa là 48 DN, thì đến nay tổng số DNNN sắp xếp lại là 6.010 DN, trong đó cổ phần hóa 4.508 DN. Đến hết tháng 10 năm 2016, chỉ còn 718 DNNN, tập trung vào 19 ngành, lĩnh vực.

H.THOAN
 

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

(BKTO) - Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ tầng ozone, khởi động hợp tác quản lý vòng đời các chất F-Gas” do Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp cùng các đối tác tổ chức ngày 24/10, tại Hà Nội.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201