Thứ Sáu, 29/3/2024 - 03:34:54 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Xây dựng luật về PPP đáp ứng yêu cầu thực tiễn

THỨ HAI, 02/07/2018 08:35:00 | TƯ VẤN PHÁP LUẬT
(BKTO) - Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã nghiên cứu và hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Thực tiễn cho thấy, “việc nâng cấp các quy định về PPP từ cấp Nghị định lên cấp Luật trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết” - Báo cáo tổng kết tình hình thực hiện quy định pháp luật về đầu tư theo hình thức PPP của Bộ KH&ĐT nêu rõ.

Nhu cầu huy động vốn tư nhân rất lớn

Theo báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn này theo giá hiện hành dự kiến khoảng 9,12 - 9,75 triệu tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư của khu vực dân cư và DN tư nhân dự kiến khoảng 4,32 - 4,83 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 47,4 - 49,6%... Để đảm bảo huy động được và phát huy hiệu quả của nguồn vốn này, việc hoàn thiện chính sách pháp luật về đầu tư theo hình thức PPP là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh hiện nay.

Mặt khác, Báo cáo tổng kết tình hình thực hiện quy định pháp luật về đầu tư theo hình thức PPP đã chỉ rõ nhiều bất cập nảy sinh từ thực tiễn triển khai các dự án như: công tác chuẩn bị đầu tư còn sơ sài; thông tin dự án chưa được công khai, minh bạch, làm hạn chế sự tiếp cận thông tin của nhà đầu tư; thủ tục cấp Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư kéo dài, làm chậm tiến độ dự án. Đặc biệt, việc quản lý, giám sát chất lượng công trình, dự án còn lỏng lẻo.

Cơ chế kiểm tra, giám sát các hoạt động đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mang tính hình thức, không hiệu quả, hầu như phó thác toàn bộ cho nhà đầu tư từ giai đoạn lập, phê duyệt và thực hiện dự án; nhiều khối lượng, đơn giá vượt gấp 20 lần thực tế nhưng vẫn được chấp nhận và hoàn thiện thủ tục để thanh toán mà không có cơ chế kiểm soát. Dự án đầu tư do nhà đầu tư lập và tự phê duyệt sai lệch quá lớn so với thực tế. Việc thiếu cơ chế giám sát khiến NSNN phải thanh toán cho các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), BTO (xây dựng - chuyển giao - kinh doanh), BT (xây dựng - chuyển giao) lớn hơn chi phí đầu tư thực tế khoảng 30 - 100%.

Hơn nữa, thông qua các báo cáo thanh tra, kiểm toán đối với các dự án PPP, đặc biệt là Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đối với các dự án BOT giao thông, nhiều bất cập của các dự án BOT cũng được nêu cụ thể. Trong đó, hầu hết các dự án được thực hiện kiểm toán đều áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn nhà đầu tư dẫn đến làm giảm sự cạnh tranh, minh bạch trong công tác lựa chọn nhà đầu tư, tiềm ẩn rủi ro lãng phí, thất thoát... Để xử lý những bất cập này, hệ thống pháp luật về PPP cần được tiếp tục hoàn thiện. 

Luật định chính sách đầu tư PPP

Đề cập đến hành lang pháp lý, Bộ KH&ĐT chỉ rõ, những nội dung quy định tại các Nghị định liên quan đến chính sách đầu tư PPP đều chịu sự điều chỉnh của các Luật: NSNN, Đầu tư, Đầu tư công, Bảo vệ môi trường, DN, Đất đai, Xây dựng, Quản lý nợ công... Do quy định tại các Luật này được xây dựng hướng tới dự án đầu tư công hoặc đầu tư tư nhân thuần túy, chưa xét đến đặc thù đầu tư PPP nên quá trình triển khai dự án PPP còn nhiều khó khăn, bất cập.

Theo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Đầu tư theo hình thức PPP của Bộ KH&ĐT, Luật được xây dựng nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về thu hút nguồn lực đầu tư từ khu vực tư nhân vào phát triển cơ sở hạ tầng quốc gia; nâng cấp các quy định tại Nghị định hiện hành để tăng cường cơ sở pháp lý; xử lý các nội dung chồng chéo giữa các Luật và bổ sung các quy định còn thiếu. Cùng với đó, việc xây dựng Luật còn nhằm tạo dựng môi trường đầu tư theo hình thức PPP với cơ sở pháp lý cao, thống nhất, đồng bộ, hạn chế rủi ro về mặt thay đổi chính sách; nâng cao hiệu quả đầu tư theo hình thức PPP, gắn với trách nhiệm của các bên có liên quan bao gồm: Bộ, ngành và địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nhà đầu tư; DN dự án; ngân hàng, tổ chức tín dụng và cơ quan hậu kiểm.

Bên cạnh đó, một trong các quan điểm chỉ đạo về xây dựng Luật này của UBTVQH là “có các chế tài nhằm xử lý đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư”. Vì vậy, để đảm bảo thực thi hiệu quả pháp luật về PPP, giải pháp được đưa ra là ban hành một chương riêng quy định về các hành vi bị cấm trong hoạt động đầu tư theo hình thức PPP và chế tài tương ứng đối với từng hành vi.

Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Đầu tư theo hình thức PPP cũng cho biết, các văn bản quy định chi tiết dưới Luật dự kiến bao gồm 2 Nghị định. Đó là: Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật, trong đó hướng dẫn cụ thể về quy trình thực hiện dự án PPP, quản lý và sử dụng nguồn vốn nhà nước tham gia dự án, hợp đồng dự án, DN dự án, chế tài xử lý vi phạm, trách nhiệm quản lý nhà nước...; Nghị định quy định chi tiết về bảo lãnh Chính phủ đối với dự án PPP, trong đó quy định chi tiết các hình thức bảo lãnh, các trường hợp bảo lãnh và cách thức triển khai.
 
Theo lộ trình dự kiến, sau khi tiếp nhận Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật từ Bộ KH&ĐT, Chính phủ tiến hành thảo luận, ra Nghị quyết về đề nghị xây dựng Luật và báo cáo lên UBTVQH vào tháng 7/2018. Dự kiến, tháng 3/2019, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận, thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng Luật. Nếu được thông qua, từ tháng 4/2019, Bộ KH&ĐT sẽ chủ trì soạn thảo Luật Đầu tư theo hình thức PPP.
 
HỒNG THOAN
Theo Báo Kiểm toán số 26 ra ngày 28-6-2018

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Luật sư xúi giục khách hàng khai sai sự thật bị phạt tới 40 triệu đồng

Luật sư xúi giục khách hàng khai sai sự thật bị phạt tới 40 triệu đồng

(BKTO) - Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định cụ thể hành vi và mức phạt vi phạm quy định đối với hoạt động hành nghề luật sư, trong đó nêu rõ: Luật sư cung cấp hoặc hướng dẫn khách hàng cung cấp tài liệu, vật chứng giả, sai sự thật; xúi giục khách hàng khai sai sự thật hoặc xúi giục khách hàng khiếu nại, tố cáo trái pháp luật sẽ bị phạt vi phạm hành chính từ 30-40 triệu đồng.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201