Thứ Sáu, 19/4/2024 - 08:46:31 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Kinh tế việt nam năm 2018: Nhiều tác động từ bên ngoài và bên trong

THỨ HAI, 16/04/2018 09:05:00 | VẤN ĐỀ HÔM NAY
(BKTO) - Tại Tọa đàm công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý I/2018 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội vừa tổ chức, các chuyên gia đều đánh giá cao kết quả tăng trưởng kinh tế của quý I nhưng cũng đưa ra những phân tích quan trọng và khuyến nghị nhiều vấn đề cần lưu ý trong diễn biến kinh tế Việt Nam năm 2018.

GDP tăng thấp hơn theo cách tính của VEPR

Sau khi điểm qua những dấu ấn nổi bật của kinh tế thế giới, TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR - đã dẫn ra số liệu của Tổng cục Thống kê về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam quý I/2018 đạt mức cao nhất trong 10 năm gần đây (7,38%) và phân tích: “Dường như đà tăng trưởng tích cực từ 2 quý nửa sau năm 2017 đã góp phần cho mức tăng trưởng ấn tượng này”.

Tuy nhiên, khi công bố kết quả tính toán tăng trưởng kinh tế bằng Chỉ số hoạt động kinh tế VEPI (Vietnam Economic Performance Index) do VEPR xây dựng, TS. Thành cho biết, GDP chỉ đạt mức 6,6% trong quý I/2018 - cao hơn đáng kể nếu so sánh với chỉ số này các năm trước (năm 2017 đạt 5,77%; năm 2016 đạt 4,89%). 
 

Quang cảnh Tọa đàm

Theo Viện trưởng VEPR, cách tính này dựa trên số liệu về sản lượng điện thương phẩm, kim ngạch xuất nhập khẩu, tăng trưởng tín dụng, đầu tư và chỉ số sản xuất công nghiệp, khác với cách tính của Tổng cục Thống kê.

Cũng đề cập đến cách tính GDP, PGS.TS. Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) cho rằng, Tổng cục Thống kê mới tiếp cận theo phương pháp sản xuất mà chưa tiếp cận tính theo phương pháp thu nhập để phản ánh đúng hơn, đánh giá thực chất hơn chất lượng tăng trưởng.

Tại Tọa đàm, TS. Thành băn khoăn: Mặc dù chỉ số sản xuất công nghiệp đóng vai trò quan trọng giúp GDP tăng trưởng cao trong quý I nhưng số DN mới và việc làm tạo ra mới không tăng tương ứng với tăng trưởng kinh tế. TS. Thành đặt câu hỏi: Phải chăng các DN đã tăng cường ứng dụng công nghệ nên không cần sử dụng nhiều lao động nữa và nền kinh tế vẫn đang phụ thuộc nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nên khu vực tư nhân trong nước không tạo ra được nhiều việc làm mới? Điều mà vị chuyên gia kinh tế này quan tâm là chất lượng tăng trưởng như thế nào và tiền có vào túi của người lao động hay không.

Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh, tốc độ tăng trưởng và chất lượng tăng trưởng làm sao phải giúp cho đông đảo người dân đảm bảo thu nhập, ổn định cuộc sống.

Những khuyến nghị quan trọng

Theo bà Phạm Chi Lan, tuy chỉ số sản xuất công nghiệp quý I tăng ấn tượng nhưng trong tháng 3/2018, chỉ số này quay đầu giảm nên khó dự đoán những tháng tiếp theo sẽ như thế nào. Thêm vào đó, số DN đăng ký thành lập mới của quý I cũng giảm, trong khi số DN tạm ngừng hoạt động lại tăng. Vì thế, bên cạnh việc phải quan tâm đến tình hình kinh tế thế giới, nhất là “cuộc chiến” thương mại Mỹ - Trung Quốc, Chính phủ cần tiếp tục quan tâm tới việc cải cách thể chế để thực hiện hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký kết, giúp DN tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh để tạo thêm giá trị gia tăng.

Đồng thời, Chính phủ cũng cần quan tâm đến các chính sách vĩ mô trong nước để vừa đáp ứng nhu cầu giảm điều kiện, chi phí kinh doanh cho DN, vừa giảm được sức ép về ngân sách đang có xu hướng tăng thu gây khó khăn cho xã hội và DN.

Từ góc độ chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu đã có những phân tích chuyên sâu về các thị trường có ảnh hưởng, tác động mạnh đến kết quả tăng trưởng kinh tế và đưa ra những cảnh báo quan trọng. Theo TS. Hiếu, thị trường vàng năm 2018 sẽ diễn biến ổn định và có thể tăng giá, nhưng nếu mua để đầu cơ thì nên thận trọng.

Đối với thị trường bất động sản, TS. Hiếu nêu rõ, giá bất động sản đang tăng mạnh tại một số khu vực nhưng chủ yếu là đầu cơ. Loại hình bất động sản condotel (căn hộ khách sạn) là phân khúc nhiều rủi ro nhất đối với người mua và nhiều ngân hàng không dám cho vay đầu tư loại hình bất động sản này. 

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu của các ngân hàng thời gian quan dẫn dắt thị trường một cách “đáng ngạc nhiên” và đang trở lại thành cổ phiếu “vua”. Dường như những sai phạm mà các ngân hàng đang bị xử lý (như Ngân hàng Đại dương, Ngân hàng Xây dựng…) hay một số vụ việc người gửi tiền vào ngân hàng bị mất khiến cho lòng tin của khách hàng vào ngân hàng bị lung lay… cũng không ảnh hưởng gì đến cổ phiếu của các ngân hàng.

Theo TS. Hiếu, thị trường chứng khoán đã vượt mốc kỷ lục 10 năm qua và đang có sự tăng quá nhanh từ cuối năm 2017, đầu năm 2018, mà chủ yếu là tăng ở thị trường thứ cấp và tăng của khối ngoại với xu hướng “vào nhanh” - “ra nhanh”. Vì thế, TS. Hiếu e ngại có “bong bóng” và khuyên các nhà đầu tư nên cẩn thận.
 
Dựa trên kết quả tăng trưởng kinh tế quý I là 7,38%, lạm phát tăng 2,66%, VEPR đưa ra dự báo: Tăng trưởng kinh tế quý II sẽ là 6,51%, lạm phát tăng 3,44%; tăng trưởng quý III là 6,84%, lạm phát tăng 3,84%; tăng trưởng kinh tế quý IV là 6,75%, lạm phát tăng 4,21%. Tăng trưởng kinh tế của cả năm 2018 sẽ vào khoảng 6,83%.

HỒNG THOAN
Theo Báo Kiểm toán số 15 ra ngày 12-4-2018

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

(BKTO) - Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ tầng ozone, khởi động hợp tác quản lý vòng đời các chất F-Gas” do Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp cùng các đối tác tổ chức ngày 24/10, tại Hà Nội.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201