Thứ Sáu, 19/4/2024 - 14:58:23 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

7 lễ hội truyền thống các dân tộc thiểu số được phục dựng

THỨ TƯ, 26/02/2020 16:51:08 | VĂN HÓA
(BKTO) - Trong năm 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn 7 lễ hội truyền thống các dân tộc thiểu số tại các tỉnh: Điện Biên, Hà Giang, Yên Bái, Bình Phước, Lai Châu và Kon Tum để phục dựng, bảo tồn. Đây là hoạt động thuộc Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa năm 2020.

Trình diễn điệu tiếng chiêng, điệu xoang trong lễ hội cơm mới của người Jrai


Văn hóa – một trong các giá trị cốt lõi của dân tộc

Trong kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam, sinh hoạt lễ hội là hoạt động văn hóa rất đặc trưng, hầu như có mặt ở khắp mọi miền đất nước. Nhiều lễ hội ra đời cách đây hàng nghìn năm đến nay vẫn được duy trì. Lễ hội ở Việt Nam bao giờ cũng hướng tới một đối tượng thiêng liêng cần suy tôn là nhân thần hay nhiên thần. Đó chính là hình ảnh hội tụ những phẩm chất cao đẹp nhất của con người. Giúp con người nhớ về nguồn cội, hướng thiện và nhằm tạo dựng một cuộc sống tốt lành, yên vui.

Mỗi dân tộc trong 54 dân tộc ở Việt Nam đều có những lễ hội riêng gắn với phong tục, tập quán, tín ngưỡng và lao động sản xuất. Bảo tồn lễ hội dân gian của các dân tộc là một giải pháp tốt nhất để bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc.

Theo thống kê, hiện cả nước có 7.966 lễ hội; trong đó có 7.039 lễ hội dân gian (chiếm 88,36%), 332 lễ hội lịch sử (chiếm 4,16%), 544 lễ hội tôn giáo (chiếm 6,28%), 41 lễ hội du nhập từ nước ngoài (chiếm 0,12%), còn lại là lễ hội khác (chiếm 0,5%).

Theo tiến sỹ Trần Hữu Sơn - Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, lễ hội có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống của đồng bào các dân tộc. Các lễ hội phản ánh thế giới quan và nhân sinh quan các dân tộc trong một không gian, môi trường và hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Lễ hội thể hiện mong ước của con người là được khỏe mạnh, may mắn, phát tài phát lộc, mùa màng bội thu, nhà nhà no ấm, bản làng yên vui, được gặp gỡ giao lưu sau những ngày lao động vất vả… Đặc biệt, các lễ hội còn có chức năng cố kết cộng đồng, như một “mệnh lệnh thiêng” để đoàn kết tất cả cộng đồng cùng tham gia.

Không những thế, trong quá trình tổ chức lễ hội, những đặc trưng nổi bật nhất của văn hóa, nghệ thuật trong các dân tộc cũng được thể hiện. Lễ hội cũng là môi trường tốt nhất để gìn giữ, phát huy các loại hình dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian của cộng đồng các dân tộc như hát giao duyên, ném còn, múa khèn, chơi quay, kéo co…

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, mở rộng giao lưu văn hóa và phát triển du lịch của Việt Nam hiện nay, các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số càng có ý nghĩa quan trọng. Một mặt, lễ hội góp phần bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc. Mặt khác, lễ hội trở thành yếu tố độc đáo có sức cuốn hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Nhiều lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi đã thu hút một lượng lớn khách du lịch, góp phần làm thay đổi bộ mặt, đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương.

Đơn cử như lễ hội Gầu Tào ở Pha Long, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Trước đây chỉ là lễ hội của vùng Pha Long, nhưng ngày nay đã trở thành lễ hội chung của người Mông ở các huyện miền Đông tỉnh Lào Cai, thu hút đồng bào Mông ở Lào Cai, Hà Giang… tham gia. Từ việc chỉ có khoảng 500 người tham dự, đến nay lễ hội đã thu hút hàng vạn người.

Hay như lễ hội Roóng Poọc của người Giáy thôn Tả Van, huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai), cuối thế kỷ 20 trở về trước, chỉ là hội làng, có vài trăm người tham dự. Nhưng đến nay đã trở thành lễ hội của cả vùng hạ huyện Sa Pa. Đặc biệt, sau khi được quảng bá trên các trang website du lịch, lễ hội Roóng Poọc đã trở thành điểm đến của hàng trăm du khách với nhiều quốc tịch khác nhau…

Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương bảo tồn, phát huy những giá trị tiêu biểu của văn hóa truyền thống của dân tộc, trong đó có lễ hội dân gian.

Phục dựng để bảo tồn 7 lễ hội truyền thống

Theo thống kê của Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), tính đến nay, cả nước có 301 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, trong đó có hơn 100 lễ hội truyền thống.
 

Ảnh minh họa


Tuy nhiên, theo thời gian, không ít lễ hội dần bị mai một, thất truyền. Các nghệ Nhân dân gian có những hiểu biết đầy đủ về lễ hội đã ít, ngày càng già yếu, các nghệ nhân mất đi sẽ khó tìm được người truyền những kinh nghiệm, hiểu biết... cho con cháu dẫn đến việc thế hệ trẻ có xu hướng “thờ ơ” với văn hoá truyền thống.

