Thứ Sáu, 19/4/2024 - 06:23:45 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

TPP sẽ tác động như thế nào đến kinh tế Việt Nam?

THỨ NĂM, 13/08/2015 09:10:00 | KINH DOANH
(BKTO)- Vừa qua, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội thảo công bố báo cáo “Đánh giá tác động của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đến Việt Nam: Khía cạnh kinh tế vĩ mô và trường hợp ngành chăn nuôi”. Bản báo cáo đã phân tích và chỉ ra những tác động mạnh mẽ của TPP đến kinh tế Việt Nam khi được thông qua.



Gia nhập TPP, ngành chăn nuôi Việt Nam khó có thể cạnh tranh được với nước ngoài do quy mô nhỏ và hiệu quả thấp. Ảnh: T.L  
 
Hứa hẹn đà tăng trưởng mạnh…

Hiện nay, TPP đang có 12 nước bên bờ Thái Bình Dương tham gia đàm phán, trong đó có Việt Nam. Dự kiến, đến cuối năm 2015 hoặc đầu 2016, TPP sẽ được ký kết. Khi đó, TPP sẽ tạo thành một khu vực thương mại tự do lớn nhất từ trước đến nay, chiếm gần 40% tổng GDP toàn cầu và 25% thương mại thế giới.

Phân tích những tác động của TPP đến kinh tế vĩ mô của Việt Nam, TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR, Trưởng nhóm nghiên cứu, nhận định, trong hầu hết các kịch bản tác động của TPP, Việt Nam là quốc gia có được mức thay đổi GDP lớn nhất tính theo phần trăm. Mức tăng trưởng có được nhờ tự do hóa thương mại chủ yếu đến từ thay đổi trong chi tiêu và đầu tư lớn hơn mức tăng nhập khẩu sau khi thuế quan được cắt giảm. Cùng với đó, Việt Nam cũng là nước đạt được mức tăng phúc lợi kinh tế lớn nhất tính theo phần trăm thay đổi.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam được dự báo sẽ tăng mạnh. Báo cáo cho biết, xét cả về số vốn đăng ký và số dự án, các nước trong TPP luôn là nhà đầu tư lớn vào Việt Nam so với các nước trong khu vực. Tính lũy kế các dự án có hiệu lực, mức độ đầu tư từ các nước TPP có xu hướng gấp đôi lượng vốn và số dự án từ các nước trong khu vực ASEAN. Đến cuối 2014, 2 trong số 4 nước có tổng mức đầu tư lớn nhất vào Việt Nam đều là thành viên tham gia đàm phán TPP. Tổng số vốn đăng ký lũy kế đến 20/12/2014 từ các đối tác TPP đạt 100,4 tỷ USD, chiếm gần 40% dòng FDI đăng ký vào Việt Nam. Trong đó, Nhật Bản là 37,3 tỷ USD, Singapore là 32,9 tỷ USD.

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, trong các kịch bản đánh giá tác động sau khi TPP có hiệu lực, kết quả mô phỏng cho thấy thương mại của Việt Nam với các nước TPP tăng lên. Trong khi đó, đối với các nước ngoài TPP, Việt Nam có xu hướng tăng cường nhập khẩu và xuất khẩu giảm nhẹ. Xuất khẩu hàng dệt may và da giày của Việt Nam sang Mỹ tăng mạnh trong khi tổng xuất khẩu lại giảm nhẹ.

Nhiều ngành nghề phải cạnh tranh gay gắt

Bên cạnh những lợi ích to lớn mà TPP mang lại, báo cáo cũng khẳng định, hàng hóa của Việt Nam sẽ phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt ngay trên “sân nhà”. Điều này khiến nhiều ngành nghề kém lợi thế cạnh tranh của nước ta buộc phải thu hẹp sản xuất do sức ép của hàng hóa nhập khẩu khi thuế xuất giảm sâu. Trường hợp ngành chăn nuôi là một ví dụ điển hình.

Kết quả nghiên cứu của VEPR và ý kiến nhiều chuyên gia kinh tế đều thống nhất rằng, chăn nuôi không phải là một ngành mà Việt Nam có lợi thế. Với năng suất thấp và sức cạnh tranh yếu như hiện nay, sau khi TPP có hiệu lực, sản lượng và giá trị của ngành chăn nuôi chắc chắn sẽ giảm, trong đó thịt lợn, thịt gia cầm sụt giảm mạnh nhất. Kéo theo nhu cầu lao động ngành này giảm rõ rệt, cả đối với lao động phổ thông và lao động có kỹ năng.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, khi gia nhập TPP, Việt Nam sẽ có lợi ở nhiều ngành. Ngay trong lĩnh vực nông nghiệp, xuất khẩu gạo sang Mỹ sẽ được thuế xuất bằng 0%. Chúng ta cũng được lợi về xuất khẩu cà phê, hồ tiêu, chè, hạt điều… Nhưng riêng về chăn nuôi thì Việt Nam yếu thế rõ rệt. “Công bằng mà nói, ngay hiện tại, khi TPP chưa được ký kết thì chăn nuôi Việt Nam đã yếu thế rồi. Nguyên nhân là do chăn nuôi của nước ta quá nhỏ lẻ và hiệu quả thấp. Trong khi các nước khác đều đầu tư rất lớn cho ngành này. Hiện Liên minh châu Âu (EU) đang thực hiện trợ cấp cho mỗi con bò sữa là 2 Euro/một ngày. Như vậy thì chắc chắn chúng ta không thể cạnh tranh về giá sữa với họ được” - ông Lê Đăng Doanh nhận định.

Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan - nguyên Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, khi hội nhập, chúng ta phải chấp nhận có ngành thắng, ngành thua, không thể đầu tư theo kiểu cái gì cũng thích. Thực tế quá khứ đã chứng minh, một số ngành được đầu tư rất nhiều nhưng đến nay đã cho thấy thất bại rõ ràng. Do đó, những nhà làm chính sách nên có cái nhìn thẳng thắn, chỉ tập trung phát triển những ngành có lợi thế, những ngành không có lợi thế thì chấp nhận cho nhập khẩu từ nước ngoài. Như thế mới có đủ lực để phát triển tối đa thế mạnh nhằm chiếm lĩnh thị trường trong nước và vươn ra thế giới.

Để tận dụng tốt các nguồn lợi mà TPP mang lại, báo cáo của VEPR cũng chỉ ra rằng, ngay từ lúc này, Việt Nam phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế; cần có những chính sách hỗ trợ hợp lý để thúc đẩy phát triển những ngành có lợi thế nhằm tăng năng suất và sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu; cơ cấu lại những ngành không có lợi thế phát triển; đồng thời, nhanh chóng có giải pháp cắt giảm các hàng rào phi thuế quan, như chi phí vận chuyển, thủ tục chờ đợi nhập khẩu, để tăng sức cạnh tranh của hàng hóa.

THANH TÙNG

 

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn, vấn đề tồn đọng tại dự án TISCO2

Tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn, vấn đề tồn đọng tại dự án TISCO2

(BKTO) - Ngày 27/10, tại Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN) Nguyễn Hoàng Anh đã tiếp ông Yang Ruo Bing - Chủ tịch HĐQT Công ty Công trình Luyện kim quốc tế (MCCI), trực thuộc Tập đoàn Khoa học công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC).

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201