Thứ Sáu, 29/3/2024 - 20:09:03 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Đã đến lúc Việt Nam phải ưu tiên lựa chọn những dự án FDI phù hợp

THỨ TƯ, 18/09/2019 14:10:00 | VẤN ĐỀ HÔM NAY
(BKTO) - Sau hơn 30 năm thực hiện thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), đến nay, vốn FDI vào Việt Nam đã đạt gần 350 tỷ USD, bình quân tăng trên 20%/năm, đồng thời là khu vực tăng trưởng cao nhất trong nền kinh tế. Tuy nhiên, việc thu hút, quản lý các hoạt động đầu tư nước ngoài vẫn còn nhiều hạn chế và phát sinh những vấn đề mới. Đã đến lúc Việt Nam phải điều chỉnh và rà soát lại dòng vốn này để phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước.

Không khuyến khích các dòng vốn quá mỏng, công nghệ quá thấp

Phát biểu tại Tọa đàm “Nâng cao chất lượng dòng vốn FDI vào Việt Nam”, ông Vũ Đại Thắng - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - đánh giá: Từ những ngày đầu mở cửa, Nhà nước đã có chủ trương mời gọi đầu tư nước ngoài để tận dụng những tiềm năng lợi thế của họ về vốn, công nghệ, thị trường. Thực tế, nguồn vốn đầu tư nước ngoài đã trở thành nguồn lực quan trọng hỗ trợ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đóng góp cho việc tăng năng suất, tăng giá trị lao động.

Tuy nhiên, sau 30 năm, thế và lực của nước ta có nhiều thay đổi, đã đến lúc chúng ta cần ưu tiên lựa chọn những DN, dự án phù hợp về mặt khoa học, công nghệ. Ngoài việc khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài chuyển giao công nghệ, khuyến khích DN nước ngoài mua hàng hóa của DN trong nước, chúng ta đã tập trung đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ DN trong nước.

Ông Vũ Đại Thắng phân tích thêm: Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 đã định vị đầu tư nước ngoài là một thành phần của nền kinh tế, bình đẳng với tất cả thành phần kinh tế khác và phải tuân thủ pháp luật Việt Nam. Với tính chất hữu cơ như vậy, thành phần kinh tế đầu tư nước ngoài nằm trong quy trình hoạch định chiến lược, chính sách phát triển của nước ta. Nghị quyết số 50-NQ/TW cũng đưa ra những mục tiêu khá cụ thể về đầu tư nước ngoài trong giai đoạn tới như: mục tiêu về vốn đăng ký, vốn thực hiện… Các mục tiêu này được đưa ra ở mức độ vừa phải, tránh để khu vực vốn đầu tư nước ngoài lấn át khu vực kinh tế trong nước. “Tổng mức đầu tư của nguồn đầu tư nước ngoài trong giai đoạn tới đặt ra ở mức khoảng từ 20 - 25% tổng mức đầu tư toàn xã hội, đây là mức độ rất vừa phải, bảo đảm tính an ninh, sự tự chủ của nền kinh tế đất nước” - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định.

Nêu thêm ý kiến về vấn đề này, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết: Việt Nam đã trở thành một quốc gia thu hút vốn đầu tư thành công trên thế giới và trong khu vực. Dù vậy, hiệu quả của vốn đầu tư FDI vào nền kinh tế chưa tương xứng với số lượng của mức đầu tư. Trong một chừng mực nào đó, đầu tư FDI không có sự lựa chọn, không những không kết nối được với DN vừa và nhỏ trong nước mà còn có hiện tượng chèn lấn khu vực DN vừa và nhỏ của Việt Nam.

Theo Chủ tịch VCCI, số lượng DN Việt Nam liên doanh với DN FDI chỉ chiếm 2 phần trong 10 phần. Giá trị gia tăng các dự án FDI tạo ra cho nền kinh tế Việt Nam là tương đối thấp. Trong các FDI cũng có sự chuyển giá, có hiện tượng gian lận thương mại nên chúng ta phải có những biện pháp rất chuyên nghiệp, quyết liệt để có thể khắc phục trong thời gian tới. Ngoài ra, chúng ta cũng không nên khuyến khích các dòng vốn ít, nhỏ lẻ, bởi với các lĩnh vực họ làm thì DN vừa và nhỏ trong nước cũng có thể làm. 

Ngoại lực quan trọng nhưng nội lực mới là yếu tố quyết định 

Theo ông Vũ Đại Thắng, việc phân bổ hợp lý trong đầu tư nước ngoài là rất cần thiết. Khu vực nào có hạ tầng phát triển, chúng ta chỉ tập trung khuyến khích, thu hút những dự án có hàm lượng công nghệ cao. Đối với những khu vực còn khó khăn, không chỉ đầu tư nước ngoài mà cả DN trong nước cũng cần đầu tư vào công nghiệp để tạo việc làm cho vùng nông thôn. Đây là điều mà Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị đã chỉ rõ.

