Thứ Năm, 18/4/2024 - 22:45:21 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Tăng phúc lợi để thu hút lao động

THỨ BA, 28/12/2021 22:02:10 | AN SINH XÃ HỘI
(BKTO) - Nhu cầu tuyển lao động thời vụ tại nhiều DN, đơn vị, cửa hàng tăng mạnh dịp Tết Dương lịch cũng như Tết Nguyên đán sắp tới. Tuy nhiên, do người lao động (NLĐ) có tâm lý “ngại dịch” nên việc tuyển dụng không mấy dễ dàng.

 

Trung tâm dịch vụ việc làm tư vấn cho người lao động - Ảnh: Internet


“Đỏ mắt” tìm lao động thời vụ

Nhận định về thị trường lao động cuối năm tại TP. Hà Nội, ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội - cho biết, các phiên giao dịch việc làm gần đây do Trung tâm liên kết với các địa phương lân cận Hà Nội triển khai cho thấy, khi các biện pháp phòng chống dịch được thực hiện linh hoạt, cùng với đó là hàng loạt các chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất, nhu cầu tuyển dụng của các DN tăng lên từ 10-15% so với những tháng trước đây.

Đặc biệt, ở tháng “nước rút” này, nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực, nhất là lao động thời vụ tăng mạnh. Một số lĩnh vực đang có nhu cầu tuyển dụng lớn dịp cuối năm như: công nhân sản xuất, may mặc, điện, điện tử, giao nhận, thương mại dịch vụ, bán lẻ….Tuy nhiên, việc tuyển dụng nhân lực với các DN lúc này không dễ dàng, dù các yêu cầu về kỹ năng, độ tuổi đã không còn là nhân tố được xem xét khi tuyển dụng.

Cũng theo ông Thành, để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng cho DN vào tháng “nước rút”, Trung tâm tiếp tục kết nối giao dịch việc làm trực tuyến với một số tỉnh, thành nhằm tạo cơ hội để các DN, các địa phương dễ dàng tuyển dụng, giải tỏa cơn khát nguồn nhân lực trong những tháng cuối năm.

Còn tại TP. HCM, bà Nguyễn Thị Thanh Thảo - Trưởng phòng Dịch vụ việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TP. HCM - cho biết, sau khi Thành phố “mở cửa”, Trung tâm phối hợp các tỉnh để giới thiệu việc làm cho NLĐ nhưng số lượng quay lại Thành phố khá thấp. Thậm chí, Trung tâm triển khai chương trình hỗ trợ việc làm, test Covid-19 miễn phí và nhà trọ 0 đồng, kết hợp địa phương đưa đón tận nơi nhưng NLĐ vẫn không mặn mà.

Theo khảo sát mới đây của Đại học Kinh tế TP. HCM, không chỉ lao động hồi hương e ngại trở lại Thành phố làm việc mà ngay cả lao động bám trụ tại Thành phố cũng sẵn sàng thay đổi công việc từ lâu dài sang ngắn hạn. Điều này đã khiến các DN thiếu lao động dịp cuối năm.

Khảo sát cho thấy, trong giai đoạn từ quý IV/2020 đến quý III/2021, khoảng 1,3 triệu lao động rời Thành phố nhưng theo dự báo, chỉ có khoảng 520.000 người quay lại Thành phố sau Tết, còn khoảng 230.000 người chưa có kế hoạch và 140.000 người không có ý định quay lại.

Cần các chính sách hỗ trợ người lao động

Theo các chuyên gia, để giải tỏa sự thiếu hụt nguồn nhân lực cho các DN, việc đẩy mạnh các sàn giao dịch việc làm trực tuyến, đa dạng hóa các hình thức thông tin, tăng kết nối cung - cầu là các giải pháp hiệu quả hiện nay.

Tuy nhiên, giải pháp lâu dài vẫn là nâng cao chất lượng cuộc sống cho NLĐ, trong đó tăng lương thưởng, thu nhập, tăng các chính sách phúc lợi xã hội, hỗ trợ NLĐ có thu nhập thấp chi trả sinh hoạt phí tối thiểu về nhu yếu phẩm, thuê nhà trọ, điện nước, y tế…, tạo điều kiện để họ yên tâm gắn bó với DN.

Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đang triển khai Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động. Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh, mục tiêu của Chương trình là duy trì tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%, tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn dưới 2%.

Bên cạnh đó, Chương trình hỗ trợ NLĐ làm việc tại các DN thuộc vùng kinh tế trọng điểm, các địa phương có các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao yên tâm làm việc, tham gia phục hồi sản xuất kinh doanh; đặc biệt hỗ trợ để thu hút NLĐ ngoại tỉnh quay lại làm việc. Đây được đánh giá là “chìa khóa” để khôi phục thị trường lao động đồng thời đảm bảo an sinh xã hội.

Theo ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, làn sóng chuyển dịch lao động tại tỉnh phía Nam vừa qua cho thấy, DN sẽ khó có thể phục hồi sản xuất nếu chuỗi lao động bị đứt gãy.

Vì vậy, bên cạnh giải pháp dài hạn như xây nhà, đào tạo tay nghề nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, việc chăm lo thực hiện chính sách phúc lợi xã hội thường xuyên, nhất là dịp Tết cho NLĐ là nhân tố rất quan trọng. Việc làm này không chỉ là nhân tố đánh giá trách nhiệm xã hội mà còn thể hiện sự sẻ chia của DN trước những khó khăn do dịch đối với NLĐ.

Hiện nay, nhiều DN đã đưa ra những chính sách đãi ngộ đối với NLĐ. Theo đó, khi trở lại trạng thái bình thường mới, DN đã mời gọi những lao động về quê trở lại bằng cách hỗ trợ chi phí đi đường cùng các chi phí khác cho người lao động. Thậm chí, nhiều DN còn có chính sách hỗ trợ thiết bị điện tử để công nhân chăm con nhỏ có thể tiếp tục làm việc trực tuyến tại nhà. Đây là giải pháp để DN thu hút lao động, nhất là lao động phổ thông./.
THÀNH ĐỨC


 

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201