Thứ Năm, 25/4/2024 - 20:48:23 Đường dây nóng: 096 774 2199 Liên hệ quảng cáo: (024) 6282 2201 Cơ quan: (024) 6282 2176 Email: kiemtoandientu@sav.gov.vn

Bộ luật Lao động sửa đổi tác động tích cực đến chính sách bảo hiểm xã hội

THỨ HAI, 09/12/2019 10:05:00 | AN SINH XÃ HỘI
(BKTO) - Bộ luật Lao động (BLLĐ) sửa đổi đã được Quốc hội thông qua ngày 20/11 với tỷ lệ tán thành 93,79%. Nhiều quy định của Bộ luật sửa đổi lần này có tác động tích cực tới hệ thống chính sách an sinh xã hội; trong đó, quy định về tăng tuổi hưu và sửa đổi chế định hợp đồng tác động trực tiếp đến chính sách BHXH, BHYT - trụ cột của hệ thống an sinh xã hội.

Nhiều nội dung sửa đổi của BLLĐ có tác động tích cực đến chính sách BHXH - Ảnh: Internet


Tăng tuổi hưu giúp đảm bảo nguồn quỹ Bảo hiểm xã hội

Theo BLLĐ (sửa đổi) độ tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLĐ) trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh tăng theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ.

Theo đó, kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.

Liên quan đến quy định tăng tuổi hưu trong BLLĐ (sửa đổi), Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, nước ta đang bắt đầu chuyển từ giai đoạn “dân số vàng” sang giai đoạn già hóa dân số, nguy cơ thiếu nhân lực đang cận kề. Vì vậy, nâng tuổi nghỉ hưu trước hết là để đảm bảo nhu cầu đáp ứng nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, nâng độ tuổi nghỉ hưu cũng góp phần đảm bảo sự an toàn của Quỹ BHXH. Khi tuổi thọ tăng lên, thời gian hưởng lương hưu dài hơn, số người hưởng lương hưu nhiều lên, là gánh nặng cho Nhà nước, và tăng tuổi hưu cũng là một trong các giải pháp để giảm áp lực này.

Theo ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, việc kéo dài tuổi nghỉ hưu đồng nghĩa với việc nguồn tài chính đóng góp cho Quỹ tăng lên từ sự đóng góp của DN, NLĐ cũng như việc Quỹ BHXH được đầu tư phát triển. Đây là quỹ tích lũy, có tính cộng đồng, dùng cho cả NLĐ và xã hội; vì vậy khi nguồn lực này tăng lên thì sức đảm bảo về mặt tài chính ổn định và bền vững hơn, từ đó tạo sự bền vững cho trụ cột an sinh xã hội.

Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Đỗ Văn Sinh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, mọi chính sách, nhất là các chính sách liên quan đến an sinh xã hội phải gắn kết các nhóm, lực lượng lao động cho phù hợp. Ông Sinh cho rằng, những quy định mới, trong đó có quy định về tuổi hưu đang kế thừa tinh thần đó, vừa phù hợp với yêu cầu quản lý nói chung, vừa phù hợp với tất cả các loại hình ngành nghề lao động nói riêng.

Ông Sinh cũng cho rằng, chính sách lao động (có tuổi nghỉ hưu) và Quỹ BHXH cũng như chính sách cho người nghỉ hưu gắn bó chặt chẽ với nhau. Do đó, cùng với việc sửa BLLĐ, nhiều quy định có liên quan, đặc biệt là Luật BHXH cũng cần sửa đổi cho đồng bộ trong áp dụng chính sách.

Khắc phục tình trạng lách luật, trốn đóng Bảo hiểm xã hội

Những tác động của BLLĐ đến chính sách BHXH cũng được nhiều chuyên gia, các nhà làm luật trao đổi tại tọa đàm “Những tác động của BLLĐ sửa đổi đến DN và giải pháp” do Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức mới đây.

Bên cạnh quy định tăng tuổi hưu, chế định hợp đồng trong BLLĐ cũng được cho là có tác động trực tiếp đến việc triển khai chính sách BHXH. Cụ thể, theo BLLĐ sửa đổi, sẽ chỉ còn 2 loại hợp đồng lao động là xác định thời hạn và không xác định thời hạn, loại hình hợp đồng theo mùa vụ sẽ không còn được sử dụng từ 01/01/2021, khi BLLĐ sửa đổi có hiệu lực.

Quy định này được kỳ vọng sẽ khắc phục tình trạng DN lách luật, trốn đóng BHXH cho NLĐ hiện nay. Theo TS. Đỗ Ngân Bình - Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật (Trường Đại học Luật Hà Nội), tại Điều 13 của BLLĐ sửa đổi có quy định về hợp đồng lao động. Theo đó, hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người NLĐ và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Với quy định mới này, TS. Bình cho rằng, khi nhận NLĐ vào làm việc thì DN phải ký hợp đồng lao động và thực hiện đầy đủ các chính sách về BHXH cho NLĐ.

Diễn giả Phạm Hồng Quân - Giám đốc nhân sự khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (Tập đoàn Piaggio) thì đánh giá, đây là quy định rất nhân văn, đòi hỏi trách nhiệm của người sử dụng lao động với NLĐ. Quy định này cũng xóa đi cách xử lý lách luật của DN để không phải đóng BHXH cho NLĐ bằng cách ký các loại hợp đồng mùa vụ, dịch vụ. Theo BLLĐ sửa đổi thì bắt buộc DN phải thực hiện đúng theo yêu cầu về quyền và nghĩa vụ của mình khi ký hợp đồng.

Nêu dẫn chứng, ông Phạm Hồng Quân cho biết, trong năm 2018, lực lượng thanh tra BHXH các địa phương phát hiện nhiều trường hợp NLĐ được chủ DN ký HĐLĐ mùa vụ 25 ngày nhiều lần liên tục trong 2 năm. Sau khi hết hạn hợp đồng 2- 5 ngày, họ lại được ký tiếp “HĐLĐ mùa vụ”. Khi hình thức hợp đồng lao động đã được tường minh và luật hóa, DN sẽ không còn khả năng để lách luật trong vấn đề này nữa, từ đó đảm bảo cho quyền lợi của NLĐ cũng như tính thực thi cao của chính sách pháp luật BHXH.

NGUYỄN LỘC 

Bình Luận

Vui lòng nhập nội dung bình luận.

Tin mới

  • Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    Đấu tranh chống "diễn biến hòa bình" trên mặt trận tư tưởng

    (BKTO) - Nhận diễn rõ các phương thức chống phá chủ yếu của các thế lực thù địch trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là sự chống phá trên mặt trận tư tưởng có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam xây dựng các giải pháp phòng chống DBHB một cách toàn diện, hiệu quả.

     1 năm trước

Sự Kiện nổi bật

Chuyên đề

 Thời tiết
Các ấn phẩm Báo Kiểm toán

Liên hệ đặt báo: (024) 6282 2201