Thứ Sáu, 19/4/2024 - 14:30:52 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Bình ổn giá thịt lợn để bảo vệ lợi ích lâu dài giữa các bên

THỨ HAI, 25/05/2020 08:30:00 | BẠN ĐỌC QUAN TÂM
(BKTO) - Dù nhiều DN lớn đồng loạt hạ giá bán lợn hơi, thịt lợn nhập khẩu và tốc độ tái đàn cũng tăng mạnh… song giá thịt lợn hiện vẫn tiếp tục “neo” cao. Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cơ quan nhà nước cần thực hiện bình ổn giá. Điều này không chỉ giúp người tiêu dùng có cơ hội mua thịt lợn với giá hợp lý mà còn bảo vệ người sản xuất và nguồn cung.


Cần thực hiện bình ổn giá thịt lợn để bảo vệ người sản xuất và nguồn cung. Ảnh: Phạm Tuân
 
Bất hợp lý giá thịt lợn

Trước bối cảnh giá thịt lợn vẫn tiếp tục tăng cao trong thời gian qua, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng bức xúc, khi người chăn nuôi gặp khó khăn thì người tiêu dùng vào cuộc chia sẻ, nhưng khi người tiêu dùng gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh thì chưa nhận lại được sự sẻ chia. Cách đây hơn 3 năm, phần lớn đầu ra của thịt lợn là xuất khẩu sang Trung Quốc, khi thương lái ép giá, lợn hơi xuống dưới 30.000 đồng/kg, thậm chí giữa năm 2017, giá rớt xuống còn trên 20.000 đồng/kg, người chăn nuôi lỗ nặng. Thời điểm đó, người tiêu dùng đã tăng cường mua thịt lợn để “giải cứu” người chăn nuôi lợn, tương tự như những lần “giải cứu” với các loại nông sản khác. 

Thời gian vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã rất quyết liệt, 15 DN lớn cũng đã hạ giá bán lợn hơi xuống mức 70.000 đồng/kg. Cơ quan chức năng cho phép nhập khẩu thịt lợn để tăng nguồn cung; đến ngày 07/4, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 43.000 tấn thịt, tăng 312% so với cùng kỳ năm 2019. Tình hình dịch tả lợn châu Phi đã được kiểm soát, thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, tổng đàn lợn vào đầu tháng 3/2020 đã đạt gần 24 triệu con, tăng hơn 2 triệu con so với tháng 12/2019; tốc độ tăng đàn bình quân 3 tháng năm 2020 tăng 6,2%; tổng sản lượng lợn hơi xuất chuồng cả năm 2020 dự kiến là 3,9 triệu tấn (tăng 18,4% so với năm 2019)… Thế nhưng, hiện nay, giá thịt lợn trên thị trường không những không giảm mà còn tăng cao. 

Theo khảo sát của Hội Bảo vệ người tiêu dùng, những ngày gần đây, tại một số siêu thị ở Hà Nội, giá thịt lên tới hơn 200.000 đồng/kg; giá thịt tại các chợ dân sinh cũng ở mức 160.000 - 165.000 đồng/kg. Trong khi đó, theo số liệu mà Hội Bảo vệ người tiêu dùng công bố, chi phí chăn nuôi tại các trang trại chỉ từ 35.000 đồng/kg. Căn cứ tổng sản lượng bán ra, về mặt lý thuyết, nếu giá lợn hơi xuất chuồng ở mức 60.000 đồng/kg, người chăn nuôi đang lãi 25.000 đồng/kg. Nếu tăng thêm 10.000 đồng thì khu vực chăn nuôi lãi thêm 90 tỷ đồng/ngày. 

Rủi ro cho người chăn nuôi

Nói về việc giá thịt lợn tăng mạnh trong thời gian qua, Trưởng phòng Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) Cao Xuân Quảng cho hay, không loại trừ hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các DN trong chuỗi sản xuất, cung ứng thịt lợn, vì thị trường thịt lợn không biến động nhỏ lẻ mà biến động theo dạng sóng, đồng loạt. Do đó, Cục đã chủ động theo dõi, tiến hành thu thập, xác minh các thông tin liên quan, nếu xác định có dấu hiệu vi phạm sẽ tiến hành điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Theo ông Quảng, hiện tại, các giải pháp để bình ổn giá thịt lợn là cần xây dựng cơ chế để công bố minh bạch thông tin thị trường thông qua trang thông tin điện tử, đường dây nóng; đồng thời tăng cường kiểm tra, đảm bảo minh bạch về giá tại các khâu trong chuỗi sản xuất, cung ứng.

Ở khía cạnh khác, nhiều ý kiến cho rằng, giá thịt lợn tăng không chỉ ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng tới chính người chăn nuôi, DN chăn nuôi cũng chịu tác động tiêu cực. Theo Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), trong bối cảnh giá lợn hơi tăng có thể một bộ phận nào đó người chăn nuôi được hưởng lợi trước mắt, tuy nhiên, điều này tạo ra rủi ro rất lớn với người chăn nuôi trong tương lai. Nguy cơ nhìn thấy ngay là giá thành chăn nuôi hiện nay chắc chắn sẽ cao hơn thời điểm giá lợn hơi sau khi được bình ổn. “Rất nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hiện đang tái đàn ồ ạt, điều này rất rủi ro trong dài hạn. Bởi chi phí chăn nuôi đang cao, nhưng liệu 5 - 6 tháng nữa, sau khi được bình ổn thì giá lợn có còn cao để bù đắp chi phí?” - ông Cường chia sẻ. Một rủi ro nữa là nếu giá thịt lợn vẫn cao như hiện nay, Chính phủ sẽ cho phép đẩy mạnh nhập khẩu, nếu việc nhập khẩu này đến một lúc nào đó tạo thành thói quen, người tiêu dùng chỉ sử dụng thịt nhập khẩu thì ngành chăn nuôi sẽ mất “sân nhà” và người chăn nuôi có thể bị thiệt hại về lâu dài.  

Từ đó, ông Hoàng Văn Cường cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, cơ quan nhà nước cần thực hiện bình ổn giá thịt lợn. Điều này không chỉ giúp người tiêu dùng có cơ hội mua thịt lợn với giá hợp lý mà còn bảo vệ người sản xuất và nguồn cung. Muốn làm được vậy, cần phải kiểm soát khâu trung gian. Bởi khâu này đang khiến giá thịt lợn cao gấp 4 - 5 lần mà không tạo ra bất kỳ giá trị nào. “Trước mắt, nếu chưa tổ chức lại được khâu trung gian, chúng ta phải thực hiện các biện pháp để kiểm soát mà vai trò của cơ quan nhà nước rất quan trọng. Trong đó, Bộ NN&PTNT cần rà soát kỹ đến từng hộ chăn nuôi, công bố nguồn cung thực tế của hiện nay ra sao, quy mô đàn bao nhiêu; Bộ Công Thương kiểm soát các kênh phân phối xem hợp lý chưa, khuyến khích việc DN thực hiện mô hình khép kín. Trường hợp thực hiện bình ổn giá, những đơn vị nào đẩy mức giá lên cao hơn bình thường thì phải xử lý nghiêm” - ông Cường đề xuất.

LÊ HÒA

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Từ ngày 01/11: Gọi 156 miễn phí để phản ánh cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo

Từ ngày 01/11: Gọi 156 miễn phí để phản ánh cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo

(BKTO) - Từ ngày 01/11, khi nhận các cuộc gọi rác có dấu hiệu lừa đảo, người dân có thể gọi hoặc nhắn tin miễn phí tới số 156 để thông báo.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201