Thứ Bảy, 20/4/2024 - 16:12:30 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Chính sách linh hoạt hơn nhưng nhiều Hợp tác xã vẫn khó tiếp cận vốn

THỨ HAI, 14/10/2019 22:50:00 | PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
(BKTO) - Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã 2019 diễn ra tại Hà Nội ngày 14/10, các chuyên gia khẳng định, việc thay đổi và áp dụng linh hoạt các chính sách tiếp cận vốn, hỗ trợ phát triển đã tạo cơ hội, động lực cho các hợp tác xã (HTX) tự tin, mạnh dạn đầu tư sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy vẫn còn một số bất cập cần có giải pháp tháo gỡ.

Linh hoạt chính sách hỗ trợ tín dụng cho HTX

Theo Luật HTX năm 2012, hai chính sách hỗ trợ tín dụng và Quỹ hỗ trợ phát triển HTX được gộp thành chính sách tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển HTX. So với Luật HTX năm 2003, chính sách này được áp dụng linh hoạt hơn, trong đó Quỹ hỗ trợ phát triển HTX được quy định thêm 2 nhiệm vụ là bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ lãi suất đối với HTX.

Bộ KH&ĐT đánh giá, hiện nay, khu vực kinh tế tập thể bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, được tổ chức tín dụng xem xét cho vay có đảm bảo hoặc không có đảm bảo theo quy định của pháp luật. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước ưu tiên đầu tư tín dụng và đã triển khai, ban hành nhiều cơ chế, chính sách để tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho kinh tế tập thể, HTX trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước có cơ chế, chính sách hỗ trợ ưu đãi tín dụng đối với các HTX nông nghiệp theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 01/8/2015.
 

Các HTX nông nghiệp được thụ hưởng chính sách ưu đãi tín dụng (Ảnh minh họa)- Nguồn: NNVN

Kết quả, trong giai đoạn 2003-2018, doanh số cho vay đối với khu vực kinh tế tập thể đạt 69.147 tỷ đồng, bình quân mỗi năm doanh số cho vay đạt 4.610 tỷ đồng. Nếu như năm 2003, dư nợ cho vay đối với khu vực kinh tế tập thể mới đạt 910 tỷ đồng với 787 khách hàng thì đến năm 2018, con số này lần lượt là 6.269 tỷ đồng (gấp 6,88 lần), 1.808 khách hàng.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2013-2016, dư nợ cho vay đối với HTX theo Nghị định số 55/NĐ-CP đạt khoảng 3.200 tỷ đồng, trong đó cho vay không có tài sản đảm bảo đối với các HTX chỉ đạt khoảng 70 tỷ đồng, cho 35 HTX, chiếm khoảng 2,18% tổng dư nợ cho vay.

Thực tiễn cho thấy, chính sách tín dụng ngân hàng đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của HTX, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho thành viên của HTX. Dư nợ tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể trong thời gian qua có xu hướng tăng đặc biệt là sau quá trình chuyển đổi, tổ chức lại hoạt động theo Luật HTX năm 2012.

Thêm nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển

Cùng với nguồn vốn tín dụng, nguồn hỗ trợ từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX đã được triển khai thành hệ thống từ T.Ư đến địa phương.

Ở T.Ư, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX được giao cho Liên minh HTX Việt Nam quản lý với vốn điều lệ ban đầu do NSNN cấp là 100 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2018, tổng nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX T.Ư là 136,4 tỷ đồng (bổ sung thêm 36,4 tỷ đồng). Tổng doanh số cho vay từ năm 2006 đến nay là 258,7 tỷ đồng cho 110 dự án (70% dự án trong lĩnh vực nông nghiệp và ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa).
 

70% dự án vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX thuộc lĩnh vực nông nghiệp, ở khu vực nông thôn- Nguồn: NNVN

Ngày 22/6/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23/2017/QĐ-TTg, theo đó vốn điều lệ của Quỹ hỗ trợ phát triển HTX do NSNN cấp từ nguồn chi đầu tư phát triển, năm 2018 tăng lên 500 tỷ đồng và đến năm 2020 đạt 1.000 tỷ đồng. Đồng thời, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX được bổ sung thêm nhiệm vụ bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ lãi suất sau đầu tư nhằm hỗ trợ cho các HTX tiếp cận nguồn vốn tín dụng tại các ngân hàng thương mại để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Năm 2019, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX T.Ư đã được ngân sách cấp bổ sung vốn điều lệ 300 tỷ đồng.