Bên cạnh đó, nước ta cũng cần tập trung hỗ trợ thúc đẩy các DN trong nước dần bắt kịp, hướng tới thay thế DNNN về mặt công nghệ, khoa học, quản trị... Thực tế cho thấy, Việt Nam vẫn phải thúc đẩy khu vực đầu tư nước ngoài, nhưng cũng cần ưu tiên tập trung hỗ trợ cho DN trong nước phát triển cao hơn, đó là mục tiêu và đúng như quan điểm của Đảng xuyên suốt từ trước đến nay, ngoại lực quan trọng nhưng nội lực là yếu tố quyết định.

Về các vấn đề ưu đãi, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cơ chế ưu đãi đầu tư cho các DN nói chung vẫn còn lạc hậu, tập trung theo chiều rộng mà không theo chiều sâu. Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần có những nghiên cứu để thay đổi cách tiếp cận theo hướng chỉ ưu đãi với phần giá trị gia tăng được làm trên đất nước Việt Nam, có kết nối với DN Việt Nam về khoa học công nghệ… Còn việc nhập khẩu máy móc, nguyên nhiên vật liệu rồi gia công xuất khẩu đi thì cần phải xem xét lại có nên ưu đãi hay không. Ngược lại, các DN trong nước cũng phải nâng tầm sản phẩm, đáp ứng chuỗi giá trị của các DN đầu tư nước ngoài để có thể tham gia vào chuỗi giá trị đó. 

Đồng quan điểm nêu trên, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, nâng cấp DN Việt Nam là yêu cầu cốt lõi hiện nay. Thời gian qua, năng suất lao động của nước ta không cao và không kết nối được khu vực đầu tư nước ngoài. Lý do quan trọng là khả năng hấp thu công nghệ, trình độ quản trị của Việt Nam thấp. Theo số liệu của Mạng lưới Khởi nghiệp Toàn cầu, Việt Nam đứng trong top 20 nền kinh tế có tinh thần khởi nghiệp cao nhất, nhưng lại nằm trong nhóm 20 nền kinh tế có khả năng hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp thấp nhất. Trình độ quản trị của DN Việt Nam hiện nay là khâu rất yếu. Muốn nâng cao năng lực cạnh tranh DN, không chỉ có vấn đề cải cách thể chế của Nhà nước mà DN phải tự nâng cấp mình. Theo Chủ tịch VCCI, một trong những bài toán khó của các nhà đầu tư nước ngoài là họ không tìm được đối tác ở trong nước để cung ứng linh kiện, phụ tùng mà phải mua ở nước ngoài với chi phí vận tải cao. Nếu được cung cấp ngay trong thị trường nội địa thì tốt hơn rất nhiều.

Tham gia ý kiện tại Tọa đàm, ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng - cho rằng: Việt Nam cần phải xem lại các chính sách ưu đãi, đặc biệt là về tính công bằng. Bên cạnh đó, Luật DN và Luật Đầu tư sắp tới cũng cần có những sửa đổi để thúc đẩy DN trong nước tự chủ động. Bởi hiện nay, các DN trong nước đang “bán cái mình có chứ không phải bán cái người ta cần”, thế nên không thể kết nối được với DN FDI muốn nội địa hóa, không vươn đến được dòng sản phẩm trong chuỗi giá trị của họ. 

Một vấn đề nữa là các địa phương phải chủ động trong việc thu hút FDI dựa vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tập trung làm tốt quy hoạch ở từng khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp; cố gắng phân định những lĩnh vực đầu tư của từng khu công nghiệp riêng để tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư. Tiếp theo là chúng ta sẽ quản lý tốt được vấn đề môi trường, an ninh, từ đó tạo ra mặt bằng chung để trong một địa giới hành chính, các nhà đầu tư hạn chế bớt được chi phí vận tải, hàng hóa, kết nối được các DN cùng ngành nghề, việc sản xuất kinh doanh tạo dựng được môi trường thuận lợi…
THÙY LÊ
Theo Báo Kiểm toán số 37 ra ngày 12-9-2019

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

Đến năm 2045, Việt Nam sẽ giảm 80% mức tiêu thụ HFC

(BKTO) - Thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ tầng ozone, khởi động hợp tác quản lý vòng đời các chất F-Gas” do Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp cùng các đối tác tổ chức ngày 24/10, tại Hà Nội.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201