Thứ Bảy, 20/4/2024 - 14:19:39 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Biên độ tăng giá xăng dầu trong nước vẫn thấp hơn thế giới

CHỦ NHẬT, 01/05/2022 13:16:17 | VẤN ĐỀ HÔM NAY
(BKTO) - Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2022, trước câu hỏi của báo giới về giải pháp đảm bảo nguồn cung mặt hàng xăng dầu trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã thông tin chi tiết về vấn đề này.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thông tin tại Họp báo. Ảnh: VGP


Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, hiện nay, việc cung ứng xăng dầu từ nguồn trong nước tại 2 Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn và Bình Sơn chiếm 70-75%. Như vậy, chúng ta chỉ nhập khẩu 25-30%.

Tuy nhiên, thị trường xăng dầu trong nước quý I/2022 có nhiều biến động bởi Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, đơn vị chiếm 35-40% thị phần cung trong nước, nhưng đã phải giảm mạnh công suất sản xuất trong tháng 1 và đầu tháng 2, từ 100% xuống 85%, 60% rồi 55%, thậm chí có thời điểm phải dừng sản xuất.

Trong khi đó, tình hình địa chính trị thế giới, đặc biệt là xung đột giữa Nga và Ukraine khiến nguồn cung nhập khẩu gặp khó khăn, giá cả tăng, đặc biệt là chi phí logistics, kể cả các nguồn cung bị hạn chế.

Trong bối cảnh đó, liên Bộ Công Thương-Tài chính đã yêu cầu các DN đầu mối chủ động nhập khẩu, cũng đã tính đến việc giảm công suất của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn.

"Như vậy, quý I không xảy ra hiện tượng không đủ nguồn cung xăng dầu, vẫn bảo đảm xăng dầu cho hoạt động sản xuất kinh doanh" - ông Hải cho biết.

Đến quý II, lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay, sau khi làm việc với Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, xem xét quá trình sản xuất của Nhà máy và việc chưa bảo đảm cung ứng xăng dầu trong nước, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 242/QĐ-BCT ngày 24/02/2022 về việc phân giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong quý II cho 10 tư nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu để bổ sung nguồn thiếu hụt từ Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

"Trong quý II, không tính đến lượng xăng dầu do Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn cung cấp, chúng ta vẫn bảo đảm nguồn cung. Đây là nỗ lực cố gắng của Chính phủ và sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ cũng như liên Bộ Công Thương-Tài chính, các sở ngành cũng như các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu" - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.

Về kế hoạch cung ứng xăng dầu trong nửa cuối năm nay, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, cơ quan này vừa làm việc với Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn và dựa trên cam kết về mức độ cung ứng của nhà máy.

Trên cơ sở này, Bộ sẽ ưu tiên mức độ đó để tiêu thụ trong nước. Phần còn lại nếu thiếu sẽ tiếp tục phân giao cho các đầu mối kinh doanh xăng dầu để nhập khẩu bù vào lượng thiếu hụt.

Về điều hành giá xăng dầu trong nước, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chia sẻ, nhờ sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) liên tục, thời gian qua, dù giá thế giới liên tục tăng, biên độ tăng giá xăng dầu trong nước vẫn ở mức thấp hơn.

Chẳng hạn, trong kỳ điều hành gần đây nhất, ngày 21/4, so với đầu năm 2022, giá xăng dầu thế giới tăng, nhưng giá trong nước chỉ tăng 17,16% đến 39,04%, tùy từng loại xăng dầu nhờ quỹ bình ổn.

Ngoài ra, việc điều chỉnh thuế môi trường 2.000 đồng/lít với xăng và 1.000 đồng/lít với dầu từ ngày 01/4 đến hết năm nay đã giúp hạ nhiệt thị trường.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, thời gian tới, liên ngành Bộ Công Thương-Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu và rà soát để xem có thể giảm thêm thuế cho phù hợp với tình hình chung. Điều quan trọng là bảo đảm nguồn xăng dầu đầu vào cho người dân, DN.

Về dự trữ xăng dầu, lãnh đạo Bộ Công Thương thông tin, hiện có dự trữ trong DN và dự trữ quốc gia. Theo quy định, các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối phải dự trữ đủ 20 ngày, còn DN phân phối phải dự trữ đủ 5 ngày.

"Hiện nay, do khả năng và NSNN còn hạn chế nên liên Bộ Công Thương-Tài chính đang bàn với các Bộ, ngành liên quan để đề xuất những giải pháp phù hợp nhất với tình hình thực tế Việt Nam và NSNN, bảo đảm mức tối đa cho dự trữ xăng dầu phục vụ sản xuất kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của người dân" - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh./.
HỒNG NHUNG


 

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

(BKTO) - Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ tầng ozone, khởi động hợp tác quản lý vòng đời các chất F-Gas” do Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp cùng các đối tác tổ chức ngày 24/10, tại Hà Nội.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201