Thứ Bảy, 20/4/2024 - 11:46:48 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Đề án 911: Kỳ II - Kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý ngân sách, tiền và tài sản nhà nước

THỨ SÁU, 22/06/2018 09:05:00 | KIỂM TOÁN TRONG NƯỚC
(BKTO) - Cùng với việc chỉ rõ bất cập, hạn chế dẫn đến kết quả Đề án “Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sỹ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020” (Đề án 911) triển khai trong giai đoạn 2012-2016 đạt quá thấp so với mục tiêu đề ra, KTNN cũng chỉ rõ những bất cập và kiến nghị xử lý tài chính, chấn chỉnh công tác quản lý ngân sách, tiền và tài sản nhà nước của Đề án này.

Dư và hủy dự toán lớn

Theo kết quả kiểm toán, tổng kinh phí đã sử dụng của Đề án tính đến hết năm 2016 là hơn 1.463,3 tỷ đồng (số liệu trong bài được làm tròn), đạt 28% so với Đề án cùng thời điểm và bằng 10% kinh phí của cả Đề án được xây dựng và phê duyệt.

Qua kiểm toán, KTNN đã chỉ rõ nhiều bất cập trong công tác quản lý, sử dụng kinh phí của Đề án. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chủ trì Đề án nhưng không lập dự toán chung của Đề án do các Bộ, ngành không lập dự toán gửi Bộ GD&ĐT. Bộ GD&ĐT lập dự toán của Bộ thiếu căn cứ nên mặc dù được giao thấp hơn số lập nhưng không sử dụng kịp thời, để dư dự toán hoặc phải hủy lớn, nhất là dự toán năm 2012-2013. Từ 2012-2016, dự toán các đơn vị đề nghị hủy là 537,4 tỷ đồng, trong đó Bộ GD&ĐT là 531,7 tỷ đồng. Ngoài ra, qua kiểm toán (sau khi đã loại trừ số dư dự toán của Cục Đào tạo với nước ngoài đã được Thủ tướng Chính phủ cho chuyển thực hiện nhiệm vụ khác là hơn 194,5 tỷ đồng), KTNN còn tiếp tục kiến nghị hủy dự toán hơn 7,2 tỷ đồng (trong đó Bộ GD&ĐT là 2,8 tỷ đồng; các Bộ, ngành khác là 4,4 tỷ đồng).
 

KTNN đã chỉ rõ nhiều bất cập trong công tác quản lý, sử dụng kinh phí của Đề án 911- Ảnh: Minh họa

Trong giai đoạn 2012-2016, Bộ GD&ĐT lập dự toán chi Đề án của Bộ là hơn 2.500 tỷ đồng, Bộ Tài chính giao hơn 2.200 tỷ đồng. Trong đó, năm 2012-2013, toàn bộ dự toán chi ngân sách T.Ư của Đề án là 195,7 tỷ đồng, được giao cho Bộ GD&ĐT nhưng không giải ngân được do chưa có cơ chế tài chính của Đề án, đến năm 2014 phải hủy số dự toán này.

 Kết quả kiểm toán cho thấy, một số nội dung còn chi vượt định mức, sai nguồn, chưa đủ điều kiện quyết toán với số tiền gần 4,4 tỷ đồng; chi hỗ trợ cho một số nghiên cứu sinh (NCS) bỏ học nhưng chưa thu hồi 242 triệu đồng.

Trong quản lý học phí, kết quả kiểm toán chỉ ra một số sai sót. Đó là, đối với NCS trong nước có tình trạng một số trường thu lệ phí tuyển sinh vượt quy định hơn 271 triệu đồng. Đối với NCS đi học nước ngoài, Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định số 1160/QĐ-BGDĐT ngày 03/4/2014 quy định chỉ thu học phí của NCS trúng tuyển từ năm 2014 là không phù hợp với quy định về đối tượng phải nộp học phí tại Thông tư liên tịch số 130/2013/TTLT-BTC-BGDĐT ngày 19/9/2013, dẫn đến không thu học phí của số NCS trúng tuyển trước năm 2014, đi học năm 2014 và năm 2015 với số tiền gần 16,7 tỷ đồng, đã gây thất thu ngân sách. Đối với số học phí đã thu của NCS đi học nước ngoài tính đến 27/7/2017 là 50,1 tỷ đồng, đơn vị không lập dự toán chi và không được Bộ Tài chính phê duyệt, nhưng không xử lý nộp NSNN kịp thời theo quy định.