Ngoài ra, “tài nguyên tinh thần” này còn phải đối diện với nguy cơ bị xâm lấn bởi nhiều văn hoá mới, hình thức, nội dung của nhiều lễ hội lộ ra tính chất thương mại hóa dẫn đến nguy cơ nhiều lễ hội bị thất truyền hoặc biến dạng.

Trong năm 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn 7 lễ hội truyền thống các dân tộc thiểu số để phục dựng, bảo tồn gồm Lễ hội truyền thống dân tộc Lào, tỉnh Điện Biên; Lễ hội truyền thống dân tộc La Chí, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang; Lễ hội truyền thống dân tộc Nùng, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang; Lễ hội truyền thống dân tộc Thái, tỉnh Yên Bái; Lễ hội truyền thống tỉnh Bình Phước; Lễ hội truyền thống dân tộc Si La, tỉnh Lai Châu; Lễ hội truyền thống dân tộc Gia Rai, tỉnh Kon Tum.

Để thực hiện tốt chương trình này, các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa-Thể thao các tỉnh cần chú trọng đến việc chỉ đạo tổ chức phục dựng lễ hội truyền thống giàu bản sắc, được lưu giữ trong đời sống các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Khi tổ chức phục dựng, các lễ hội cần diễn ra một cách dân dã, tự nhiên, phản ánh sinh hoạt văn hóa cộng đồng, do đồng bào chủ động tham gia mở hội và thụ hưởng những giá trị văn hóa do lễ hội mang lại một cách thiết thực, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm.

Lễ hội dân gian truyền thống không nên tùy tiện, lạm dụng các hình thức sinh hoạt văn hóa mới làm phai nhòa bản sắc văn hóa dân gian. Chú ý phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, những người có uy tín, các nghệ nhân văn nghệ dân gian tham gia vào hoạt động của lễ hội, kể cả trong hành lễ cũng như trong phần hội, tránh khiên cưỡng, áp đặt; tránh mang nặng yếu tố thương mại hoặc lợi dụng để hoạt động mê tín dị đoan, rượu chè, cờ bạc và các tệ nạn xã hội khác trong đời sống xã hội, gây phản cảm và xa lạ với đồng bào dân tộc thiểu số.

Các nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc cũng lưu ý, cần tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lễ hội để phục dựng, tái hiện cho đúng, tránh việc làm sai lệch xa rời thực tiễn, tránh hiện đại hóa, mới hóa hoàn toàn lễ hội, tuy nhiên cũng không quá câu nệ, giữ nguyên xi như cũ…

Để thống nhất về quy trình, thủ tục và tiến độ đảm bảo đúng mục tiêu đề ra, Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao các tỉnh khảo sát, lựa chọn, lập hồ sơ khoa học về lễ hội được bảo tồn phục dựng để tổng hợp trước ngày 20/2/2020. Căn cứ vào thời gian dự kiến tổ chức bảo tồn, phục dựng lễ hội, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao các tỉnh chủ động xây dựng chi tiết báo cáo khảo sát, báo cáo khảo tả lễ hội gửi về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để thẩm định trước thời điểm diễn ra lễ hội ít nhất 20 ngày.

Bảo tồn giá trị của lễ hội là câu chuyện không riêng của dân tộc nào, đồng thời cũng không chỉ riêng cơ quan quản lý nhà nước. Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ, công tác quản lý và thực hành lễ hội với ý nghĩa như một di sản văn hóa truyền thống, đòi hỏi tuân thủ một nguyên tắc phổ quát là phải đồng bộ giữa bốn việc: nghiên cứu thấu hiểu - thẩm định bảo tồn - thực hành phát triển - quảng bá truyền thông. Chúng ta cần phải hiểu mới có thể thẩm định xem những gì cần bảo lưu, bảo tồn và những gì cần thay đổi để đẹp hơn, nhân văn hơn, thậm chí, cần nghiêm khắc loại bỏ những gì không còn phù hợp.

Muốn xóa bỏ tận gốc những lệch lạc, biến tướng trong lễ hội, cần thay đổi nhận thức, hành vi của cộng đồng, đối tượng thực hành lễ hội. Giải pháp vừa cơ bản, vừa lâu dài không gì khác là phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục. Những điều chỉnh kịp thời về chiến lược, cách thức thực hiện từ các cơ quan chức năng cho đến điều chỉnh trong mỗi cá nhân - chủ thể của lễ hội sẽ khai thác hiệu quả, giúp lễ hội ngày càng phát triển một cách lành mạnh, đúng hướng, góp phần làm giàu tài sản văn hóa dân tộc.
 
AN CHI (Tổng hợp)

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Cần có cơ chế tài chính để thu hút nguồn lực cho hoạt động bảo tồn, phát triển di sản văn hóa

Cần có cơ chế tài chính để thu hút nguồn lực cho hoạt động bảo tồn, phát triển di sản văn hóa

(BKTO) - Góp ý cho Dự thảo đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng cần nghiên cứu, bổ sung các quy định về cơ chế tài chính để thu hút nguồn lực cho hoạt động bảo tồn, phát triển di sản văn hóa.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201