Còn ở địa phương, đa số các tỉnh, thành phố đã thành lập được Quỹ hỗ trợ phát triển HTX và bước đầu hoạt động có hiệu quả. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến năm 2018, cả nước có 50/63 tỉnh đã thành lập Quỹ này với tổng nguồn vốn 1.544 tỷ đồng, trong đó NSNN cấp/cho vay 769,7 tỷ đồng, còn lại huy động từ các thành viên, tổ chức, cá nhân và vốn tự bổ sung 774,3 tỷ đồng. 

Tổng doanh số cho vay của các Quỹ HTX địa phương từ khi thành lập đến nay là 10.437 tỷ đồng cho 5.730 lượt HTX và 607.837 lượt Tổ hợp tác, thành viên, người lao động của HTX, dư nợ cho vay là 1.314 tỷ đồng. Theo đánh giá, về cơ bản, các HTX sau khi vay vốn của Quỹ Hỗ trợ phát triển khá hiệu quả, đã tăng trưởng về quy mô và hiệu quả sản xuất kinh doanh: doanh thu, lợi nhuận sau thuế tăng bình quân 50%- 60%; số thành viên tăng bình quân 4%; số lao động tăng bình quân 37%; thu nhập bình quân tăng 35%; số nộp ngân sách tăng bình quân 74%.

Còn bất cập cần tháo gỡ

Tuy nhiên, theo chia sẻ của các địa phương, nhiều HTX khó tiếp cận vốn từ các tổ chức tín dụng do HTX còn hạn chế trong quản trị, điều hành, năng lực tổ chức quản lý hoạt động, quản lý vốn, thiếu công khai minh bạch, chưa thực hiện đúng quy định về quản lý tài chính kế toán, không tuân thủ các nguyên tắc của Luật HTX.

Bên cạnh đó, hiệu quả hoạt động của HTX còn thấp, số lượng dịch vụ ít, chưa đáp ứng kịp sự thay đổi của thị trường… dẫn tới chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh khả thi để tiếp cận vốn ngân hàng. Một số HTX sử dụng không hiệu quả nguồn vốn vay, sử dụng vốn vay sai mục đích, nợ quá hạn kéo dài, có tâm lý ỉ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Một số Ngân hàng thương mại chưa nhiệt tình trong việc tạo điều kiện cho các HTX vay vốn…

Theo Bộ KH&ĐT, việc chuyển đổi, tổ chức lại các HTX còn hình thức; điều lệ và các quy định của pháp luật có liên quan còn chưa hoàn chỉnh nên HTX thiếu cơ sở pháp lý để vay vốn.

Hơn nữa, nguồn vốn được NSNN cấp cho Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX ở T.Ư còn hạn chế, chỉ có 400 tỷ đồng, số vốn huy động đóng góp tự nguyện không đáng kể (chỉ khoảng 367 triệu đồng), trong khi nhu cầu vay vốn hàng năm của các HTX lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, mà thủ tục vay vốn theo quy định còn chặt chẽ, phức tạp.

Đối với các Quỹ hỗ trợ HTX địa phương, việc triển khai cũng gặp nhiều khó khăn do chưa có hành lang pháp lý thống nhất cho việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ nên nhiều địa phương còn lúng túng trong việc thành lập và tổ chức hoạt động. Thêm vào đó, năng lực tài chính của các Quỹ còn hạn chế, nguồn vốn hoạt động thấp, chủ yếu phụ thuộc vào NSNN. Nhân sự triển khai các hoạt động nghiệp vụ về cơ bản còn hạn chế cả về năng lực chuyên môn và kinh nghiệm làm việc nên chất lượng hoạt động tín dụng của Quỹ còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; sự phối hợp hoạt động của Quỹ T.Ư và địa phương còn mờ nhạt, chưa tận dụng, phát huy được hiệu quả của mạng lưới.

PHÚC KHANG

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Cần cập nhật Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030

Cần cập nhật Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030

(BKTO) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đang lấy ý kiến rộng rãi đối với Dự thảo Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ về Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201