Kiến nghị xử lý tài chính và xem xét trách nhiệm 

Từ kết quả kiểm toán, KTNN kiến nghị Bộ GD&ĐT xử lý tài chính số tiền 53,6 tỷ đồng, trong đó, thu hồi nộp NSNN các khoản do KTNN xác định tăng thêm gần 50,8 tỷ đồng; hủy dự toán nguồn kinh phí Đề án 2,8 tỷ đồng; loại khỏi quyết toán, chuyển quyết toán năm sau chi thường xuyên hơn 48 triệu đồng. Tổng số kiến nghị xử lý tài chính đối với các Bộ, ngành qua kiểm tra, đối chiếu là hơn 6,3 tỷ đồng, trong đó, thu hồi nộp NSNN các khoản do KTNN xác định tăng thêm số tiền gần 1,9 tỷ đồng; hủy dự toán nguồn kinh phí Đề án hơn 4,4 tỷ đồng.

Đặc biệt, KTNN kiến nghị Bộ GD&ĐT chấn chỉnh công tác quản lý ngân sách, tiền và tài sản nhà nước. Trong đó, Bộ cần khẩn trương trao đổi với Bộ Tài chính để thống nhất cách hiểu về sự phù hợp của Quyết định số 1160/QĐ-BGDĐT với Thông tư liên tịch số 130/2013/TTLT-BTC-BGDĐT và báo cáo lại kết quả trao đổi về KTNN. Đồng thời, Bộ cần chỉ đạo các cơ sở đào tạo có NCS đi học tập nước ngoài không hoàn thành khóa học hoặc không thực hiện đúng cam kết quay lại cơ sở đào tạo thực hiện công tác giảng dạy, thu hồi chi phí đào tạo do NSNN cấp hỗ trợ, hoàn nộp NSNN tổng số tiền hơn 24,5 tỷ đồng theo quy định và báo cáo kết quả về KTNN. 

KTNN cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT chỉ đạo các đơn vị rà soát số dư dự toán đến thời điểm 31/12/2016 là 250,4 tỷ đồng theo hướng tính đúng, tính đủ cho số NCS đang theo học, số còn lại nộp trả NSNN; chỉ đạo các cơ sở đào tạo có trung tâm đào tạo tiến sỹ lập phương án sử dụng các trang thiết bị phòng học do NSNN đầu tư cho Đề án nhằm đạt hiệu quả, tránh lãng phí NSNN.

Ngoài ra, KTNN cũng kiến nghị xem xét, xử lý trách nhiệm của các bộ phận có liên quan, kịp thời rút kinh nghiệm trong tham mưu cho Bộ trưởng thực hiện Đề án còn nhiều hạn chế, bất cập như: phân bổ và giao dự toán không sát thực tế, phải hủy hoặc điều chuyển dự toán lớn, chưa kịp thời nộp NSNN tiền học phí thu của NCS học ở nước ngoài.

Cùng với đó, Bộ cần kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với Ban Chỉ đạo Đề án và các vụ, cục chức năng (gồm: Vụ Giáo dục đại học, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, Cục Công nghệ thông tin) do không triển khai hoặc triển khai các nhiệm vụ được phân công không đầy đủ theo quyết định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai Đề án 911.
 
Từ kết quả kiểm toán, KTNN kiến nghị Bộ GD&ĐT khẩn trương trình Chính phủ ban hành Đề án mới thay thế Đề án 911 theo hướng gộp 2 Đề án 911 và Đề án “Nâng cao năng lực giảng viên và cán bộ quản lý các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, trong đó cần lưu ý: xây dựng chỉ tiêu đào tạo và kinh phí phù hợp thực tế, đề cao vai trò tự chủ của các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng trong việc tuyển dụng, đào tạo đội ngũ giảng viên, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước; xây dựng các giải pháp, cơ chế, chính sách phù hợp để thực hiện mục tiêu của Đề án đảm bảo cân đối giữa quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của NCS và các cơ sở đào tạo; có cơ chế (chế tài) xử lý thu hồi kinh phí đào tạo đối với NCS học ở nước ngoài bỏ học, không hoàn thành khóa học, không về nước như cam kết, tránh thất thoát NSNN.

HOÀNG MINH

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201