Thứ Sáu, 29/3/2024 - 22:25:07 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Đẩy mạnh việc sắp xếp đơn vị hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu quả

THỨ BA, 11/06/2019 15:55:00 | VĂN HÓA
(BKTO) - Để đảm bảo nâng cao hiệu quả phục vụ của các cơ quan hành chính đối với người dân, DN, một trong những nhóm giải pháp quan trọng được xác định là tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước, giảm biên chế, từ đó có điều kiện đầu tư, nâng cao chất lượng bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ.

Giảm rõ rệt các đầu mối, đơn vị hành chính 

Thời gian qua, nhiều văn bản nêu rõ yêu cầu của việc cải cách, tinh gọn bộ máy nhà nước đã được ban hành. Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Kế hoạch số 07-KH/TW của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã nêu nhiều nhiệm vụ, giải pháp để tinh gọn bộ máy, trong đó có tổ chức bộ máy của Chính phủ và chính quyền địa phương. 

Thực tiễn triển khai công tác này thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực, đáng khích lệ. Theo Bộ Nội vụ, so với nhiệm kỳ trước, số lượng vụ, cục, tổng cục thuộc các Bộ, ngành có một số biến động. Cụ thể, số vụ và tương đương có 248 tổ chức, giảm 12 tổ chức. Số đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ, ngành là 102 đơn vị, giảm 8 đơn vị. Ngoài ra, số lượng vụ, cục thuộc các tổng cục cũng có biến động theo hướng giảm, chưa kể việc Bộ Công an giảm 6 tổng cục, 55 cục và tương đương, 20 sở cảnh sát phòng cháy chữa cháy và 819 phòng. Đối với cơ quan thuộc Chính phủ, hiện nay có 52 ban/vụ, giảm 1 tổ chức; 154 đơn vị sự nghiệp, giảm 37 đơn vị. 

Đến nay, có 4 tỉnh thí điểm sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh gồm: Bạc Liêu, Bắc Ninh, Hà Giang, Lào Cai, giảm được 5 cơ quan chuyên môn cấp tỉnh. Cấp huyện có 15 tỉnh, thành thực hiện sắp xếp, giảm 185 phòng chuyên môn. Số biên chế công chức đến nay đã giảm được 6,75% so với số giao năm 2015.

Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, việc giảm các đầu mối, đơn vị hành chính, giảm biên chế đã giúp cho bộ máy nhà nước bớt cồng kềnh, giảm gánh nặng cho ngân sách, từ đó có điều kiện đề đầu tư, nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy. Hiệu ứng tích cực từ việc tinh gọn bộ máy hành chính phần nào được phản ánh qua kết quả Chỉ số Cải cách hành chính năm 2018 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và Chỉ số Hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2018. So với năm 2017, các chỉ số đều tăng điểm. Khoảng cách chênh lệch của các Chỉ số Hài lòng giữa tỉnh cao nhất và tỉnh thấp nhất cũng như Chỉ số Cải cách hành chính giữa Bộ cao nhất và Bộ thấp nhất năm 2018 được thu hẹp đáng kể so với năm 2017. 

Cơ bản hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã 

Triển khai các nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội về việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 32/NQ-CP về kế hoạch thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021. 

Nghị quyết nêu rõ, năm 2019 tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định pháp luật liên quan đến sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định. 

Thông tin về chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã tại cuộc họp báo mới đây, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết, việc sắp xếp trước mắt sẽ tiến hành với cơ quan hành chính cấp huyện, xã. Mặc dù lộ trình sắp xếp là trong giai đoạn 2019-2021, song để sớm ổn định cho các đơn vị cấp huyện, xã tổ chức Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, việc sắp xếp phải cơ bản hoàn thành trong năm 2019. Trong thời gian sắp xếp, các địa phương phải tạm dừng việc bầu, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý và tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ, công chức tại các cơ quan, đơn vị hành chính cấp huyện, xã cho đến khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp. 

Khẳng định tính đúng đắn của chủ trương sắp xếp, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, chủ trương này rất phù hợp nhằm giảm gánh nặng ngân sách, tạo thuận lợi cho bộ máy hoạt động hiệu quả, đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Để tránh việc sắp xếp một cách cơ học, ông Dĩnh cho rằng, việc sắp xếp phải gắn với việc thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức. “Mục tiêu cuối cùng là nâng cao hiệu quả giải quyết công việc của cơ quan hành chính” - ông Dĩnh nói. 

Cũng theo đại diện Bộ Nội vụ, bên cạnh việc ban hành các văn bản quy định về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã, Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương đang được sửa đổi, trong đó tập trung vào vấn đề tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của các thiết chế hành chính. Dự án Luật đang được Quốc hội cho ý kiến và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 8 tới sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Bài và ảnh: NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 23 ra ngày 06-6-2019

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Cần có cơ chế tài chính để thu hút nguồn lực cho hoạt động bảo tồn, phát triển di sản văn hóa

Cần có cơ chế tài chính để thu hút nguồn lực cho hoạt động bảo tồn, phát triển di sản văn hóa

(BKTO) - Góp ý cho Dự thảo đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng cần nghiên cứu, bổ sung các quy định về cơ chế tài chính để thu hút nguồn lực cho hoạt động bảo tồn, phát triển di sản văn hóa.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201