Thứ Tư, 24/4/2024 - 22:12:43 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Tiếp tục đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương để thực hiện khát vọng phát triển đất nước

CHỦ NHẬT, 23/01/2022 09:17:01 | HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN
(BKTO) - Ngày 22/01, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị tổng kết 2 năm Việt Nam đảm nhiệm cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (UVKTT HĐBA LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: DIỆU THIỆN


Việt Nam để lại nhiều dấu ấn lớn 

Tại Hội nghị, thay mặt các Bộ, ban ngành hữu quan, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trình bày báo cáo tổng kết và khẳng định trong 2 năm qua, với thông điệp xuyên suốt là “Đối tác vì một nền hòa bình bền vững”, Việt Nam đã tham gia HĐBA với một tinh thần chủ động, tích cực, trách nhiệm, đề xuất nhiều sáng kiến, đóng góp thực chất vào công việc của HĐBA, để lại nhiều dấu ấn lớn trong nhiệm kỳ.

Nổi bật trong đó là Việt Nam đã góp phần thúc đẩy cách tiếp cận đa phương, kiên trì đề cao luật pháp quốc tế và các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương LHQ, thúc đẩy không khí đồng thuận, đối thoại, hợp tác, vì lợi ích của cộng đồng quốc tế.

Song song với đó, Việt Nam đã thúc đẩy việc tìm kiếm các giải pháp bền vững, toàn diện cho xung đột, hướng sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đến những hậu quả lâu dài của xung đột đối với cuộc sống của người dân và an ninh quốc tế.

Đồng thời, Việt Nam đã thúc đẩy tinh thần nhân văn, nhân ái, tăng cường bảo vệ thường dân trong xung đột, nhất là các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ và trẻ em.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã nỗ lực thúc đẩy hợp tác giữa LHQ, HĐBA với các tổ chức khu vực trong việc duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, cũng như thúc đẩy đề cao vai trò trung tâm và sự hiện diện của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại HĐBA.

Mặt khác, Việt Nam đã chủ động đề xuất các giải pháp toàn cầu đối với nhiều vấn đề về an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, an ninh biển, ứng phó với dịch bệnh.

Ngoài ra, Việt Nam cũng có nhiều đóng góp rất thiết thực khác như tăng cường cử lực lượng tới các Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ, đề xuất sáng kiến về Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh hàng năm (27/12), khởi xướng thành lập Nhóm Bạn bè của Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) tại LHQ...

Đẩy mạnh đối ngoại đa phương để tranh thủ các nguồn lực bên ngoài

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cơ bản nhất trí với những đánh giá của các Bộ, ban ngành hữu quan, khẳng định việc Việt Nam lần thứ hai đảm nhiệm cương vị UVKTT HĐBA với số phiếu tín nhiệm gần như tuyệt đối (192/193 phiếu ủng hộ) đã thể hiện uy tín, vị thế của đất nước và sự tín nhiệm cao của quốc tế đối với chính sách đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, chủ động và tích cực đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam.
 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: DIỆU THIỆN


Thủ tướng cũng đánh giá Việt Nam đảm nhiệm vai trò UVKTT HĐBA trong bối cảnh môi trường quốc tế và khu vực có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng quyết liệt, các thách thức an ninh phi truyền thống trở nên gay gắt hơn, đặc biệt là tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Trong bối cảnh đó, quá trình tham gia của Việt Nam tại HĐBA đã đạt được 3 kết quả lớn.

Một là, Việt Nam đã kiên trì lập trường nguyên tắc về thúc đẩy hòa bình, độc lập dân tộc, chống chiến tranh, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác cùng có lợi giữa các nước, đề cao tuân thủ Hiến chương LHQ và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế trên tinh thần nhân đạo, lấy con người làm trung tâm.

Hai là, thông qua những đóng góp vào công việc chung, Việt Nam đã đạt được mục tiêu bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa mà Đảng, Nhà nước đã đặt ra; kiên định mục tiêu bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia - dân tộc, phục vụ phát triển, thúc đẩy xử lý các vấn đề an ninh phi truyền thống liên quan trực tiếp đến Việt Nam như biến đổi khí hậu, an ninh biển.

Ba là, những tham gia, đóng góp xây dựng, có trách nhiệm của Việt Nam tại HĐBA đã làm gia tăng rõ rệt uy tín và vị thế của đất nước, thể hiện sinh động hình ảnh Việt Nam đổi mới, hội nhập quốc tế toàn diện, yêu chuộng hòa bình, tích cực, trách nhiệm, có năng lực, bản lĩnh và bản sắc đối ngoại riêng.

Từ những kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ giữ cương vị UVKTT HĐBA, Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh triển khai chủ trương về đối ngoại đa phương được đề ra tại Đại hội XIII của Đảng và Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030, với một số định hướng cụ thể.

Thứ nhất, các hoạt động đối ngoại đa phương cần được triển khai toàn diện, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, xã hội, môi trường, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ…, nhất là thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Thứ hai, Việt Nam cần tiếp tục vươn lên đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt hòa giải, tham gia định hình luật chơi tại các diễn đàn đa phương phù hợp với điều kiện cho phép, trong đó có khả năng tái ứng cử làm UVKTT HĐBA trong vòng 10 - 15 năm tới, đăng cai các hội nghị quan trọng trong khuôn khổ các cơ chế đa phương, nhất là LHQ, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), ASEAN, các cơ chế tiểu vùng Mê Công…

Thứ ba, cần tranh thủ những lợi thế về vị thế, uy tín của đất nước để tiếp tục thúc đẩy và làm sâu sắc quan hệ song phương với các nước, các tổ chức quốc, tạo cơ sở bền vững nhằm tranh thủ các nguồn lực quốc tế góp phần thực hiện khát vọng phát triển đất nước, trước mắt là ưu tiên cho việc tiếp cận vắc xin phòng Covid-19, tham vấn các kinh nghiệm quốc tế về chính sách hỗ trợ phục hồi sau đại dịch, triển khai ngoại giao khí hậu, ngoại giao y tế, ngoại giao năng lượng, ngoại giao số.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh thông tin, trao đổi nhằm đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của đối ngoại đa phương, tiếp tục xây dựng cách tiếp cận đa ngành và liên ngành.

Ngoài ra, cần chú trọng công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, đạt tầm quốc tế để tham gia các công việc đối ngoại…/.
DIỆU THIỆN

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin cùng chuyên mục

42% doanh nghiệp châu Âu sẽ tăng vốn đầu tư vào Việt Nam

42% doanh nghiệp châu Âu sẽ tăng vốn đầu tư vào Việt Nam

(BKTO) - Dù trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn và niềm tin bị giảm sút, song vẫn có 42% doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho biết sẽ tăng vốn đầu tư trong những tháng cuối năm 2022.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201