Thứ Năm, 28/3/2024 - 22:24:18 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Chấn chỉnh tình trạng lãng phí trong tổ chức lễ kỷ niệm

THỨ HAI, 15/10/2018 10:50:00 | VĂN HÓA
(BKTO) - Tình trạng tổ chức lễ kỷ niệm phô trương, lãng phí hy vọng sẽ được cải thiện sau khi Nghị định số 111/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng của các Bộ, ngành, địa phương (Nghị định 111) ra đời và có hiệu lực từ ngày 15/10 tới đây.

Lãng phí trong tổ chức lễ kỷ niệm…

Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VH, TT&DL), hiện có khoảng 200 ngày thành lập, ngày truyền thống của các Bộ, ngành và địa phương. Tuy nhiên, việc tổ chức các sự kiện này vẫn chưa có văn bản có tính chất pháp lý quy định, điều chỉnh dẫn đến nhiều biến tướng, bất cập trong quá trình thực hiện, gây tốn kém, lãng phí lớn. 

Điển hình như câu chuyện tỉnh Vĩnh Phúc chi 65 tỷ đồng để mua quà tặng dịp 20 năm tái lập tỉnh; Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam chi hàng chục tỷ đồng mua Kỷ niệm chương nhân dịp 80 năm ngày truyền thống…  

Tình trạng lãng phí này cũng làm “nóng” diễn đàn của cơ quan dân cử khi nhiều đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn chỉ ra mặt trái của những lễ kỷ niệm. Trả lời báo chí, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng cho rằng, tình trạng tổ chức lễ kỷ niệm kiểu “trăm hoa đua nở” là rất đáng lo ngại. Trong khi Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải gọi đây là sự “lãng phí và tốn kém”... 

TS. Nguyễn Văn Vịnh - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội - cho rằng, việc chi tiêu cho khánh thành, kỷ niệm... đang ngốn quá nhiều tiền của, NSNN. “Cả nước có hàng nghìn cơ quan, DNNN, mỗi năm biết bao nhiêu lễ kỷ niệm được tổ chức, nhân lên sẽ ra con số khổng lồ” - ông Vịnh nhận định.

Theo Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH, TT&DL) Ninh Thị Thu Hương, có tình trạng nhiều nơi tổ chức lễ kỷ niệm với quy mô lớn, nghi thức rườm rà; thành phần, số lượng khách mời đông; huy động lực lượng quần chúng tham gia, gây tốn kém, lãng phí. Do đó, việc tổ chức lễ kỷ niệm không đảm bảo được mục đích, yêu cầu đặt ra, khiến dư luận bức xúc và gây mất lòng tin trong nhân dân.

Kỳ vọng vào những quy định được luật hoá

Từ thực tế việc tổ chức lễ kỷ niệm lãng phí, gây bức xúc trong dư luận thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản nhằm chấn chỉnh tình trạng này. 

Theo Chánh Văn phòng Bộ VH, TT&DL Nguyễn Thái Bình, từ nhiều năm nay, việc tổ chức ngày lễ kỷ niệm, dù ở quy mô nào cũng phải thực hiện đúng theo những quy định tại Nghị định số 145/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức ngày kỷ niệm; nghi thức trao tặng, đón nhận hình thức thưởng, danh hiệu thi đua; nghi lễ đối ngoại và đón, tiếp khách nước ngoài (Nghị định 145).

Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-TTg về việc chấn chỉnh công tác quản lý và tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, an toàn, hiệu quả, tránh phô trương, hình thức, lãng phí. Các lễ kỷ niệm được tổ chức cũng phải phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, phong tục tập quán của từng địa phương. Đặc biệt, phải sử dụng NSNN tiết kiệm và hiệu quả nhất. “Tuy nhiên, việc thiếu chế tài và quy định trách nhiệm chưa rõ ràng đã dẫn đến hiệu quả chấp hành các yêu cầu này chưa cao, chưa được nhân dân đồng tình ủng hộ” - ông Bình nói. 

Do đó, sự ra đời của Nghị định 111 thay thế các quy định này trong Nghị định 145 được kỳ vọng đáp ứng yêu cầu thực tiễn, giúp việc công nhận và tổ chức ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng thời gian tới đi vào nề nếp. Sự ra đời của Nghị định cũng đánh dấu lần đầu tiên, các quy định cụ thể về ngày thành lập, ngày truyền thống, ngày hưởng ứng được thể hiện tập trung trong một văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, nội dung đáng chú ý nhất của Nghị định 111 là những quy định rõ ràng, những “điều cấm” nhằm ngăn ngừa sự lãng phí như cấm tặng quà và tổ chức chiêu đãi - vấn đề đã làm “nóng” dư luận trong thời gian qua.

Bên cạnh những quy định, chế tài được đề ra, GS. Ngô Đức Thịnh - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam - cho rằng, các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra, kiểm toán cũng cần tăng cường vai trò, trách nhiệm của mình để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa và kiến nghị xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tránh tình trạng “nhờn” quy định như vừa qua.

NGUYỄN LỘC
Theo Báo Kiểm toán số 41 ra ngày 11-10-2018

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

Cần có cơ chế tài chính để thu hút nguồn lực cho hoạt động bảo tồn, phát triển di sản văn hóa

Cần có cơ chế tài chính để thu hút nguồn lực cho hoạt động bảo tồn, phát triển di sản văn hóa

(BKTO) - Góp ý cho Dự thảo đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng cần nghiên cứu, bổ sung các quy định về cơ chế tài chính để thu hút nguồn lực cho hoạt động bảo tồn, phát triển di sản văn hóa.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201